03/10/2016 09:05 GMT+7

Khát vọng từ Cây cầu

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Hai anh em nghệ sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải - Lê Brother - có cuộc triển lãm sắp đặt video mang tên Cây cầu III ở Viện Goethe Hà Nội.

Cây cầu III là những câu chuyện nhắc nhớ về quá khứ chia cắt đau thương mà cũng là bản hòa ca khát vọng thống nhất - Ảnh: Đức Triết
Cây cầu III là những câu chuyện nhắc nhớ về quá khứ chia cắt đau thương mà cũng là bản hòa ca khát vọng thống nhất - Ảnh: Đức Triết

Lấy không gian là những phế tích của bức tường Berlin, bức tường được chính quyền Đông Đức dựng lên năm 1961 ngăn dòng người Đông Đức di cư sang Tây Đức và bị đập đổ vào năm 1989, Lê Brother cùng những người bạn nghệ sĩ quốc tế đã gợi nhớ những ký ức bị chia cắt - tưởng chỉ về mặt lãnh thổ nhưng thật ra là sự chia cắt về cả tâm hồn của người dân Đông Đức, Tây Đức.

Ở đó có cả máu cho những cuộc vượt tường Berlin, có cả nước mắt trong hân hoan thống nhất nhưng chưa thể hòa hợp (về ngôn ngữ, tâm lý, thái độ sống...). Nhưng ở đó nghệ thuật của ước vọng hòa bình được cất cao với một nam nghệ sĩ say sưa thổi kèn trumpet, hay bên kia là nữ nghệ sĩ da trắng đắm mình cùng câu hát còn bên này là nữ nghệ sĩ da màu lặng thầm nguyện cầu...

“Tôi lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt như thế. Và tôi đã xúc động khi xem dự án này của Hải - Thanh” - bà Meyer Zollitsch, giám đốc Viện Goethe Hà Nội, nói.

Cây cầu III dài gần 20 phút và chỉ có bóng dáng cây cầu trong tâm tưởng. Hiện thực ở đây là tàn tích của bức tường Berlin. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng:

“Hải - Thanh không dừng lại ở câu chuyện bức tường hữu hình, mà hai ông “trời đánh” này còn gợi mở đến bức tường vô hình tồn tại giữa con người với con người - khi còn đó những khác biệt về chính trị, tôn giáo, lợi ích cá nhân”.

Còn với họa sĩ Trần Lương, những chuỗi hình ảnh ấy gieo cho ông nỗi buồn vì chạm đến câu chuyện dòng người di cư sang châu Âu ở những nước có IS chiếm đóng. Ông kể:

“Tôi như thấy lại hình ảnh “em bé Syria bên bờ biển”, thấy nỗi tiếc nuối về nỗ lực xóa bỏ đường biên giới sinh học giữa các nước của Liên minh châu Âu trong mấy chục năm qua thì giờ đây nhiều biên giới được dựng trở lại bằng dây thép gai, bức tường ngăn dòng người di cư”.

Triển lãm diễn ra vỏn vẹn trong ba ngày, nhưng đủ để người xem suy ngẫm về trách nhiệm của thế hệ hôm nay trước quá khứ. Còn với Hải - Thanh, cặp nghệ sĩ song sinh nổi tiếng vì “ngầu” và “chịu chơi” ở Huế khi phá cách trong nghệ thuật, thực hiện hàng loạt dự án ấn tượng như Những con số với sắp đặt Chén và đũa (1945), Giường nội trú (1991), video art Chạm tới biển (2011); video art Góc nhìn rồi đến những Cây cầu... cùng việc bỏ tiền túi xây dựng Trung tâm nghệ thuật New Space Arts, đã bày tỏ rằng thật may mắn khi họ mới chào đời được 27 ngày, đất nước thống nhất.

Chính vì thế, những người nghệ sĩ như họ lại càng cần thể hiện trách nhiệm công dân của mình bằng nghệ thuật...

Cây cầu III vốn là sự tiếp nối cho dự án được Hải - Thanh thực hiện trong suốt sáu năm qua, gồm Cây cầu I (cầu Hiền Lương - Việt Nam) và Cây cầu II (cầu Tự Do - Triều Tiên). Dù là câu chuyện ở Việt Nam, Triều Tiên hay Đức, sợi chỉ đỏ xuyên suốt ở đây luôn là sự dám đối diện của thế hệ hậu chiến với lịch sử để nỗ lực, khát khao nối những nhịp cầu chia cắt, xóa bỏ ranh giới bị thể chế chính trị định sẵn, từ đó vươn đến thế giới tràn ngập tình yêu thương giữa người với người.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên