10/05/2019 09:28 GMT+7

Khát vọng công nghệ Việt: thử nghiệm 'đặc khu công nghệ'

THANH HÀ - NGỌC AN
THANH HÀ - NGỌC AN

TTO - Bộ trưởng Thông tin và truyền thông cho biết sẽ cho thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn.

Khát vọng công nghệ Việt: thử nghiệm đặc khu công nghệ - Ảnh 1.

Kỹ sư trẻ Phạm Hoàng Việt (phải) và các cộng sự thử nghiệm vận hành xe điện tự hành trong khuôn viên Công ty FPT ở Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

"Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số 1 - Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định - Muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, nếu Chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ".

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp công nghệ, người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông khẳng định thêm: Việt Nam sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây. Cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn.

Những "đặc khu công nghệ", "đặc khu đổi mới sáng tạo", với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ, có thể được Chính phủ xem xét.

Nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngoài việc tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, cũng cần tạo những thách thức để cho doanh nghiệp phát triển.

"Trong không ít trường hợp, khó khăn và thách thức lại là nhân tố chính tạo nên những doanh nghiệp hàng đầu - ông Hùng lý giải - Không chỉ có những chính sách ưu đãi về thuế, về đất..., chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ đặt ra những tiêu chuẩn không ngừng cao hơn cho các sản phẩm Việt Nam, để từ đây các doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ. Đây là lần đầu tiên chúng ta đề xuất một số giải pháp tạo thêm thách thức để doanh nghiệp công nghệ Việt phải vượt lên".

Nhằm tạo điều kiện cho các công ty công nghệ phát triển, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển bằng việc thí điểm xây dựng các khu công nghệ, khu đổi mới sáng tạo có nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ.

Thủ tướng bày tỏ ủng hộ về nguyên tắc cho thí điểm triển khai các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số tại một số địa phương, một số ngành, nghiên cứu tổng kết để áp dụng trên toàn quốc.

Ngoài ra, Thủ tướng cho biết sẽ có văn bản giao cho Bộ Giáo dục và đào tạo nghiên cứu việc đổi mới giáo dục dạy ICT và ngoại ngữ bắt buộc từ cấp tiểu học để nâng cao năng lực tiếp cận và kỹ năng công nghệ thông tin.

Thủ tướng cũng giao bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông soạn thảo chỉ thị hoặc chiến lược hay chương trình hành động về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để trình Thủ tướng trong tháng 6, từ đó tạo cơ sở pháp lý để triển khai.

Đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, Thủ tướng khẳng định trong năm 2019 sẽ sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số để tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ.

Ông Lý Quốc Chính (giám đốc công nghệ của Công ty VNPT Technology):

Còn nhiều rào cản!

Công ty chúng tôi đã đạt chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, để đạt được chứng nhận này là cả hành trình khá gian nan tới vài năm của doanh nghiệp. Tôi thử hỏi đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ, nhưng đã hiệu quả hay chưa?

Năm 2018 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, tăng 25% số công trình nghiên cứu, nhưng đã đi vào ứng dụng và phát huy hiệu quả hay chưa?

Nhiều nghị định quy định hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ ra đời, nhưng luật quy định DN công nghệ cao là phải làm chủ công nghệ, làm ra sản phẩm công nghệ, sống được bằng sản phẩm công nghệ, có nguồn lực nghiên cứu và phát triển (R&D) đầy đủ. Nhưng thực tế, số lượng lao động có trình độ chuyên môn đạt ít nhất 5% thì có đủ làm chủ công nghệ hay không? Rồi tổng chi phí hoạt động R&D ít nhất 1% thì không giải quyết được vấn đề gì.

Ông Nguyễn Minh Quý (chủ tịch Tập đoàn Digital Navaon):

Cần khơi thông dòng vốn đầu tư mạo hiểm

Trong chiến lược phát triển công ty, chúng tôi mở rộng đầu tư ra một số thị trường khu vực Đông Nam Á, nhưng thủ tục xin đầu tư chậm trễ. Dẫn chứng như đầu tư tại Singapore, doanh nghiệp chỉ mất 1 tuần để làm tất cả các thủ tục về đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong khi việc xin đầu tư ra nước ngoài ở trong nước vẫn chưa được phê duyệt.

Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ có năng lực tốt nhưng do những hạn chế nguồn lực nên các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là năng lực quản lý, năng lực làm sản phẩm, đội ngũ này rất thiếu.

Rồi vấn đề vốn cũng là thách thức khi đây là lĩnh vực mạo hiểm, đầu tư nhiều, phải phát triển quy mô nhất định mới lãi được, hầu như vài năm đầu lỗ, nên nếu không khơi thông dòng vốn đầu tư mạo hiểm sẽ khó thúc đẩy các startup công nghệ khởi nghiệp.

Ngoài ra tôi đề nghị cần gỡ bốn nút thắt đó là hạn chế các chính sách là rào cản cho doanh nghiệp như: quy định của Luật đầu tư thì cần phải có quy định riêng cho đầu tư mạo hiểm. Hình thành nên các đặc khu ảo, giúp các doanh nghiệp thử nghiệm.

Thủ tục nhà nước cần phải thông thoáng hơn, giảm thiểu các chi phí nhũng nhiễu, bôi trơn. Có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ như miễn thuế, nâng cao đầu tư hiệu suất, mua dịch vụ...

Ông Nguyễn Thế Tân (giám đốc Công ty VCCorp):

Tập trung nguồn lực cho con người

Tôi kiến nghị cần phân nhóm các DN công nghệ dựa trên giá trị tạo ra để có ưu đãi cho phù hợp. Đơn cử như các DN hoạt động trong lĩnh vực nội dung số, làm ra công nghệ tiên tiến, mang sản phẩm ra nước ngoài thì cần có mức ưu đãi cao. Bởi hiện nay ngành nội dung số so với ngành phần mềm thuế cao hơn và ưu đãi thì không có. Chính sách cũng cần tập trung ưu đãi nguồn lực quan trọng nhất là con người, giảm thuế thu nhập cá nhân.

NGỌC AN ghi

Thủ tướng dự diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam Thủ tướng dự diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

TTO - Ngày 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.

THANH HÀ - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên