16/08/2016 09:54 GMT+7

Khai thác cát quá nhiều, ĐBSCL đang mất nguồn dinh dưỡng

QUỐC THANH thực hiện
QUỐC THANH thực hiện

TTO - Hiện nay, theo nhiều đánh giá khoa học có thể xác định được lượng bùn cát đổ về hạ lưu chỉ còn lại khoảng 40-50% so với trước đây.

Hằng ngày có rất nhiều sà lan chở cát được khai thác ở các tỉnh ĐBSCL về TP.HCM và miền Đông Nam bộ. Trong ảnh:  sà lan chở cát qua kênh Chợ Gạo - đoạn nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây - Ảnh: V.TR.

Liên quan đến việc sông Tiền, sông Hậu và ĐBSCL nói chung đang trở nên sâu bất thường, PGS.TS Đinh Công Sản - phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam - nói:

Ông Đinh Cộng Sản - Ảnh: D.PHAN.

 

- Mỗi đoạn sông cần có chiều sâu ổn định, nếu khai thác quá chiều sâu này thì sẽ gây nên những tác động trực tiếp, uy hiếp cho chính đoạn sông đó và các khu vực khác.

Cần phải nói, nguồn cát đang là vấn đề rất lớn, rất nóng. Trong khi đó, nguồn bùn cát từ thượng lưu đổ về giảm đi do các đập thủy điện, hồ chứa đã và đang xây dựng.

Còn ở nội địa, nhu cầu phát triển hạ tầng, xây dựng quá cao nên khai thác quá mức nguồn tài nguyên ổn định hàng trăm năm nay.

Nếu vẫn khai thác với tốc độ như thế này sẽ không còn cát nữa.

* Như vậy, có thể hiểu rằng tình trạng nguy cấp hiện nay đối với sông Tiền, sông Hậu hay ĐBSCL nói chung là kết hợp các yếu tố: do bùn cát bị ngăn bởi các đập thủy điện, hồ chứa ở thượng nguồn bên ngoài lãnh thổ VN và do khai thác tận thu cát không được kiểm soát hiệu quả trong nhiều năm trong nội địa?

- Đúng vậy, cho đến nay chưa có một lý giải nào thuyết phục hơn. Hiện nay, theo nhiều đánh giá khoa học có thể xác định được lượng bùn cát đổ về hạ lưu chỉ còn lại khoảng 40-50% so với trước đây.

Nếu trong tương lai các đập thủy điện, hồ chứa xây dựng nhiều hơn nữa thì có thể giảm tới 80-90%, còn thê thảm hơn. Khi đó, những tác động đến ĐBSCL sẽ rất mãnh liệt.

Trong khi đó, các phương án giải quyết tác động của đập thủy điện thì người ta cũng chỉ hứa là có biện pháp để đảm bảo bùn cát đưa về phía hạ lưu. Nhưng nếu trông chờ vào những lời hứa này sẽ rất khó khăn. Việc thiết kế, vận hành công trình như thế nào, chúng ta không chủ động được.

Bùn cát chính là nguồn dinh dưỡng để nuôi dưỡng đồng bằng. Trên thế giới người ta nghiên cứu tại sao đồng bằng cứ phát triển nhiều năm thì bị lún xuống.

Thật ra cơ chế như thế này: khi trầm tích (đất) lắng đọng dần dần về phía hạ lưu thì theo thời gian, đất sẽ bị nén xuống, gây ra lún.

Trong điều kiện bình thường thì lượng bùn cát cấp về đồng bằng lớn hơn lượng nén lún đó, nên đồng bằng mỗi năm phát triển (bồi đắp) cao hơn.

Tuy nhiên, khi các công trình xây dựng ở trên đầu nguồn ngăn dòng bùn cát bồi đắp đồng bằng dẫn đến không đủ khối lượng bù vào lượng nén lún, tất nhiên đất ở đồng bằng sẽ ngày càng bị hạ thấp xuống.

* Về mặt khoa học, còn có những tranh luận nào về các nguy cơ này nữa không?

- Hiện nay chỉ có nhu cầu cần làm rõ và khẳng định thêm thôi, gần như các nhận thức, đánh giá khoa học đã thống nhất.

Hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học rồi. Vấn đề là làm sao có được các giải pháp giảm thiểu tác động. Chúng ta không thể chỉ trông đợi vào các hợp tác Mekong tiến triển như thế nào.

Trước mắt cần xem xét lại toàn bộ vấn đề khai thác cát ĐBSCL. Các đề nghị ngưng, hạn chế, thậm chí không cho khai thác cát nữa là đúng thôi.

Tuy nhiên hiện còn làm chắp vá, chưa làm tổng thể. Cần xem xét một cách tổng thể đối với luồng tuyến sông Tiền, sông Hậu. Nếu khai thác tận thu cát như thế này coi chừng lợi bất cập hại và chính do chúng ta làm trầm trọng hơn tình trạng nguy cấp mà ĐBSCL đang đối mặt.

* Có nên ngưng việc khai thác cát như đóng cửa rừng không chỉ ở ĐBSCL mà các lưu vực sông quan trọng khác như Đồng Nai?

- Rõ ràng trên sông Đồng Nai cũng thấy có những dự án nạo vét luồng lạch, tận thu khai thác cát. Cách làm là khoán cho doanh nghiệp khai thông luồng lạch và không mất kinh phí, nghĩa là làm trên danh nghĩa xã hội hóa.

Nhưng chúng tôi không tin những dự án kiểu này được kiểm soát chặt chẽ bởi đối với các ngành chức năng với cơ cấu, nguồn lực như hiện nay thì không có biện pháp đảm bảo kiểm tra, giám sát hoạt động rất phức tạp này.

Đối với hệ thống sông Cửu Long, một số nơi đã ngưng không cấp phép rồi. Nhưng Nhà nước phải có quyết định dừng lại tất cả các hoạt động khai thác cát và đánh giá lại toàn bộ để xác định khu vực nào được khai thác tận thu cát kết hợp đảm bảo giao thông thủy.

Nên nhớ nguồn cát hiện nay là vàng, phải sử dụng có kế hoạch và thông minh. Nếu bây giờ khai thác hết thì trong vòng một vài chục năm nữa sẽ không còn nguồn cát. Đó là điều cần báo động.

* Sắp tới, giới khoa học sẽ dành điều gì cho ĐBSCL?

- Sắp tới chúng tôi có chương trình khá quy mô, được cấp vốn không hoàn lại từ Liên minh châu Âu là 1 triệu euro.

Toàn bộ số tiền này sẽ dùng để đánh giá tổng thể xói lở ở các tỉnh ven biển ĐBSCL, đặc biệt là tập trung vào hai khu vực đang muốn vay vốn để xây dựng công trình: Gò Công (Tiền Giang) và U Minh (Cà Mau).

Chúng tôi sẽ đánh giá tất cả các vấn đề, chẳng hạn tác động từ phía thượng nguồn, khi lượng bùn cát đem về đồng bằng ít đi và ngày càng ít hơn sẽ gây ra tác động đến mức nào; hay các khu vực khai thác - cát sẽ tác động ra sao; những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Trên cơ sở khoa học đó sẽ đề ra giải pháp ổn định lâu dài cho vùng được nghiên cứu.

QUỐC THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên