11/06/2016 09:26 GMT+7

Khánh thành nhà văn hóa do bạn đọc báo Tuổi Trẻ tặng

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Sáng 10-6, Trung ương (T.Ư) Đoàn tổ chức lễ khánh thành bia di tích lịch sử cơ quan T.Ư Đoàn (thời kỳ 1951-1952) và tặng nhà văn hóa cho thôn Làng Bình, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong (bìa trái) và tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Tăng Hữu Phong (bìa phải) trao bảng tặng nhà văn hóa - Ảnh: Đ.Bình
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong (bìa trái) và tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Tăng Hữu Phong (bìa phải) trao bảng tặng nhà văn hóa - Ảnh: Đ.Bình

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, biết bia lịch sử này sẽ là nơi ghi dấu một thời kỳ lịch sử của Trung ương Đoàn. Công trình được xây dựng sẽ góp phần giáo dục con cháu chúng tôi, nên gia đình tôi rất vui vẻ hiến tặng mảnh đất này, không đòi hỏi gì

Bà LÂM THỊ HẾN

Tại buổi lễ, bà Lâm Thị Hến (51 tuổi, thôn Làng Bình) nói khi biết T.Ư Đoàn có ý định xây dựng nhà bia lịch sử ngay tại mảnh đất của mình, gia đình bà đã vui vẻ tự nguyện hiến 120m2 đất ở của gia đình để T.Ư Đoàn xây dựng nhà bia.

Từ nguồn xã hội hóa và được người dân hiến đất, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng nhà bia từ tháng 3-2016. Sau ba tháng thi công, nhà bia di tích đã hoàn thành với tổng trị giá trên 400 triệu đồng.

Để tri ân người dân thôn Làng Bình, xã Xuân Quang, T.Ư Đoàn đã đầu tư xây dựng, tặng thôn Làng Bình nhà văn hóa rộng 160m2, trị giá 580 triệu đồng, trong đó báo Tuổi Trẻ và bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp 300 triệu đồng.

Năm 1951, để đảm bảo an toàn, bí mật, cơ quan Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đã chuyển từ huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) về thôn Làng Bình, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) để hoạt động, chỉ đạo phong trào ở các khu, tỉnh, tham mưu cho Đảng về công tác thanh thiếu nhi.

Phát biểu tại buổi lễ, anh Lê Quốc Phong, bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cho biết việc xây dựng nhà bia di tích của cơ quan T.Ư Đoàn và tổ chức các chuỗi hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại xã Xuân Quang có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, góp phần giáo dục thế hệ trẻ.

Công trình mang ý nghĩa, dấu mốc lịch sử của cơ quan T.Ư Đoàn gắn với lịch sử của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thể hiện tấm lòng tri ân với thế hệ đi trước, đồng thời mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc với thế hệ trẻ với vai trò, vị trí của Đoàn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn mong đây là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống, là điểm đến hấp dẫn với đoàn viên thanh niên. Dịp này, T.Ư Đoàn đã trao tặng nhiều quà, học bổng cho học sinh và các gia đình chính sách của xã Xuân Quang.

Bà Ma Thị Ngôi, trưởng thôn Làng Bình, phấn khởi cho biết thôn có 94 hộ dân, với trên 430 nhân khẩu, chủ yếu người dân tộc Tày.

Từ trước đến nay, người dân Làng Bình chỉ biết đến một căn nhà nhỏ làm bằng gỗ là nhà văn hóa thôn. Do dân nghèo, xã nghèo nên vẫn chưa có kinh phí xây dựng một nhà văn hóa khang trang. Nay được sự giúp đỡ của T.Ư Đoàn, dân Làng Bình rất vui.

Với diện tích 160m2 nhà, lại có thêm sân bêtông rộng gần 200m2 cùng khoảng sân đất rộng phía trước, từ đầu hè hàng trăm thiếu niên, nhi đồng của cả xã đã thường xuyên về dự sinh hoạt, vui chơi.

Bà cụ Hà Thị Điệp (81 tuổi, một trong những người cao tuổi nhất thôn Làng Bình), xúc động: “Từ sáng sớm tôi đã về đây để dự lễ khánh thành. Tôi vui lắm, nhà văn hóa rộng rãi, khang trang quá, con cháu thôn Làng Bình có nơi để tụ họp, vui chơi rồi”.

Quá vui với hai công trình được khánh thành cùng lúc, nên khi gặp bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong, cụ Điệp đã hát tặng mấy câu hát của người Tày.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên