13/09/2014 13:43 GMT+7

​Khai dân trí, chấn dân khí...

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Không súng gươm, không chiến trường, trận mạc nhưng hoạt động duy tân đã làm người Pháp và quan lại Nam triều lo đối phó tựa như với một lực lượng chống đối vũ trang.

Khu mộ chí sĩ Nguyễn Thành (một trong những người khai sinh Duy Tân hội) được chính quyền địa phương tôn tạo - Ảnh: H.V.M.
Khu mộ chí sĩ Nguyễn Thành (một trong những người khai sinh Duy Tân hội) được chính quyền địa phương tôn tạo - Ảnh: H.V.M.
Đình Chiên Đàn (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) - nơi từng diễn ra nhiều cuộc diễn thuyết duy tân - Ảnh: H.V.M.
Đình Chiên Đàn (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) - nơi từng diễn ra nhiều cuộc diễn thuyết duy tân - Ảnh: H.V.M.

Thật lý thú khi các quê làng xứ Quảng cũng như ở một số tỉnh miền Trung, khởi từ năm 1904-1905 đâu đâu cũng rậm rực với không khí duy tân, bắt đầu với những việc làm cải cựu canh tân, lập hội buôn, mở trường tân học, được làm quen với những tư tưởng mới như dân quyền, dân chủ.

Một cuộc diện mới diễn ra lúc bấy giờ...

Những cuộc diễn thuyết

Thật hấp dẫn, từ diễn thuyết có lẽ mới xuất hiện và được đắc dụng hồi đầu thế kỷ 20 bởi phong trào Duy Tân. Ngoài việc “dạy” duy tân cho học sinh ở các trường tân học do những nhà duy tân ở địa phương vận động thành lập vốn tăng lên rất nhanh, các cuộc diễn thuyết diễn ra ở nhiều nơi chính là “trường” truyền bá duy tân cho người dân để họ thực hiện và có những đóng góp tinh thần, vật lực cho phong trào.

Các hội thương (phần lớn do Duy Tân hội thành lập) với chủ trương dĩ thương vi quần (lấy việc mua bán để tụ tập) tuy không là những điểm diễn thuyết lớn nhưng cũng là những nơi tụ tập tuyên truyền duy tân ở các làng xã rất hiệu quả.

Chuông tự lập vang đình diễn thuyết, các đình làng, các thư xã (phòng/nhà đọc sách, cũng do những người làm duy tân lập ra), chợ ở các địa phương chính là những điểm được chọn làm nơi diễn thuyết với rất đông người tham dự.

Bằng cách giảng giải dễ hiểu, các nhà diễn thuyết duy tân đã đưa những tư tưởng mới mẻ như dân quyền, dân chủ, những lý thuyết về công bằng, về phát triển kinh tế để dân giàu nước mạnh của các nhà tư tưởng Pháp như J. J. Rousseau, Montesquieu đến với người nghe. Rồi đến gương duy tân thành công của Nhật Bản, những nỗ lực duy tân và tình trạng của Trung Quốc cũng được nói đến để quần chúng hiểu được nhu cầu cấp thiết của duy tân.

Nói chung, các nhà diễn thuyết đã cố mang lại cho người nghe những gì họ đã thấm nhuần được từ những tân thư mà đã đọc được qua các nhà cách mạng Trung Hoa như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi... Tân thư chính là gốc nguồn cho sự khởi phát của phong trào Duy Tân.

Những cuộc diễn thuyết cũng truyền đến quần chúng tự tình đất nước, về nỗi khổ nhục, uất ức trong vòng nô lệ.

Cũng là mục tiêu quan trọng của diễn thuyết là vận động người dân cải cựu canh tân, từ bỏ những tệ tục, những lối sống cũ lạc hậu để theo lối sống văn minh, tiến bộ.

Nổi bật ở đây là vận động nam giới cúp (cắt) tóc thay vì để dài và búi lọn, vận âu phục, phụ nữ để răng trắng tự nhiên thay vì rõi đen theo tục cũ.

Song song với những cuộc diễn thuyết, một số nhà duy tân đã sáng tác thơ ca theo từng chủ đề để dễ phổ biến, tuyên truyền.

Thật quý báu, những bài thơ duy tân đầy tâm huyết, cảm xúc như thế của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Cơ... còn truyền được đến nay.

Cả đến những thơ ca dân dã, hò vè cũng góp mặt trong việc làm rộn lên không khí đổi mới ở làng quê. Cúp (tóc) hề! Cúp hề!/Tay mặt cầm kéo/Tay trái cầm lược/Cúp hề! Cúp hề!/Đủng đỉnh cho khéo/Bỏ cái ngu này/Bỏ cái dại này... là bài Vè cúp tóc ấn tượng mà nhiều người lớn tuổi xứ Quảng nay còn thuộc.

Và đây đó là những câu thơ còn được lưu trong ký ức một số người đến nay: Nọ cúp đầu chẳng phải hựu vưu (bắt chước)/Thấy thì hay mấy chú thiếu niên/Cảnh khai hóa cũng nhờ ta thêu dệt... hay Hay chi mà để đen xùm/Đổi răng trắng lại đổi đùm tóc đi. Duy tân đã được nhìn thấy trực quan từ ngoại diện của người dân như thế đó.

Nỗi lo sợ của người Pháp

Sẽ là khó có những chứng liệu đánh giá khách quan những hoạt động/thành công bước đầu của công cuộc duy tân nếu thiếu sự ghi nhận từ phía đối kháng - chính quyền thực dân Pháp.

Dõi theo hoạt động duy tân diễn ra sôi nổi ở Quảng Nam - vùng đất mới chỉ được yên sau cuộc kháng chiến Cần vương của nghĩa hội, người Pháp với sự cộng lực của quan lại Nam triều dường như bám sát các “hội kín” (như Duy Tân hội), hội mở (như hội buôn, được cho phép lập) - những tên được người Pháp gọi để chỉ các hoạt động của phong trào Duy Tân.

Những báo cáo của viên công sứ Quảng Nam Charles, của tòa Đại lý Pháp tại phủ Tam Kỳ khởi từ giữa năm 1906 về sau đã cho thấy điều này.

Việc người dân canh cải, đổi mới lối sống, đoàn kết với nhau, việc các nhà khoa bảng, các nho sĩ tập họp người dân trong các hội thương, hội nông, tổ chức diễn thuyết đã làm quan lại Pháp - Việt tại địa phương lo lắng, cuống cuồng lên. “Hội buôn Quảng Nam mà các thành viên thường tự xưng là “những người cắt tóc” theo cách họ nhận biết nhau. Hội này tập hợp tất cả những phần tử đối lập với ảnh hưởng của Pháp, những viên quan trong đảng “Cần vương” An Nam cũ, các nhà yêu nước xu hướng quốc gia kiểu Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu.

Lúc này hội ấy hoạt động ráo riết. Các thanh viên đi khắp các làng đề nghị dân chúng cắt tóc, mặc âu phục (!) và khuyên họ tự giải quyết mọi mâu thuẫn, không cần đưa đến quan hoặc các tòa công sứ...” - báo cáo của công sứ Charles (số 167, 7-11-1907) đã phần nào nói lên sự soi rọi khủng khiếp từ những đôi mắt an ninh cú vọ của người Pháp với phong trào Duy Tân.

Và rõ ràng là càng lúc cái nhìn của mật vụ Pháp càng xoáy sâu vào cái họ cho là sự nguy hại của công cuộc duy tân đối với sự tồn tại của nền cai trị thực dân. Họ bất chấp điều người dân đang thực hiện chính là những điều tốt đẹp của nhân loại, trong đó phần lớn là tinh hoa tư tưởng của chính người Pháp.

“Con số người gia nhập hội ở Quảng Nam ngày càng tăng. Trong phủ Tam Kỳ và Thăng Bình, nơi ở của các thành viên có ảnh hưởng lớn nhất của hội (chỉ Phan Châu Trinh, Lê Cơ, Nguyễn Thành - PV), có những nơi toàn xã cùng gia nhập. Hằng tháng hội họp vào những ngày nhất định mồng 1 và 15 rất đều đặn. Họp ở các chợ chính, có cuộc số người dự lên cả ngàn người. Các bài diễn thuyết thật ra không hề có nội dung phá hoại.

Nếu họ có đả kích đôi chút chính quyền lực của quan lại thì chủ yếu họ vẫn nhấn mạnh yêu cầu học hỏi để tiến tới tự mình cai quản lấy mình, họ ca ngợi nông nghiệp và thương mại như là những phương thức để làm giàu và nhờ đó mà trở nên mạnh. Nhưng chính trong những cuộc hội họp đó mà những người lãnh đạo tiếp xúc với dân chúng, làm cho dân quen nghe theo lời khuyên của họ và sau này sẽ tuân theo mệnh lệnh của họ... (báo cáo 184, 5-12-1907).

Và phần cuối của báo cáo 167 (17-11-1907) của công sứ Charles đã cho thấy rõ hơn cuộc diện của phong trào Duy Tân nhìn từ hai phía: “Các buổi họp công khai để các diễn giả dạy cho bọn nhà quê thật thà những cách thức mới để đưa đất nước An Nam đến tiến bộ bằng những con đường nhất định. Theo tôi, đã thật sự đến lúc phải chấm dứt cuộc tuyên truyền phá rối trị an, và phá hoại tất cả quyền lực chúng ta”.

Và dông bão dường như đã có những dấu hiệu cho cả hai.

______________

Kỳ tới: Vượt qua tù ngục

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên