Khai quật tàu chứa cổ vật bị đắmCổ vật từ tàu đắm: ai được hưởng?
Phóng to |
Khu vực đê vây tàu bị đắm cách đất liền chừng 300m - Ảnh: T.Giang |
Vị trí tàu chứa cổ vật bị đắm chỉ cách mép biển chưa đến 300m nhưng nằm ngay vùng bãi ngang, thường xuyên có gió chướng nên việc thi công cọc cừ bao quanh con tàu phải mất hơn năm tháng. Từ đất liền nhìn ra, những cọc sắt lớn được giằng vào nhau bằng những khóa gờ tạo nên bức tường vững chắc.
Trên bề mặt biển rộng hơn 200m2 được quây hình bầu dục theo thiết kế của tàu bị đắm là những thanh sắt lớn được giằng ngang dọc làm sàn công tác và ăn nghỉ của nhóm 20 thợ lặn. Nhờ biển yên, nước trong vắt nên đứng từ sàn công tác này có thể nhìn rõ mồn một từng cổ vật nằm lẫn dưới lớp cát.
Lộ diện xác tàu đắm
Nhanh và an toàn hơn nhờ phương pháp mới Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến - phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - cho biết: đối với năm con tàu đắm ở Việt Nam trước đây thì dùng phương pháp khai quật dưới nước, mất 1-2 năm mới hoàn thành. Tuy nhiên, với phương pháp mới được áp dụng trong lần khai quật này thì thời gian khai quật sẽ nhanh và an toàn hơn. |
Để khai quật, đơn vị thi công phải dùng đến hai máy nổ công suất lớn: một làm nhiệm vụ hút cát, chiếc còn lại hút nước ra ngoài. Mực nước cứ thế thấp dần. Sau gần hai giờ chạy máy, toàn bộ nước bên trong khu vực khai quật đã được hút sạch làm lộ nguyên hình tàu bị đắm.
Chỉ chờ vậy, các nhân viên của Công ty Đoàn Ánh Dương (đơn vị chịu trách nhiệm khai quật) mỗi người một chiếc giỏ cúi xuống... nhặt từng mẫu cổ vật dễ dàng.
Cát được rửa trôi, một thanh gỗ lớn dần lộ diện mà theo ông Đoàn Sum - cố vấn của Công ty Đoàn Ánh Dương, là phần đuôi tàu, nơi cổ vật được chứa nhiều nhất.
Quả như lời ông Sum nói, khi những vòi nước xả mặn được đưa đến đâu thì những chén, đĩa, chum, vò... cổ xuất hiện tới đó. Chỉ có điều hiện vật gần như không nguyên vẹn.
Ông Cao Khoa, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, xuống tận vị trí đuôi tàu để chứng kiến việc khai quật. Cầm lên một chiếc bình lớn còn nguyên vẹn, ông Khoa nói: “Vì cái này mà anh em bảo vệ vất vả mưa gió gần năm trời nay!”.
Những họa tiết hoa văn trên thành bình và bên trong những chiếc đĩa, chén cổ được in khắc tinh xảo; họa tiết hoa cúc, hoa phong lan, hoa sen đến hai người đấu vật... được in nổi rất tinh xảo. Khi những giỏ cổ vật được chất đầy, lập tức một sợi tời được thả xuống kéo đưa lên sàn công tác trước khi cho vào thùng xốp. Một cán bộ Bảo tàng Quảng Ngãi ghi chép tỉ mẩn từng chiếc còn nguyên vẹn rồi mới cho chuyển vào bờ.
Theo đại tá Nguyễn Thanh Trang - phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, toàn bộ cổ vật được bảo vệ nghiêm ngặt. Còn ông Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, cho biết trong 30 ngày, toàn bộ cổ vật sẽ được trục vớt đem về Bảo tàng Quảng Ngãi. Sau đó mới tiến hành công tác kiểm kê, phân loại trước khi phân chia.
Riêng xác tàu đắm hiện có hai phương án: hoặc sẽ trục vớt các bộ phận sau đó ghép lại rồi đưa vào trưng bày tại bảo tàng. Còn nếu quá tốn kém thì có thể để nguyên tại chỗ rồi tìm cách bảo vệ, bảo quản... biến nó thành điểm tham quan. Số liệu đo đạc cho thấy con tàu đắm có chiều dài chừng 24m, chiều ngang chừng 5m.
Phóng to |
Những cổ vật đầu tiên được khai quật |
Cổ vật có từ thế kỷ 13-14
Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, nhiều khả năng tàu cổ bị đắm có thể là tàu buôn đến từ phương Bắc gặp gió bão nên ghé vào “eo biển Vũng Tàu” (nơi tàu cổ bị đắm - PV) hoặc đang di chuyển thì gặp nạn nên bị sóng đánh dạt vào.
Điều đáng nói là cũng tại địa điểm này, trước đó người dân địa phương đã tìm thấy ba xác tàu cổ bị vùi dưới cát đều chứa nhiều cổ vật khác nhau, chủ yếu đồ gốm sứ từ đời tiền Minh đến đời nhà Thanh (Trung Quốc) cùng nhiều cổ vật thuộc các niên đại về sau.
“Trong quá khứ, vùng biển Bình Châu tuy không phải là thương cảng sầm uất nhưng do đặc điểm địa lý, nơi đây thường xảy ra những trận bão lớn và bất thường, eo biển lại nằm trên con đường gốm sứ và tơ lụa nên có thể có nhiều tàu buôn vào đây neo đậu, tránh bão rồi gặp nạn” - ông Khôi nói.
TS Phạm Quốc Quân, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhận định: “Từ các hiện vật khai quật được như gốm xanh ngọc, gốm xanh ô liu, gốm lồng bàn... hoặc các chiếc bát được trang trí hoa văn với phượng, cúc hay những cành sen..., có thể nhận định những cổ vật có niên đại khoảng nửa cuối thế kỷ 13 đến nửa đầu thế kỷ 14. Như vậy, vùng biển Sa Kỳ ngày xưa nhiều khả năng là một trong những mắt xích quan trọng trong hệ thống thương cảng miền Trung, nơi dừng chân trao đổi hàng hóa của những đoàn thương thuyền trong và ngoài nước”.
Phóng to |
Hiện trường vụ khai quật, trục vớt tàu và cổ vật bị đắm - Ảnh: T.Giang |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận