22/02/2022 09:19 GMT+7

Khách quốc tế được tham quan như khách nội

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Khách quốc tế sẽ chỉ cần test nhanh COVID-19, nếu âm tính sẽ được đi tham quan ngay. Định hướng trên được tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ với báo chí ngày 21-2 tại Hà Nội.

Khách quốc tế được tham quan như khách nội - Ảnh 1.

Du khách Hàn Quốc tham quan khu du lịch Phú Quốc - Ảnh: HỮU HẠNH

Để chuẩn bị mở cửa hoàn toàn từ 15-3, theo ông Khánh, Tổng cục Du lịch đang gấp rút hoàn thiện phương án đón khách sau 15-3 với nhiều điểm nới lỏng cho du khách và doanh nghiệp như du khách có thể đến Việt Nam du lịch tự do, không cần phải qua một doanh nghiệp lữ hành nào.

Mọi doanh nghiệp lữ hành đều có thể đón khách

Tất cả doanh nghiệp lữ hành đáp ứng đủ quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh lữ hành quốc tế, theo ông Khánh, đều có thể tham gia đón khách. Khách chỉ cần bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 tối thiểu 10.000 USD.

Với khách du lịch đi theo đường hàng không, sau khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu với khách du lịch thì sau khi nhập cảnh, chỉ cần tự test nhanh ở cơ sở lưu trú trong vòng 24 giờ sau nhập cảnh. Khách đi đường bộ, đường thủy thì test nhanh tại cửa khẩu quốc tế. Nếu âm tính, khách quốc tế sẽ được tham gia ngay các hoạt động du lịch như khách nội địa.

Cùng với việc hoàn thiện phương án đón khách cũng như các đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, Bộ VH-TT&DL cũng đang có các hoạt động thúc đẩy các bộ ngành liên quan để tăng thêm số lượng các quốc gia công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Việt Nam để phát triển du lịch outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài).

Ông Khánh cho biết hiện Việt Nam công nhận giấy chứng nhận này ở 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong khi mới chỉ có 14 quốc gia trên thế giới công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng cho Việt Nam. Nếu hoạt động outbound hạn chế thì sẽ mất cân bằng giữa khách đi và đến, sẽ không thể giảm chi phí các chuyến bay, giảm giá thành chi phí của công ty du lịch.

Tổng cục Du lịch cũng sẽ cùng các địa phương kiểm tra, rà soát về chất lượng sản phẩm du lịch, thực trạng cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng điểm đến. Hiện Việt Nam có 38.000 cơ sở lưu trú trong cả nước với 700.000 phòng, trong đó có nhiều khách sạn cao cấp, đáp ứng được nhu cầu đón khách quốc tế.

Đề xuất tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Khánh cho biết Bộ VH-TT&DL đã và sẽ đề xuất tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã được thực hiện, kéo dài tới hết năm 2023. Đó là các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, an sinh xã hội và các chính sách khác như giảm tiền điện với các cơ sở lưu trú như giá điện sản xuất, giảm thuế đất, VAT, lãi vay, khoanh hạn những khoản nợ chưa chi trả, hỗ trợ hướng dẫn viên…

Hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chỉ có giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành là được kéo dài đến hết năm 2023.

Ông Nguyễn Quý Phương - vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) - cho biết cuối tháng 12-2021, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản gửi tới Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất việc kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đến năm 2023. Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục kiên trì với đề xuất này.

Ngoài các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết Tổng cục Du lịch cũng sẽ làm việc với các địa phương, khuyến khích các địa phương có chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch về nhiều mặt, từ tài chính, tín dụng tới hỗ trợ người lao động, phát triển sản phẩm mới.

Quan trọng cần làm là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở cửa lại. "Du lịch phát triển thì tự động thu hút lại nhân lực du lịch. Khi mở cửa hoàn toàn chứ không bật - tắt như vừa qua, tôi tin họ sẽ trở lại nghề", ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định.

14

Đó là số quốc gia trên thế giới công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam. Trong khi Việt Nam công nhận giấy chứng nhận này ở 79 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ông Nguyễn Trùng Khánh (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch):

Mục tiêu chính sách thị thực như trước dịch

Về chính sách thị thực, vừa qua Bộ VH-TT&DL đã có những đề xuất trong các cuộc họp cũng như trong các văn bản gửi tới Chính phủ để đề nghị khôi phục chính sách thị thực như trước năm 2020 kể từ 15-3. Ngày 17-2, Bộ VH-TT&DL có một báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ với nội dung riêng về đề xuất này.

Chương trình truyền thông cũng đã sẵn sàng để đẩy mạnh quảng bá về du lịch Việt Nam, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Âu… trên các kênh truyền hình CNN, CNBC, truyền thông trên các nền tảng số, cũng như phối hợp với các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Tổng cục Du lịch sẽ đề nghị các địa phương cùng tham gia các chiến dịch quảng bá này.

Mở cửa quốc tế - những điều cần làm Mở cửa quốc tế - những điều cần làm

TTO - Sau 2 năm đóng cửa chống dịch COVID-19 với những kết quả đáng ghi nhận về phủ vắc xin, nâng cao hiệu quả các chính sách, hoạt động phòng chống và điều trị bệnh, nước ta đã tiến rất gần đến điểm mở cửa quốc tế.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên