24/05/2020 11:02 GMT+7

Khi bố còn thơ: Trong thiên đường tuổi nhỏ

NGUYỄN TƯỜNG
NGUYỄN TƯỜNG

TTO - Bởi quá mê những chuyện kể về săn bắn, bọn trẻ đã vào vai các thợ săn tái diễn một cuộc săn như thật. Chúng biến chú mèo con hiền lành trước sân thành con hổ vằn, tấn công cho đến khi con mèo... ngã gục.

Vài chục năm sau, một đứa bé trong đám trẻ nghịch ngợm ấy trở thành ông bố, câu chuyện về cái chết tội nghiệp của con mèo đã được kể lại.

Đó chỉ là một trong 36 câu chuyện ông bố Alexander Raskin kể cho cô con gái Xasa nghe bên giường bệnh, mỗi khi cô con gái bị cảm sốt.

Thiệt thà và thuần khiết

"Từ đó về sau, bố không bao giờ làm đau một con mèo, một con chó hoặc bất cứ con vật nào nữa trong đời bố. Và bố vẫn còn ân hận mãi về chú mèo vằn bé bỏng xưa kia". Chuyện "Bố đi săn cọp" đã để lại cái kết nhẹ nhàng như một lỗi lầm và kinh nghiệm về tình yêu thương với loài vật.

Cuốn truyện nhỏ Khi bố còn thơ của nhà văn Nga Alexander Raskin (Y Khương và Đỗ Tư Nghĩa dịch, Phanbook & NXB Văn Hóa Văn Nghệ, 2020) không có những chuyện choáng ngợp, ngoài tưởng tượng con trẻ như những quyển truyện fantasy (huyền ảo, thần kỳ) mà bọn trẻ ngày nay dễ bị mê hoặc.

Thế giới trong đó chẳng lấy gì viễn tưởng gây kinh ngạc. Nó chân thật, hồn hậu và thiệt thà như đếm. Ông bố muốn giải khuây, giúp con quên cơn sốt vì đau răng, đau tai, cảm cúm bằng những chuyện "có sẵn" trong đầu, lấy từ chất liệu tuổi thơ của mình ra mà kể thôi, không cần thêu dệt thêm thắt gì.

Nhưng những chuyện kể đầy giản dị, hài hước, giọng kể linh hoạt bằng một tâm tình chan chứa yêu thương đã khiến từng mẩu chuyện nhỏ trở nên hấp dẫn mà không cần đến chút phép thuật nào.

Về phía tiếp nhận, đứa con gái (và cả những đứa trẻ đọc sách này), thì chân trời bọn trẻ nhìn thấy là một ông bố từng như chúng lúc còn thơ bé, một ông bố từng mang những "chứng tật" như mình để bầu bạn và thấu hiểu.

Tinh khôi còn lại

Trẻ nhỏ mê truyện Doraemon của Fujiko Fujio, ngoài các phép mầu của chú mèo máy đến từ tương lai, có lẽ một phần cũng bởi nhìn thấy sự trẻ con vụng dại của mình trong anh bạn Nobita và nhóm bạn của cậu bé này.

Con trẻ vui vì gặp mình ở đó, vì ấu thơ phải là vậy. Các bài học hay kinh nghiệm sống sẽ đến sau, khi người ta lớn lên, đi vào những trật tự và nguyên tắc, nhưng có biết bao trật tự nguyên tắc lấy mất đi sự tinh khôi ngơ ngác làm nên chất thơ của cuộc đời!

Cuốn truyện không có gì lớn lao. Cứ như ai cũng có thể viết nó bằng chính chất liệu tuổi thơ của mình. Nhưng điều hay ho nhất, dễ vươn ra tìm thấy giao cảm, đồng cảm nhiều nhất là ở khía cạnh thuần túy tuổi thơ.

Nó thay các ông bố kể chuyện mình cho con trẻ nghe và giải tỏa cơn khát của những đứa trẻ muốn thấy bố mình là cậu bé ngộ nghĩnh thay vì một ông bố "người lớn" khô khan, nguyên tắc và giáo điều.

Mỗi người lớn đều từng là một đứa trẻ. Cuốn sách này đơn giản đã gợi ra một thiên đường. Nơi đó người bố, người mẹ được diễm phúc làm trẻ nhỏ cùng con cái mình.

Alexander Raskin (1914 - 1971) là nhà văn, nhà biên kịch người Nga.

Khi bố còn thơ (tựa tiếng Anh: When Daddy Was a Little Boy) là quyển sách thiếu nhi được xuất bản lần đầu vào năm 1961 tại Nga, sau đó được dịch ra nhiều ngôn ngữ và tái bản nhiều lần.

Trong lần tái bản này, sách do Y Khương, Đỗ Tư Nghĩa dịch với ngôn ngữ đẹp, sống động, giàu tình cảm, phù hợp với cách đọc của độc giả nhỏ tuổi hôm nay.

Phần tranh minh họa màu do họa sĩ Hồng Nguyên (Nguyen Tran) - tác giả minh họa thường xuyên xuất hiện trên The New York Times, Elle, Amazon - thực hiện.

Cùng con nấu cơm, đọc sách, tôi được Cùng con nấu cơm, đọc sách, tôi được 'giải ngố' trong kỳ nghỉ bất đắc dĩ

TTO - Các con phân công nhau dọn việc nhà, một đứa cắm cơm, một đứa làm thức ăn... Kỳ nghỉ bất đắc dĩ này cũng dạy cho người mẹ như tôi một bài học về việc cân bằng giữa làm việc và thời gian dành cho con...

NGUYỄN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên