Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: AFP
Niềm tin vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sụt giảm trong 12 tháng qua, với hơn 77% số người được khảo sát ở Mỹ nói rằng họ không tin tưởng vào việc ông Tập "làm điều đúng đắn" trong các vấn đề toàn cầu.
Laura Silver, nhà nghiên cứu cấp cao của Pew và là đồng tác giả của báo cáo, nhận định những quan điểm bất lợi về Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng, gắn liền với thực tế Trung Quốc đã không xử lý tốt đại dịch COVID-19.
Các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên của thế giới được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã lan ra toàn cầu và cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người.
Phương Tây, trong đó có Mỹ, chỉ trích Trung Quốc che giấu đại dịch khiến tình hình trở nên tồi tệ. Bắc Kinh đáp trả bằng lập luận rằng không phải ca nhiễm ghi nhận đầu tiên ở Trung Quốc thì nguồn gốc của virus là Trung Quốc.
Cuộc khảo sát của Trung tâm Pew bên ngoài Mỹ được tiến hành trên 14.276 người "phi đảng phái" tại 14 quốc gia từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua. Phần lớn đều có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với Trung Quốc, điều mà các tác giả báo cáo cho là do COVID-19.
Ngoại trừ Pháp, Nhật Bản và Ý, hình ảnh và uy tín của Trung Quốc tại các nước còn lại ở mức thấp kỷ lục, Đài CNN trích dẫn báo cáo cho biết thêm.
Các con số tích cực đối với Trung Quốc giảm mạnh. Ví dụ, vào năm 2017, 64% người Úc được khảo sát có cái nhìn tích cực đối với đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, chỉ 14% người Úc cảm thấy như vậy, chưa kể 81% có quan điểm tiêu cực khi nhắc tới Trung Quốc.
Ở Anh cũng có kết quả tương tự, từ tỉ lệ 35% người Anh có quan điểm kém thân thiện năm 2018 đã tăng lên 74% trong cuộc khảo sát mới nhất.
Trung tâm Pew bắt đầu khảo sát toàn cầu về Trung Quốc vào năm 2002 nhưng không phải quốc gia nào cũng được thăm dò. Ví dụ, năm nay là lần đầu tiên Pew khảo sát ý kiến ở Đan Mạch và Bỉ.
Nhà nghiên cứu Silver chia sẻ ban đầu nhóm định khảo sát ít nhất 50 quốc gia nhưng do COVID-19 nên phải giảm quy mô mẫu xuống còn 14 nước và tiến hành phỏng vấn qua điện thoại.
CNN nhận định giai đoạn 2019-2020 chứng kiến sự suy giảm uy tín của Trung Quốc trên toàn cầu trùng với việc các tin tức tiêu cực về Bắc Kinh liên tục xuất hiện, từ các diễn biến ở Hong Kong, Tân Cương hay Biển Đông.
Thêm vào đó, theo đài truyền hình của Mỹ, một thế hệ các nhà ngoại giao mới (bị gọi là "ngoại giao chiến lang") sẵn sàng đáp trả gay gắt các thông tin bất lợi cho Trung Quốc cũng khiến thiện cảm với Bắc Kinh đi xuống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận