29/03/2021 08:52 GMT+7

Khan hiếm thuốc giải độc

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm hoặc bị rắn độc cắn gần đây có một đặc điểm chung là "khan hiếm thuốc giải độc". Thực trạng này, theo các chuyên gia y tế, đang làm mất thời gian vàng điều trị, trực tiếp đe dọa sinh mạng của người bệnh.

Khan hiếm thuốc giải độc - Ảnh 1.

TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy - thăm hỏi bệnh nhân sau khi được truyền huyết thanh kháng độc rắn hổ mang chúa cắn - Ảnh: BVCR

Không chỉ với người bệnh ngộ độc Botulinum, mới đây để cứu sống được chị H.T.T. (34 tuổi, quê ở Đắk Nông) bị rắn hổ mang chúa cắn nguy kịch, các y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã trải qua một hành trình tìm kiếm thuốc giải độc đầy gian nan.

Hồi sinh từ án tử

TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết chị T. bị rắn hổ mang chúa cắn vào lưng ngày 20-3. Lúc Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận, bệnh nhân đã bị liệt hoàn toàn, suy hô hấp và rối loạn nhịp tim rất nặng. 

Dù nhanh chóng được sơ cứu, đặt nội khí quản, sử dụng các loại dịch truyền, thuốc vận mạch và máy tạo nhịp... nhưng với các tổn thương cơ do nọc rắn, bệnh nhân rơi vào suy thận cấp tiến triển, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim. Nguy cơ tử vong lúc này rất cao.

"Đáng nói là bệnh nhân nhập viện ngay trong thời điểm bệnh viện cạn kiệt huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa, càng khó khăn hơn khi nhà sản xuất huyết thanh nước ngoài cũng đã tạm ngưng sản xuất" - bác sĩ Hùng nói. 

Theo ông, đây là loại huyết thanh rất khó sản xuất, phải nhập từ các nhà cung cấp trung gian ở Thái Lan. Việc không có huyết thanh kháng độc, tất cả các phương tiện được huy động điều trị cho bệnh nhân lúc này chỉ là "giải pháp kéo dài sự sống".

Trước sinh mạng của bệnh nhân đang bị đe dọa, các bác sĩ gần như "chạy đua" từng giờ để kết nối với nhiều bệnh viện trong khu vực những mong tìm được huyết thanh. Và cuối cùng may mắn có được nguồn huyết thanh còn dự trữ rất ít ỏi từ Bệnh viện Nhi đồng 1. 

"Nhờ sử dụng huyết thanh đến ngày thứ 3 bệnh nhân đã có thể vận động cơ, tỉnh táo tiếp xúc được" - bác sĩ Hùng chia sẻ.

Mới đây nhất trong số 6 bệnh nhân nghi ngộ độc Clostridium Botulinum sau khi ăn bún riêu chay ở Bình Dương, chỉ có 3 người có dấu hiệu phục hồi nhờ vào việc sử dụng những lọ huyết thanh kháng độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) cuối cùng ở Việt Nam. 

Trong số này có nữ bệnh nhân 53 tuổi hồi sinh ngoạn mục. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng gần như mất hết các phản xạ, hôn mê sâu và có lúc ngưng tim... nhưng chỉ sau 3 giờ sử dụng thuốc giải độc BAT, sức cơ cải thiện rất đáng kể, nghe hiểu khi tiếp xúc. 

"Họ là những người đầu tiên được truyền những liều thuốc giải độc cuối cùng ở Việt Nam được cấp tốc chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào tối 25-3. Nếu không có huyết thanh kháng độc, có thể tình huống xấu nhất đã xảy ra" - bác sĩ Trần Văn Sóng, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (1 trong 2 nơi đang điều trị cho các bệnh nhân), nói.

Với 2 bệnh nhân còn lại (nhập viện sau), bác sĩ Sóng nói do không còn thuốc kháng độc, bệnh viện phải áp dụng các giải pháp điều trị hỗ trợ, đồng thời thay huyết tương với hi vọng lọc bớt độc tố trong cơ thể. Và đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời để duy trì sự sống cho người bệnh trong lúc chờ thuốc đặc trị.

Không phải đến bây giờ, từ các ca ngộ độc Botulinum (vụ ngộ độc patê Minh Chay) vào tháng 9-2020 đã cảnh báo nguồn dự trữ thuốc kháng độc cực hiếm. Để có nguồn thuốc điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai phải "cầu cứu" Thái Lan, nơi có các nhà nhập khẩu trung gian huyết thanh giải độc BAT. 

Rồi Việt Nam may mắn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ khẩn cấp thêm 10 lọ thuốc BAT dùng điều trị cho đến nay. BAT với bệnh nhân ngộ độc Botulinum được ví như "vũ khí" giúp cứu sống người bệnh nhanh chóng, ít để lại di chứng.

Khan hiếm, tại sao?

TS Lê Quốc Hùng cho biết BAT là loại thuốc cực hiếm, chỉ có Canada sản xuất, giá cả lại đắt đỏ (8.000 USD/lọ) và thời hạn sử dụng chỉ kéo dài tầm 2 năm. Trong khi ngộ độc Clostridium Botulinum ở trên thế giới gần như vắng bóng nhiều năm qua (hoặc có nhưng chẩn đoán nhầm bệnh lý khác). 

"Sản xuất không có nhiều người mua, giá trị lợi nhuận mang lại không cao, đó cũng chính là lý do khiến nhà sản xuất chỉ sản xuất cầm chừng", bác sĩ Hùng nói. 

Nhưng theo bác sĩ Hùng, nhiều năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn cố gắng điều phối để có một cơ số thuốc có sẵn, phục vụ lợi ích người bệnh. 

"Chúng tôi xác định mua thuốc, lỡ không có bệnh nhân sử dụng, thuốc quá hạn sử dụng phải bỏ đi cũng phải chấp nhận", ông nói về giải pháp tình thế.

Phân tích thêm về lý do khan hiếm thuốc, TS Vũ Đình Thắng, trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhân dân 115, cho rằng ở Việt Nam ngộ độc Botulinum thực tế có thể gặp nhiều nhưng "phần lớn không chẩn đoán ra, ngay từ đầu đều chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý như nhược cơ, tai biến mạch máu não, thần kinh cơ".

Như vụ ngộ độc patê Minh Chay, chỉ khi xâu chuỗi các đặc điểm cùng ăn một loại thực phẩm, có triệu chứng giống nhau mới lần ra là do ngộ độc Botulinum. 

"Ngộ độc này rất khó chẩn đoán đúng nên vô hình trung trở nên hiếm gặp. Không phát hiện, không chẩn đoán đúng kéo theo việc chúng ta không chủ động để ý dự trữ các loại thuốc giải độc tố này và việc bị động, khan hiếm thuốc khi có ca bệnh là điều dễ hiểu" - bác sĩ Thắng nói.

Đe dọa tính mạng khi không có thuốc giải

Làm gì khi không có các loại huyết thanh kháng độc, TS Lê Quốc Hùng khẳng định hậu quả kéo theo là chi phí và thời gian điều trị của người bệnh đội lên rất nhiều, chưa kể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

"Tôi ví dụ với rắn cạp nong, nếu có huyết thanh kháng độc sử dụng ngay chỉ 48-72 giờ bệnh nhân có thể cai được máy thở, hoạt động trở lại. Còn nếu không có huyết thanh kháng độc, trung bình người bệnh phải mất 7 ngày, cộng với điều trị đúng phác đồ may ra các chất độc mới có thể được đẩy ra khỏi cơ thể.

Trong giai đoạn này chưa kể việc xảy ra các rủi ro viêm phổi, suy thận làm tình trạng người bệnh trở nên nghiêm trọng", bác sĩ Hùng phân tích.

Sẽ xây dựng nguồn thuốc dự trữ quốc gia

Vấn đề mà bác sĩ Thắng đặt ra là hiện nay thuốc phải nhập khẩu, giá của thuốc rất đắt đỏ trong khi người bệnh cần điều trị khá hạn chế. Vậy ai là người sẽ nhập thuốc này? Nếu không dùng, khi hết hạn sử dụng, ai chịu trách nhiệm?

Thuốc được dùng miễn phí hay tính phí? Ông đề xuất cơ quan chịu trách nhiệm quản lý cần có một cơ chế phù hợp, rõ ràng nhằm dự báo, dự trữ các loại thuốc giải độc (đặc biệt Botulinum) chủ động, thường xuyên liên tục.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết trước mắt có một công ty đồng ý tài trợ 6 lọ thuốc BAT cho các bệnh viện giải độc Botulinum. Và sắp tới, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch cụ thể xây dựng nguồn thuốc dự trữ quốc gia sử dụng trong các trường hợp cấp bách.

Ngộ độc ở Bình Dương: ‘25 - 30 người đã ăn bún riêu chay nghi chứa độc tố Botulinum Ngộ độc ở Bình Dương: ‘25 - 30 người đã ăn bún riêu chay nghi chứa độc tố Botulinum'

TTO - Bữa trưa 20-3 có 25 - 30 người ăn bún riêu chay, trong đó có 6 người bị ngộ độc, đều là phật tử đang sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu (khu dân cư Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên