18/07/2015 10:08 GMT+7

Khai thác cát băm nát sông Đa Nhim

CHÍNH THÀNH
CHÍNH THÀNH

TT - Sông Đa Nhim đoạn chảy qua huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) tan hoang một phần do tình trạng khai thác cát rầm rộ nhiều năm qua.

Khai thác cát rầm rộ ngày đêm tại sông Đa Nhim, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng    Ảnh: C.THÀNH
Khai thác cát rầm rộ ngày đêm tại sông Đa Nhim, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: C.Thành

Trên tuyến sông dài khoảng 6km kéo từ xã Quảng Lập qua thị trấn Thạnh Mỹ và xã Ka Đô có gần 20 máy bơm cát trực tiếp từ ven sông lên những chiếc xe tải chờ sẵn. Đó là chưa kể ít nhất có bốn chiếc thuyền hút cát từ giữa lòng sông lên bãi tập kết.

Tại hiện trường khai thác cát trên sông Đa Nhim đoạn qua xã Quảng Lập và thị trấn Thạnh Mỹ, hàng chục máy nổ công suất lớn cật lực bơm cát lên ôtô bất kể đêm ngày. Nguyên một dải đất ven hai bên bờ sông bị sạt lở tan hoang. Những con đường ven sông Đa Nhim cũng xuất hiện một số hàm ếch ăn luồn dưới lòng đường 1 - 2m.

Ông Lưu Đình Châu - phó Phòng tài nguyên và môi trường (TN&MT) huyện Đơn Dương - cho biết hiện trên dòng sông Đa Nhim do huyện quản lý có sáu cá nhân (hai cá nhân đang tạm ngừng khai thác) và một công ty được cấp phép khai thác cát.

Ông Châu thừa nhận việc khai thác cát trên sông Đa Nhim có ảnh hưởng tới dòng chảy của sông, tiếp tục khai thác với tốc độ như hiện nay thì việc sạt lở hai bên bờ sông là điều khó tránh khỏi. Theo ông Châu, nghịch lý ở đây là việc các giấy phép được Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cấp đều có công suất khai thác hằng năm rất khiêm tốn, nhưng nếu chỉ quan sát sơ qua cũng có thể thấy công suất khai thác thực tế gấp nhiều lần so với giấy phép được cấp.

“Tôi lấy ví dụ Công ty TNHH Vạn Đức giấy phép công suất khai thác chỉ 8.000 m3/năm. Thế nhưng chỉ cần đứng tại hai địa điểm vận chuyển cát của công ty, mỗi ngày có khoảng 20 xe ben chở 10 - 25 m3/xe. Mỗi tháng tính khiêm tốn cũng tầm 10.000m3” - ông Châu phân tích.

Theo Phòng TN&MT huyện Đơn Dương, dù biết có chuyện khai thác vượt mức nhưng vẫn chưa có các biện pháp kiểm soát hiệu quả. Chiêu trò các công ty này thường dùng là khi có đoàn kiểm tra thì khai thác nhỏ giọt, nếu bị kiểm tra đột xuất họ lại lý giải phải khai thác bù những lúc không hoạt động.

“Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra thường xuyên hơn, đồng thời kiến nghị Sở TN&MT cấp giấy phép khai thác ngắn hạn để dễ dàng trong công tác xử lý” - ông Châu nói.

Điều gây bức xúc lớn cho người dân tại đây là hầu hết con đường bị xuống cấp do xe chở cát gây ra. Ông Nguyễn Thành Trung, người dân sống gần khu vực khai thác cát tại xã Quảng Lập, bức xúc kể: “Đường cấp phối của xã mà mỗi ngày có gần 80 lượt xe chở cát qua lại thì chịu sao nổi!?”.

Theo phản ảnh của người dân, trọng tải cho phép các xe lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Du, thị trấn Thạnh Mỹ và một số đường bêtông từ bờ sông ra xã Quảng Lập tối đa 10 tấn, nhưng xe tải chở cát luôn có tải trọng từ 15 tới gần 40 tấn vẫn thường xuyên chạy qua các tuyến đường này.

Kiểm tra nhưng chưa phát hiện sai phạm

Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa VIII năm 2015, cử tri huyện Đơn Dương đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra tình hình khai thác cát tại sông Đa Nhim, đồng thời kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức làm sạt lở bờ sông.

HĐND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã yêu cầu các cấp, ngành kiểm tra tình hình khai thác cát trên sông Đa Nhim nhưng vẫn chưa phát hiện các sai phạm từ sáu cá nhân, công ty được cấp phép khai thác cát xây dựng.

CHÍNH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên