Phóng to |
Những người dân Sông Lô chờ tiếp xúc với đại diện UBND tỉnh |
Nhiều năm trời, những người dân bám trụ nơi đây phải chấp nhận những điều kiện sinh sống hết sức khó khăn, vất vả do không có điện, nước, đường sá, trường trạm, cây trái trồng lên chưa đến thời kỳ thu hoạch. Bỗng nhiên, từ đầu năm 2001, dự án khu du lịch & giải trí Sông Lô của Công ty TNHH Hoàn Cầu như từ trên trời rơi xuống đã làm đảo lộn cuộc sống yên bình và biết bao hi vọng của những người dân lao động cần cù, hiền hòa và chất phác.
Cuộc đối đầu dai dẳng, quyết liệt, căng thẳng giữa một bên là những người dân bị mất nhà, đất, ruộng, vườn, đìa tôm, ao cá... với một bên là Công ty TNHH Hoàn Cầu bắt đầu từ đó.
Người dân Sông Lô bất bình vì tỉnh thu hồi hơn 180ha đất, nơi có trên 200 hộ dân sinh sống, làm ăn, sản xuất (nhưng không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình theo Luật đất đai) để giao cho Hoàn Cầu. Cách thức thu hồi đất nặng về áp đặt, cưỡng chế. Điển hình là đợt cưỡng chế gần Tết Nguyên đán Quí Mùi vừa qua, bất chấp UBT.Ư MTTQVN đã có công văn gửi Ban bí thư T.Ư Đảng, Văn phòng Chính phủ, chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đề nghị hoãn cưỡng chế do gần tết, tỉnh vẫn huy động 131 cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang cùng nhiều xe cơ giới, phương tiện phá dỡ san phẳng cơ ngơi của những người dân lam lũ.
Khi đưa ra khung giá đền bù, phần lớn diện tích ruộng, vườn, ao, đìa, cây ăn trái, hoa màu của dân bị áp theo mức giá rất “bèo”: 2.000đ/m2; 9.000đ/m2; 11.000đ/m2... Những cây xoài chăm bón vun trồng trên 20 năm chỉ được đền bù 500.000đ/gốc, chưa bằng tiền thu hoạch một vụ. Hộ chị Thu có 3.000m2 đìa tôm bị thu hồi chỉ được nhận 24 triệu đồng. Hộ ông Đường bị giải tỏa trắng nhà cửa, ruộng vườn gồm 4.060m2, chỉ được nhận gần 39 triệu đồng và giờ đây không biết ở đâu, sống bằng gì. Đặc biệt, hai ông Tưởng và Trí góp vốn đầu tư ngót 2 tỉ đồng làm đìa tôm chỉ được nhận lại vỏn vẹn 850.000đ!
Nhiều hộ dân Sông Lô bị mất đất bày tỏ: nếu Nhà nước lấy đất làm đường sá, cầu cống, trường học, bệnh viện, họ sẵn sàng hiến không, mặc dù theo chính sách họ vẫn được đền bù. Nhưng thu đất của dân nghèo với giá như vậy để giao cho Hoàn Cầu làm giàu thì không khác nào một sự tước đoạt vô lý.
Thắc mắc, khiếu nại, khiếu kiện lên xã, lên thành phố, lên tỉnh nhiều lần, nhiều năm không được giải quyết thỏa đáng, thế cùng, hàng chục đại diện các hộ dân bị mất đất đã phải nhiều lần khăn gói, đội đơn ra Hà Nội, bám trụ nhiều tháng trời kêu cứu, gõ khắp các cửa.Tổng Thanh tra Nhà nước quyết định thanh tra toàn bộ các hoạt động kinh doanh bất động sản của Công ty TNHH Hoàn Cầu trên khắp tám tỉnh thành trong cả nước, nhưng bản báo cáo xác minh không được dân Sông Lô thông suốt.
Ngoài 170ha đất được cấp theo quyết định 252 do Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký để làm khu du lịch & giải trí Sông Lô, Công ty Hoàn Cầu còn xin tỉnh giao dài hạn thêm cả ngàn hecta (224ha trồng rừng và 896ha chăm sóc, bảo vệ rừng trồng), thuê 148,76ha mặt biển với đơn giá chỉ có 90.000đ/ha/năm. Cũng tại Khánh Hòa, Hoàn Cầu còn được giao nhiều dự án khác với qui mô chiếm đất hết sức lớn. Dư luận địa phương bây giờ không còn ngạc nhiên nữa!
Cuộc tiếp xúc với hai phó chủ tịch tỉnh ngày 30-9-2004 vừa qua nhóm lên trong lòng người dân Sông Lô tia hi vọng vào sự công minh, chính trực của ban lãnh đạo của tỉnh để giải quyết rốt ráo vấn đề, hợp với lòng dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận