19/01/2008 04:12 GMT+7

Khám phá sông Đà (Kỳ 3): Lên thác, xuống ghềnh

BINH NGUYÊN
BINH NGUYÊN

TT - Đi hết con sông Đà dài 543km từ ngã ba Hồng Đà (Phú Thọ) - nơi cao hơn mặt nước biển vài mét - lên tận điểm cuối cùng Pắc Ma ở biên giới Việt - Trung (Lai Châu) với độ cao hơn 500m, trung bình mỗi một kilômet con sông lại cao thêm 1m, đó là những "bậc thang nước" với hàng chục ghềnh thác sục sôi.

gKtwrFFZ.jpgPhóng to
Ảnh: Xuân Trường
TT - Đi hết con sông Đà dài 543km từ ngã ba Hồng Đà (Phú Thọ) - nơi cao hơn mặt nước biển vài mét - lên tận điểm cuối cùng Pắc Ma ở biên giới Việt - Trung (Lai Châu) với độ cao hơn 500m, trung bình mỗi một kilômet con sông lại cao thêm 1m, đó là những "bậc thang nước" với hàng chục ghềnh thác sục sôi.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Kỳ 1: Dòng sông cổ tích Kỳ 2: Người lái đò sông Đà

Vượt thác hung hãn

Con thuyền ghép đôi bé tẹo sau hai ngày xuất phát từ ngã ba Hồng Đà cặp bến dưới chân cầu Hòa Bình. Từ đây chúng tôi "bước" lên nấc thang đầu tiên của sông Đà hơn 100m chiều cao. Bởi muốn tiếp tục cuộc hành trình buộc phải vượt qua đập thủy điện cao 128m, để từ đó vượt qua hơn 70 ghềnh thác "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió” như thác Hát Loóng, thác Giăng, ghềnh Mó Tôm, thác Lai, thác Hát Vá, ghềnh Lò Xa, thác Cảnh Mới, thác Kẻng Mỏ...

zzG7HfQ5.jpgPhóng to
Vượt thác Hát Vá (Mường Tè, Lai Châu) - nơi đã cuốn chết nhiều người - Ảnh: Xuân Trường

Để đi hết con sông hùng vĩ này, chúng tôi phải đổi đến bốn loại thuyền. Nếu ở đoạn hạ lưu có thể thong dong bằng thuyền lá ghép hai chiếc thì thuyền ở khu vực Hòa Bình phải dùng thuyền to lớn, dềnh dàng để có thể vững vàng vượt qua những con lốc gió trong lòng hồ thủy điện mênh mông.

Ở đoạn Sơn La lên đến Mường Lay lại chuyển sang thuyền mui dài, mũi thấp và bằng sắt để có thể vượt qua những vũng xoáy, ghềnh đá. Rồi từ Mường Lay lên đến biên giới Việt - Trung lại phải đổi sang con thuyền tam bản bằng gỗ, mũi ghếch lên thật cao, đuôi cánh én để vượt qua những con thác hung hãn. Hôm đến bến Pô Lếch (ngoại vi thị trấn Mường Tè, Lai Châu), cứ tưởng chặng hải trình phải kết thúc tại đây vì không thể tìm thuê được phương tiện.

Nhưng cuối cùng anh lái đò người Thái Lò Văn Chính cũng đồng ý đưa chúng tôi lên biên giới với câu ngập ngừng: "Ừ thì cứ đi, lên đến đâu hay đến đó vậy. Không vượt thác được thì cắt rừng đi bộ". Con thuyền ba lá bằng gỗ, gắn máy Yamaha 40 mã lực mà "chất lượng" của nó đã được kiểm chứng ngay trong con thác Tài Thủm mà chúng tôi vượt qua đầu tiên: nước cứ thay nhau xì lên từ đáy thuyền, và thuyền phải "biên chế chính thức" một người tát nước làm việc liên tục.

Khi đến mỏm đá Đầu Trắng, anh Chính cho dừng lại và lâm râm cầu nguyện, rồi giải thích: "Nơi đây chết nhiều người rồi, bà con đi ngang phải cầu xin vượt thác Hát Vá được yên bình". Rồi con thác Hát Vá khủng khiếp cũng ở ngay trước mặt. Nơi đây đã từng dìm đến tám mạng người trong hai năm gần đây, trong đó có một phóng viên truyền hình quân đội thiệt mạng hai năm trước. Anh Chính cho cặp vào bờ và quyết định: tất cả lên bờ cắt rừng đi tiếp lên đỉnh thác, chỉ một mình lái thuyền sẽ vượt thác để tránh nguy hiểm. Chúng tôi nài nỉ cho hai người trong đoàn ở lại thuyền để quay phim và chụp ảnh, anh ngần ngại hồi lâu rồi im lặng gật đầu.

Đó là một chuyến vượt thác khó quên trong đời. Con thuyền rú ga hết tốc lực lao thẳng vào dòng thác sục sôi nước, những con sóng bạc đầu trùm lên, thân thuyền vặn mình kêu cọt kẹt như muốn giật tung ra từng mảnh. Đến giữa thác, anh Chính đột nhiên giảm ga và rẽ ngang, cả nửa con thuyền chìm sâu trong nước, cứ tưởng cả thuyền sẽ chìm sâu dưới lòng thác. Trong cái cảm giác chết điếng con thuyền gầm lên và vượt lên đỉnh thác. Đêm ấy, anh mới thú thật: "Khi đã vào chân thác tôi cũng không dám chắc là vượt qua được, may mà thần Đá Trắng đã phù hộ chúng ta!".

Tưởng niệm người bỏ mạng

nbdkCFSr.jpgPhóng to
Tưởng niệm đồng nghiệp tại vùng nước xoáy Tả Van (Nậm Mạ, Sìn Hồ, Lai Châu) - Ảnh: X.Trường
Đêm ở Nậm Mạ (Sìn Hồ, Lai Châu) là một đêm dài khó ngủ, cho dù cả một ngày căng thẳng khi vượt qua các ghềnh Huổi Pha, thác Huổi Lóng..., bởi đêm đó chúng tôi được nghe những người dân địa phương kể lại câu chuyện đau thương của Hoài Linh - phóng viên Đài PTTH Lai Châu.

Đầu mùa lũ năm 2003, trong một chuyến đi công tác bằng thuyền trên Mường Tè, do quá say mê quay những cảnh vượt thác nên Hoài Linh đã bị ngã xuống dòng nước xiết. Những người chứng kiến giây phút cuối cùng kể: "Dòng nước xoáy khủng khiếp, anh phóng viên mặc áo phao vậy mà vừa ngã xuống đã chìm ngay vào làn nước, không một ai dám lao theo cứu vì đó là hành động tự sát!".

Ngay sau đó, hàng trăm người được huy động rải khắp hai bên bờ từ Mường Tè xuống tận Mường Lay, Sìn Hồ, Nậm Mạ... để tìm thi thể anh phóng viên xấu số.

Ông Phạm Quang Minh, người dân ở Nậm Mạ, kể: "Tôi từng cất lán trại bên khúc sông Đà này để đón những người đi tìm thi thể trôi từ thượng nguồn xuống, bởi phía dưới bến Nậm Mạ có vùng nước xoáy Tả Van (người địa phương gọi là quẩn Tả Van), mà hầu như tất cả thi thể người, xác động vật trôi về đều quấn vào đây. Hai năm trước khi anh phóng viên quân đội hi sinh, có rất nhiều sĩ quan đã về đóng trại trong lán tôi để tìm thi thể, nhưng cuối cùng họ tìm được thi thể anh kẹt trong hốc đá trên Pô Lếch kia. Còn thi thể Hoài Linh trôi xuống tận vùng xoáy Tả Van".

Theo tiếng Thái, Nậm Mạ có nghĩa là "dòng nước chảy như ngựa phi". Sáng nay nước chảy rất xiết, chậm trễ một chút là không kịp đến Mường Lay trước khi trời tối, nhưng chúng tôi quyết định cho thuyền quay trở lại vùng xoáy Tả Van để tưởng nhớ đồng nghiệp Hoài Linh. Cố gắng lắm chúng tôi mới cho con thuyền cặp sát vào vùng xoáy, bởi chỉ một chút sơ suất là có thể đắm thuyền.

Những nén hương được thắp lên, những đóa hoa rừng được thả xuống nước, những chén rượu cay được chuyền quanh từng người và rót vào làn nước sông Đà đang cuồn cuộn chảy. Chúng tôi làm lễ tưởng niệm một đồng nghiệp trẻ vì say mê với nghề đã bỏ mạng nơi này. Một con sóng mạnh bỗng dưng đánh mạnh vào mạn thuyền, có ai đó thì thầm: "Hoài Linh đã nghe lời cầu nguyện của chúng ta rồi". Tất cả đều chết lặng.

______________

Các khu mộ có từ 500-600 năm trước. Nhưng vì sao người ta có thể đưa những chiếc quan tài to lớn lên tận những vách núi cheo leo?

Kỳ tới: Bí mật trên vách núi

BINH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên