24/11/2012 08:15 GMT+7

Khập khiễng cầu, đường

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Trong khi vốn đầu tư hạ tầng giao thông ở TP.HCM thiếu trầm trọng thì một số công trình cầu, đường xây dựng không đồng bộ, không phát huy hết hiệu quả đầu tư.

a4aGyegq.jpgPhóng to
Cầu Phú Long rộng thênh thang nối Q.12 (TP.HCM) với tỉnh Bình Dương nhưng xe trọng tải lớn không thể lưu thông vào nội thành TP.HCM vì đường Hà Huy Giáp nhỏ hẹp - Ảnh: Minh Đức

Hiện nay đi từ H.Hóc Môn qua cầu Rạch Tra về H.Củ Chi, người đi đường ai cũng vui mừng vì cầu mới được xây dài 418m, rộng 14m cho bốn làn xe đã thay thế cầu cũ ọp ẹp chỉ cho một làn xe lưu thông. Chiếc cầu mới này được đầu tư 546 tỉ đồng, cho phép xe tải siêu trường siêu trọng qua cầu.

Thế nhưng do tỉnh lộ 9 ở Củ Chi chỉ rộng 6m và có đến mười cầu nhỏ có trọng tải dưới 8 tấn nên ngành giao thông đã treo biển cấm xe có trọng tải trên 8 tấn lưu thông. Như vậy, xe tải nặng có qua cầu Rạch Tra cũng không có đường về Củ Chi.

Cầu to, đường nhỏ

Trước đó, tháng 2 năm nay, Sở GTVT TP đã thông xe cầu Phú Long dài 597,40m, rộng 26m cho bốn làn xe lưu thông nối đường Hà Huy Giáp (Q.12) và quốc lộ 13 (thị xã Thuận An, Bình Dương). Đây là cầu được thiết kế cho phép xe siêu trường siêu trọng lưu thông, nhưng từ khi thông xe đến nay ngành chức năng lại cấm xe trên 20 tấn lưu thông qua cầu do đường Hà Huy Giáp chỉ rộng 8m cho hai làn xe lưu thông.

Các cơ quan chức năng lo ngại nếu cho xe tải nặng qua cầu vào đường này sẽ gây kẹt xe và tai nạn giao thông sẽ tăng. Như vậy, vốn đầu tư xây cầu khoảng 1.000 tỉ đồng (TP.HCM và Bình Dương cùng góp vốn) chưa phát huy hết hiệu quả.

Tương tự, nhiều người đi trên đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) đều cảm thấy vui vì một nhánh cầu Đỏ vừa làm xong trong tháng 10 cho ba làn xe lưu thông, thay cho chiếc cầu Đỏ bằng thép rộng 4m đã “già nua” và thường xảy ra ùn tắc giao thông. Khu Quản lý giao thông đô thị số 1- chủ đầu tư dự án - cho biết sẽ tiếp tục xây dựng thêm một nhánh cầu Đỏ thứ hai trong năm 2013 để cầu có đủ sáu làn xe. Thế nhưng điều bất hợp lý là hiện nay đường Nguyễn Xí chỉ có bốn làn xe lưu thông. Như vậy khi cầu Đỏ có đủ sáu làn xe thì xe cộ lưu thông qua cây cầu rất rộng nhưng khi vào đường thì bị “bó lại”.

Ngược lại với thực trạng cầu to đường nhỏ, ở TP.HCM còn có cầu nhỏ đường to. Anh Lê Xuân Toàn (nhà ở Q.4) than phiền mỗi sáng đi làm từ Q.4 qua cầu Ông Lãnh (Q.1 - Q.4) đều bị kẹt xe vì mặt cầu chật hẹp (ba làn xe) khiến lượng xe dồn ứ trên cầu. Thoát khỏi chiếc cầu này vào đường Nguyễn Thái Học (Q.1) xe chạy thênh thang vì mặt đường rộng cho sáu làn xe lưu thông. Cầu Nguyễn Tri Phương (Q.5 - Q.8) cũng quá hẹp, chỉ cho ba làn xe lưu thông nên dòng xe như bị dồn ép trên cầu, trong khi mặt đường Chánh Hưng rộng rãi không bị kẹt xe.

Bao giờ đồng bộ?

Theo ông Trịnh Linh Phương - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3, ngay khi lập dự án xây cầu Rạch Tra, khu đã đề xuất nâng cấp và mở rộng tỉnh lộ 9 đồng bộ với cầu. Tuy nhiên, do vốn đền bù giải tỏa trên tỉnh lộ 9 quá lớn trong tình hình ngân sách khó đáp ứng nên đơn vị đã đề nghị cho xây dựng nâng cấp trước mười cây cầu trên tuyến đường này. Trong đó, xây mới tám cầu và cải tạo hai cầu cũ đồng bộ với tải trọng của cầu Rạch Tra. Dự kiến đến tháng 8-2013 sẽ xây xong mười cây cầu này. Đồng thời, khu đang kiến nghị cấp thẩm quyền sớm có kế hoạch cấp vốn đầu tư xây dựng mở rộng tỉnh lộ 9.

Thừa nhận dự án xây dựng cầu Đỏ cho sáu làn xe nhưng hiện mặt đường Nguyễn Xí chỉ rộng cho bốn làn xe lưu thông là không đồng bộ, ông Lê Quyết Thắng, giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, cho biết trong quy hoạch, đường Nguyễn Xí được nâng cấp và mở rộng lên sáu làn xe và tuyến đường này đã được giao cho hai đơn vị đầu tư. Cụ thể, TP giao Q.Bình Thạnh lập dự án mở rộng đường Nguyễn Xí đoạn từ Nơ Trang Long đến Đinh Bộ Lĩnh, nhưng thời gian qua quận chưa triển khai. Còn đường Nguyễn Xí đoạn từ Đinh Bộ Lĩnh đến quốc lộ 13, TP đã giao cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật TP lập dự án đầu tư.

Để đồng bộ cầu Đỏ và đường Nguyễn Xí cho sáu làn xe lưu thông, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã đề nghị cấp thẩm quyền TP giao lại cho khu dự án đầu tư mở rộng đường Nguyễn Xí đoạn từ Nơ Trang Long đến Đinh Bộ Lĩnh để khu thi công ngay trong năm 2013. Theo ông Thắng, việc xây dựng hoàn thiện tuyến đường Nguyễn Xí và cầu Đỏ lên sáu làn xe sẽ góp phần tạo thuận lợi cho xe tải lưu thông hướng từ Q.Bình Thạnh về Gò Vấp, giảm được áp lực xe trên các tuyến đường Phan Đăng Lưu, Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Trong khi đó, dự án xây dựng đường song hành Hà Huy Giáp (Q.12) cho sáu làn xe lưu thông để “thông” với cầu Phú Long vẫn còn loay hoay trong thủ tục đầu tư. Như vậy phải còn chờ thêm nhiều năm nữa mới hi vọng cầu Phú Long đồng bộ với đường.

Còn cầu Ông Lãnh và cầu Nguyễn Tri Phương, làm thế nào để đồng bộ với đường? Theo một cán bộ Sở GTVT TP, cách đây khoảng mười năm dự án xây dựng cầu Ông Lãnh và cầu Nguyễn Tri Phương được chia thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 xây trước một nhánh cầu và giai đoạn 2 sẽ xây nhánh cầu còn lại. Tuy nhiên, do vốn đền bù giải tỏa quá lớn nên dự án phải dừng lại ở giai đoạn 1. Sau gần mười năm tạm dừng giai đoạn 2, nhà cửa hai bên tuyến đường nằm trong lộ giới giải tỏa đều đã xây dựng khang trang. Hiện sở vẫn chưa có kế hoạch triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng hai cây cầu trên vì tiền đền bù giải tỏa rất lớn và ngân sách TP sẽ không kham nổi.

Mới đây, trong cuộc họp với Sở GTVT TP về các công trình giao thông tại TP, một đại biểu Ban kinh tế ngân sách HĐND TP cho rằng Sở GTVT TP cần có giải pháp đồng bộ khi đầu tư các dự án để cầu, đường thông suốt, tránh tình trạng cầu thông mà đường không thông hoặc ngược lại.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên