26/11/2011 07:11 GMT+7

Khám bệnh, phát thuốc cho 1.000 ngư dân

ĐỨC THANH - VIỆT HÙNG thực hiện
ĐỨC THANH - VIỆT HÙNG thực hiện

TT - Trong hai ngày 26 và 27-11, tại Quảng Ngãi và Quảng Nam diễn ra chương trình “Chung tay vì sức khỏe ngư dân”, trao tủ thuốc y tế, tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc cho hơn 1.000 ngư dân và người dân vùng biển.

zbCHAMwA.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ảnh: Đ.Thanh

Bên cạnh “Góp đá xây Trường Sa”, chương trình “Chung tay vì sức khỏe ngư dân” được báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần dược SPM phối hợp tổ chức với nhiều hoạt động.

Sau đợt 1 trao 600 tủ thuốc và 600 áo phao cho ngư dân ba tỉnh thành là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, đợt 2 này chương trình sẽ trao thêm cho ba địa phương 1.184 tủ thuốc. Đồng thời một hoạt động được tổ chức mới trong đợt 2 là đưa 20 bác sĩ, nha sĩ chuyên khoa đến khám chữa bệnh, phát thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc cho 1.000 ngư dân và người dân vùng biển.

Ông Nguyễn Thế Kỷ - tổng giám đốc Công ty cổ phần dược SPM, đơn vị đồng hành, tài trợ chính cho chương trình - cho biết thêm:

- Nhiều lần tiếp xúc, trao đổi tâm tư cùng anh em ngư dân, tôi biết họ gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt trong những chuyến hải trình đánh bắt xa bờ ở biển Đông. Từ đó, chúng tôi quyết định cùng Tuổi Trẻ hỗ trợ thuốc men, tạo điều kiện cho ngư dân chăm sóc sức khỏe để anh em ngư dân an tâm rằng phía sau họ luôn có những người sát cánh, đồng hành.

Được tham gia chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho ngư dân là một việc làm thiết thực, giúp ngư dân là giúp nước ta khẳng định và bảo vệ chủ quyền ở biển Đông. Theo tôi, còn ngư dân bám biển, nước ta sẽ còn biển.

* Cụ thể, ngư dân được hỗ trợ những gì? Sau này có duy trì việc cấp thuốc không?

- Chúng tôi đã đi thực tế, nắm bắt một số căn bệnh thông thường bà con ngư dân hay mắc phải. Ngoài những loại thuốc thông thường như thuốc tiêu chảy, ho, cảm cúm, còn có các loại thuốc sát trùng, bông băng để băng bó vết thương do công việc của ngư dân rất dễ va chạm dẫn đến vết thương chảy máu. Các bác sĩ đã chọn lọc những loại thuốc dễ sử dụng, hiệu quả điều trị cao, không có tác dụng phụ. Anh em ngư dân chỉ cần đọc toa là có thể sử dụng. Ngoài ra, tủ thuốc cũng được cấp các loại thuốc điều trị bao tử, thuốc bôi vết thương, thuốc bổ, các loại vitamin giúp ngư dân có sức đề kháng trước một số căn bệnh thông thường khi đánh bắt dài ngày.

Một số bệnh thông thường khác anh em ngư dân hay mắc phải như tiêu chảy, chúng tôi đã trang bị một số loại thuốc điều trị phù hợp. Trong trường hợp đi đánh bắt xa, bệnh nhân bệnh nặng, các loại thuốc cấp trong tủ thuốc có thể giúp ngư dân cầm cự, kéo dài thời gian chịu đựng để trở về đất liền hay vào đảo điều trị, tránh rơi vào tình trạng mất nước, mất sức gây nguy hiểm đến tính mạng.

Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ lấy ý kiến, đề xuất từ các bác sĩ để từ đó cấp phát thêm những loại thuốc cần thiết phù hợp với tình hình bệnh thực tế ngư dân hay mắc phải.

Vto9G6LD.jpgPhóng to
Ngư dân Quảng Nam vui mừng nhận tủ thuốc và áo phao do chương trình trao tặng trong đợt 1 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

* Sắp tới chương trình dự định mở rộng ra sao?

- Khi tổ chức cấp phát tủ thuốc cho ngư dân đợt 1, chúng tôi biết bà con ngư dân và dân địa phương ở Lý Sơn còn nhiều nhu cầu khám chữa bệnh. Chúng tôi đang bàn bạc để tham gia xây mới hoặc nâng cấp trạm xá có sẵn giúp người dân Lý Sơn được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Nếu được triển khai, công trình sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 4-2012.

Quy mô của trạm xá tùy thuộc số bệnh nhân thực tế. Chúng tôi sẽ xây dựng và trang bị thiết bị đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bà con. Đồng thời kêu gọi sự tình nguyện từ các bác sĩ ở thành phố, cũng như huy động lực lượng bác sĩ tại địa phương để việc khám chữa bệnh được phát huy hiệu quả.

Theo tâm nguyện của tôi cùng toàn thể hội đồng quản trị công ty, những năm tới chúng tôi vẫn mong muốn được tiếp tục hỗ trợ ngư dân trong phạm vi hoạt động của mình.

BS Đào Thị Lệ Uyển (khoa nội tổng quát Bệnh viện Triều An, đại diện nhóm bác sĩ tham gia chương trình):

Mong chữa trị cho thật nhiều ngư dân

Nhóm chúng tôi đọc thông tin về chương trình “Chung tay vì sức khỏe ngư dân” trên báo Tuổi Trẻ. Chúng tôi đánh giá đây là một chương trình hết sức thiết thực, có ý nghĩa với bà con ngư dân nên đã tập hợp được 13 thành viên tham gia chuyến đi này. Khi lên đường cả nhóm rất háo hức vì được mang kiến thức, chuyên môn phục vụ bà con ngư dân. Qua chuyến đi này, nhóm chúng tôi mong chữa trị được thật nhiều bà con ngư dân và tư vấn về kỹ năng, cách sử dụng các loại thuốc được cấp phát trong chương trình.

Ngư dân Trương Phong (xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi):

Lâu nay mạnh ai nấy lo

Nghề lưới kéo của tàu chúng tôi thường đánh bắt thủy sản ngư trường từ đảo Trường Sa đến Bạch Long Vĩ, mỗi chuyến đi từ 20-30 ngày nên việc lo cho sức khỏe của hơn 15 bạn tàu rất quan trọng. Lâu nay việc trang bị và sử dụng thuốc men trên tàu của anh em là tự phát, không thường xuyên, thuốc không đầy đủ. Có nhiều chuyến biển vừa mới ra khơi nhưng có người bị đau, không có thuốc uống chữa bệnh nên đành quay về bờ, vừa mất thời gian, tiền bạc vừa ảnh hưởng sức khỏe anh em.

Trang bị tủ thuốc trên tàu là rất thiết thực, kịp thời có thuốc uống khi bệnh mới phát làm ngư dân, các tàu yên tâm bám biển, bám ngư trường.

ĐỨC THANH - VIỆT HÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên