17/04/2018 16:29 GMT+7

Khai quật điện Kính Thiên để đưa các giá trị dưới mặt đất lên

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Sáng 17-4, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên 2017.

Khai quật điện Kính Thiên để đưa các giá trị dưới mặt đất lên - Ảnh 1.

Mặt bằng móng cột kiến trúc thời Lý - Ảnh: Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long

Năm 2017, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã phối hợp tiến hành khai quật khu vực phía Đông Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích 960m2.

Nghiên cứu này góp phần làm rõ thêm vị trí, quy mô cấu trúc và giá trị của Khu di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại khu vực chính điện Kính Thiên.

Theo báo cáo, hố khai quật gồm 16 lớp đào, diễn biến khá phức tạp và về cơ bản bị phá hủy do có sự xâm thực của giai đoạn sau xuống các tầng văn hóa giai đoạn trước.

Các lớp địa tầng có sự thống nhất tương đối về từng thời kỳ từ giai đoạn hiện đại tới Pháp - Nguyễn - Lê - Trần - Lý - Đại La.

Dấu tích văn hóa thời Nguyễn có hai vị trí móng tường hành cung phía Nam và móng tường hành cung phía Đông hố khai quật.

Dấu tích kiến trúc thời Lê trung hưng xuất lộ bao gồm hệ thống móng cột gia cố, nền kiến trúc, móng tường và tường bao gạch vồ xám, dấu tích ao, hồ, dấu tích thành giếng nước bằng đá…

Dấu tích kiến trúc thời Lê sơ bao gồm các hàng gạch chữ nhật xám xếp ở phía Bắc và phía Nam hố khai quật.

Các nhà khảo cổ học bước đầu xác định được 3 kiến trúc thời Trần với các di tích móng cột gia cố bắng sỏi, sành, gạch, ngói, bó nền kiến trúc, nền kiến trúc, bó nền hoa chanh…

Các móng cột được xây dựng trên nền đất sét đắp nền thời Lý - Trần. Kỹ thuật xây dựng móng cột là hố móng hình vuông rộng ở phía trên thu hẹp dần xuống phía dưới, sau đó đầm lèn các lớp vật liệu xen kẽ nhau.

Khai quật còn cho thấy mặt bằng kiến trúc thời Lý bị di tích ao, hồ thời Lê - Nguyễn phá hủy hầu như toàn bộ, chỉ còn lại một phần rất nhỏ đáy móng kiến trúc.

Khai quật điện Kính Thiên để đưa các giá trị dưới mặt đất lên - Ảnh 2.

Chi tiết móng cột kiến trúc Trần - Ảnh: Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long

Các nhà khảo cổ học còn tìm được nhiều di vật từ vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, công cụ sản xuất có niên đại từ Đại La tới Lê - Nguyễn. Các di vật được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau như đồ đá, đồ đất nung, đồ gốm, đồ kim loại…

"Cuộc khai quật năm 2017 đã đóng góp thêm nhiều tư liệu mới góp phần tìm hiểu kiến trúc Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Đông Bắc chính điện Kính Thiên và góp thêm tư liệu mới để phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục Chính điện Kính Thiên", báo cáo nhận định.

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học đề xuất cần mở rộng khai quật khảo cổ học để sớm hoàn trả lại không gian điện Kính Thiên.

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện Nghiên cứu Kinh thành đề xuất phải mở rộng hố khai quật để làm rõ thời Lý - Trần bởi nhiều kiến trúc nhà Trần không chỉ kế thừa nhà Lý mà có sự thay đổi.

Ông Trí rất ấn tượng vì đã tìm thấy khối lượng lớn các loại ngói lợp trên cung điện thời Lê sơ, thế kỷ 15. Ông kỳ vọng đây là bộ mái điện Kính Thiên để sau này có thể phục dựng.

"Tại sao thời Lê trung hưng lại làm hồ nước bên cạnh điện Kính Thiên như vậy? Không gian quy hoạch kiến trúc thời Lê trung hưng như thế nào?

Tôi không dùng khái niệm trả lại không gian cho điện Kính Thiên mà chúng ta phải đưa các giá trị dưới mặt đất lên cho mọi người hiểu", ông Trí nêu quan điểm.

GS Phan Huy Lê, chủ tịch danh dự Hội khoa học lịch sử Việt Nam đề nghị trong 3 năm tới cần phải có đủ tư liệu đủ sức nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên.

Chủ tịch nước dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long Chủ tịch nước dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long

TTO - Sáng 5-2 (mùng 9 tháng giêng), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dâng hương khai xuân Đinh Dậu 2017 tại Hoàng thành Thăng Long.

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên