Cao ủy thương mại Vương quốc Anh phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Natalie Black trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG
Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của mình từ ngày 16 đến 18-4, Cao ủy thương mại Vương quốc Anh phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Natalie Black đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi riêng về quan hệ hợp tác thương mại Anh - Việt.
Bà Black nói: "Tôi mong muốn tìm ra hướng đi mới, giúp Anh và Việt Nam tăng cường hợp tác đầu tư. Tôi được biết Việt Nam là một quốc gia năng động về lĩnh vực công nghệ sáng tạo, mới mẻ. Chính phủ Anh cũng đang làm việc chặt chẽ với Việt Nam trong nhiều vấn đề quan trọng khác".
Tôi biết Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam đang tiến triển tốt đẹp, chúng tôi cũng đang theo dõi sát sao quá trình này. Chính phủ Anh rất trông chờ sự chuyển đổi của thỏa thuận đó.
Bà Natalie Black
* Là một người có nền tảng về công nghệ, theo bà, vì sao công nghệ lại quan trọng đến vậy, đặc biệt đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam?
- Tất cả chúng ta đều đang sống trong cuộc cách mạng công nghệ. Điều đó mang lại cho chúng ta những cơ hội tuyệt vời, cũng như nhiều thách thức khó khăn. Việt Nam và Anh có nhiều điểm chung, khi cả hai nước đang phải đối phó với tình trạng lão hóa dân số. Tôi cho rằng Anh có thể hỗ trợ Việt Nam sử dụng công nghệ để đối phó với vấn đề này.
Tôi đã đi khắp các nước châu Á - Thái Bình Dương để chia sẻ công nghệ. Nhiều người nói rằng tôi sẽ bất ngờ khi đến Việt Nam và thích thú với những gì đang diễn ra ở đây. Họ đã đúng.
Tôi thật sự ấn tượng với những ý tưởng của các tài năng trẻ tại đây. Tôi hi vọng chúng ta có thể cùng nhau đưa hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ Anh và Việt Nam ra khắp Đông Nam Á.
Cao ủy Thương mại Vương quốc Anh trò chuyện cùng Tuổi Trẻ - Video: NGUYÊN HẠNH - TRẦN PHƯƠNG
* Vậy tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Anh trong lĩnh vực công nghệ là gì và nên có những ưu tiên nào?
- Một lĩnh vực mà tôi nghĩ chúng ta có thể bắt tay cùng nhau là công nghệ tài chính.
Trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, người dân ngày càng ít sử dụng tiền mặt, mà dần chuyển sang thanh toán di động. Rất may mắn, Anh là một trong những nước dẫn đầu thế giới về công nghệ tài chính. Chúng tôi có nhiều công ty trong ngành này trị giá hàng tỉ USD.
Nhiều công ty công nghệ tài chính của Anh muốn đến Việt Nam để hợp tác và đầu tư.
* Việc Anh rời khỏi EU (Brexit) vẫn chưa được định đoạt có ảnh hưởng tới quan hệ thương mại Anh - Việt hay không và sẽ ảnh hưởng như thế nào?
- Đầu tiên, tôi phải nói rằng quan hệ thương mại Anh - Việt đang trên đà phát triển. Hoạt động thương mại giữa hai nước trong năm ngoái đạt 5 tỉ bảng Anh. Xuất khẩu từ Anh sang Việt Nam cũng tăng thêm 9%. Vì thế chúng tôi rất tự hào về quan hệ hợp tác này.
Bên cạnh đó, chúng tôi rất quan tâm quan hệ thương mại với Việt Nam. Các bạn là một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ thương mại mở và tự do. Đây là điều đặc biệt quan trọng ở thời điểm hiện tại.
Về Brexit, đây rõ ràng là quãng thời gian đầy thử thách. Tuy nhiên, khi tôi đi khắp Việt Nam, tôi cảm thấy rất phấn khích khi tìm thấy rất nhiều nơi có hứng thú hợp tác với nước Anh. Tôi tin rằng quan hệ của chúng ta sẽ ngày một mạnh hơn.
* "Global Britain" là một chiến lược ngoại giao mới nhằm giúp nước Anh tái định vị lại trên trường thế giới hậu Brexit. Vậy Đông Nam Á, cụ thể hơn là Việt Nam, đóng vai trò gì trong chiến lược này?
- "Global Britain" là cam kết của chúng tôi để trở thành một quốc gia hướng ngoại. Đông Nam Á có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Chính phủ Anh.
Tại Việt Nam, tôi nghĩ các bạn có khoảng 25% dân số ở độ tuổi dưới 35. Tôi rất muốn xây dựng mối quan hệ với thế hệ này, để tìm ra những doanh nhân trẻ và giúp họ xây dựng quan hệ với Anh. Đó là tương lai chúng tôi hướng tới tại Việt Nam và toàn Đông Nam Á.
* Theo một nghiên cứu của Trường Kinh tế và khoa học chính trị London (LSE), Anh đã mất thị phần của mình tại Thái Lan và Malaysia, chỉ giữ được thị phần ở Việt Nam và Singapore. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới chính sách của Anh tại Đông Nam Á?
- Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất rút ra từ câu chuyện này là ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh đã xuất hiện tại đây. Nhiều quốc gia khác cũng muốn tiếp cận Đông Nam Á. Điều đó rất tuyệt, là điểm đáng khen lớn cho những quốc gia như Việt Nam. Lý do là vì thế giới đã nhận ra cơ hội trao đổi thương mại khổng lồ trong khu vực.
Tuy nhiên, tôi tin "Global Britain" hướng tới việc hình thành mối quan hệ và hợp tác lâu dài. Điều tôi muốn làm là xây dựng quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, dù là thành phố thông minh, thương mại điện tử hay khuyến khích du học sinh Việt Nam đến Anh.
Thực tế, tôi muốn sinh viên Anh đến Việt Nam nhiều hơn. Vì như tôi trình bày từ đầu, tôi thích được học hỏi từ Việt Nam, cũng nhiều như tôi muốn nói với các bạn về Anh quốc.
Tham vọng "Global Britain"
"Global Britain" là một chiến lược ngoại giao mới của Anh nhằm gặt hái lợi ích từ việc duy trì một nền kinh tế mở. Trong mắt giới quan sát chính trị Anh, "Global Britain" thực chất mang ý nghĩa cô đọng là giải pháp hậu Brexit đầy tham vọng của nước này. Nó là cách người Anh khẳng định vị trí mới trong cục diện chính trị, an ninh, kinh tế quốc tế mà không cần phải bị ghép vào EU.
Trả lời Tuổi Trẻ, bà Black khẳng định Đông Nam Á đặc biệt quan trọng đối với Anh trong "Global Britain", đồng thời nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam trong chính sách hậu Brexit đang được cân nhắc rất nghiêm túc này.
NHẬT ĐĂNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận