09/05/2019 11:34 GMT+7

Doanh nghiệp công nghệ cần 'luật chơi'

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức khai mạc sáng nay 9-5 tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại diễn đàn.

Doanh nghiệp công nghệ cần luật chơi - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất thiết bị viễn thông của Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông (VNPT Technology), khu công nghiệp cao Hòa Lạc - Ảnh: THANH HÀ

Hiện nhiều doanh nghiệp Việt đang có những bước tiến mạnh mẽ về nghiên cứu phát triển (R&D), một số doanh nghiệp đang trở thành các tập đoàn công nghệ với những tham vọng làm chủ công nghệ sản xuất ôtô, điện thoại thông minh hay sản xuất chipset, thiết bị, trạm thu phát sóng cho công nghệ 5G, xe không người lái, công nghệ trí tuệ nhân tạo...

Tuy nhiên, dường như các chính sách từ cơ quan quản lý chưa tạo được môi trường và động lực cho các doanh nghiệp công nghệ Việt trỗi dậy...

Không dám chạy hết tốc độ

Là người trực tiếp lăn lộn trong lĩnh vực nội dung số, ông Nguyễn Văn Tân - tổng giám đốc VCCorp - cho rằng các doanh nghiệp công nghệ sáng tạo của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nội dung số, có đủ thực lực và sức mạnh để cạnh tranh. 

Các doanh nghiệp hoàn toàn có tiềm năng trong việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ nền tảng số phục vụ người Việt và có thể vươn xa hơn ra thị trường quốc tế.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, năm 2018 ngành công nghiệp CNTT ước đạt doanh thu khoảng 98,9 tỉ USD, tăng trưởng 8%. Tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 94 tỉ USD, xuất siêu khoảng 26 tỉ USD. Năm 2018, công nghiệp CNTT ước tính đóng góp gần 50.000 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

"Việt Nam muốn trở thành nước phát triển thì phải phát triển các công ty công nghệ mà đầu tiên là các công ty lớn, đầu đàn" - đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ngay từ những ngày đầu nhậm chức.

"Các doanh nghiệp công nghệ sáng tạo Việt Nam đang không dám "chạy" hết tốc độ. Tôi thấy họ rất muốn làm, đầy đủ nguồn lực để làm và thừa quyết tâm để làm nhưng không dám làm, không dám "chạy" hết tốc lực, không huy động được nguồn lực xã hội vì còn một số nghi ngại" - ông Nguyễn Văn Tân nhận xét.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Hưng - thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - nhìn nhận: "Các doanh nghiệp Việt hiện đã đủ năng lực và khát khao để làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường trong nước, thậm chí mang sản phẩm tiến ra khu vực nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách, từ thị trường cũng như người dùng. Cái mà chúng ta đang còn lúng túng chính là luật chơi".

Make in Vietnam

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trong diễn đàn này có dùng một từ tiếng Anh là "Make in Vietnam", thông qua đó để truyền tải nội hàm của sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Khẩu hiệu này muốn nói là được sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế, làm ra tại Việt Nam, nghĩa này để nói rằng có sự rất khác giữa các doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp sản xuất gia công sản phẩm thông thường. Tất cả những gì sáng tạo, thiết kế và làm ra tại Việt Nam đều thuộc phạm trù này hết.

Cần chính sách theo kịp xu thế

Việc công nghệ thay đổi chóng mặt, các mô hình kinh doanh mới liên tục xuất hiện không chỉ tạo ra sức ép buộc doanh nghiệp phải đổi mới, mà tư duy quản lý, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý... cũng cần phải cập nhật, bắt kịp thực tế. 

Nếu Chính phủ hành động đủ nhanh, nếu các chính sách và cơ chế theo kịp xu thế và tạo được động lực cho các doanh nghiệp số phát triển, thì đó chính là cơ hội lớn. Nhưng ngược lại, độ trễ càng cao lại trở thành thách thức không nhỏ - ông Vũ Minh Trí, phó tổng giám đốc VNG, nhấn mạnh.

Phân tích về một số nhân tố và hệ thống chính sách thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ, TS Nguyễn Xuân Thành - ĐH Fulbright Việt Nam - cho rằng Nhà nước phải đóng vai trò hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp. Nhà nước có thể không trực tiếp tài trợ nguồn lực tài chính nhưng cần hỗ trợ mạnh về chính sách, bảo vệ mạnh hơn về quyền sở hữu trí tuệ. 

Đặc biệt, khung pháp lý thông thoáng, khuyến khích về thuế cho hoạt động đầu tư R&D của doanh nghiệp, quy hoạch để thu hút đầu tư tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đẩy nhanh sự quy tụ các doanh nghiệp công nghệ tại các đô thị lớn.

Từ góc độ thực tế, ông Nguyễn Văn Tân kiến nghị cần coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm. Phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường Việt Nam. Cần coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế, không phải chỉ gia công. 

Vì vậy, Nhà nước cần xem xét lại mức thuế 15-20% doanh thu, chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp đang được áp dụng đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nội dung số. "Đánh thuế để phát triển ngành quan trọng hay đánh thuế để thu cật lực?" - ông Tân đặt vấn đề.

Còn theo ông Nguyễn Trung Chính - chủ tịch Tập đoàn CMC: "Nhà nước cần có lộ trình và chiến lược để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột nền kinh tế quốc dân, vươn tầm thế giới. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc trên thị trường toàn cầu như Huawei, ZTE, Alibaba, Tencent là một ví dụ. 

Về phần mình, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế World Class, vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước vừa nâng cao sức cạnh tranh, xuất khẩu".

Hướng đến Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên này với sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ, ông Nguyễn Văn Tân bày tỏ kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để các nghị định, chính sách được các cơ quan quản lý tiếp thu, sửa đổi. 

"Là bước tiến quan trọng, đảo ngược các bất lợi để doanh nghiệp Việt có cơ hội phát triển vượt bậc, giúp các doanh nghiệp dám làm" - ông Tân nhấn mạnh.

Có chủ đề "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường" và với khẩu hiệu hành động "Make in Vietnam", Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì sẽ tập trung thảo luận về 4 nhóm chủ đề, bao gồm: Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam; Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; Chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; Giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phan Tâm chia sẻ diễn đàn sẽ là sự kiện khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, cộng đồng công nghệ Việt có thể chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng chục, hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Diễn đàn dự kiến thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Thủ tướng sẽ dự Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam Thủ tướng sẽ dự Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

TTO - Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 9-5 tại Hà Nội. Bộ Thông tin và truyền thông cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại diễn đàn.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên