Dự án Alma Nha Trang tại khu Bãi Dài, bắc bán đảo Cam Ranh thuộc huyện Cam Lâm, Khánh Hòa - Ảnh: PSN
Vụ án dân sự sơ thẩm vừa tuyên là vụ đầu tiên trong số 39 vụ khách hàng kiện chủ dự án "Alma Nha Trang" về hợp đồng bán kỳ nghỉ tại dự án này.
Theo TAND TP Nha Trang, ngay hôm nay và liên tiếp những ngày sắp tới, tòa sẽ tiếp tục xét xử sơ thẩm các vụ kiện còn lại trong hàng loạt vụ khách hàng kiện Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (gọi tắt là Công ty Vịnh Thiên Đường), cũng tranh chấp về hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ tại dự án "Alma Nha Trang".
Trong vụ án vừa được xét xử, nguyên đơn là hai ông bà khách hàng đã khởi kiện, yêu cầu TAND TP Nha Trang xét xử, tuyên hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" tại dự án "Alma Nha Trang" là vô hiệu và buộc doanh nghiệp bán kỳ nghỉ là Công ty Vịnh Thiên Đường phải trả lại cho nguyên đơn toàn bộ số tiền đã thu.
Theo nguyên đơn, sau khi đã nộp các khoản tiền tổng cộng hơn 348 triệu đồng cho Công ty Vịnh Thiên Đường và ký kết "hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ "tại dự án "Alma Nha Trang", nguyên đơn mới biết dự án chưa được xây dựng và nằm tận trong khu Bãi Dài, bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa.
Dự án hoàn toàn không phải "đang được xây dựng tại TP Nha Trang" hay "nằm bên bờ vịnh Nha Trang" và không thể "nằm trong phòng nghỉ ở Alma thấy vịnh NhaTrang" như công ty đã giới thiệu, quảng cáo.
Ngoài ra, theo nguyên đơn, nhà đầu tư dự án "Alma Nha Trang" không phải là một tỉ phú người Israel như Công ty Vịnh Thiên Đường đã giới thiệu để bán kỳ nghỉ cho khách hàng.
Theo nguyên đơn, với những thông tin không đúng sự thật, Công ty Vịnh Thiên Đường đã lừa dối khách hàng để ký kết hợp đồng bán kỳ nghỉ tại dự án "Alma Nha Trang" ở tận bán đảo Cam Ranh. Đồng thời, phía công ty cũng đã vi phạm các điều cấm theo quy định luật pháp trong việc thu tiền, sử dụng tiền đặt cọc và "tham gia trong chuỗi" tổ chức đưa khách hàng người Việt Nam đi nước ngoài.
Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ được cho là có nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng - Ảnh: T.L.
Tại tòa, đại diện bị đơn là Công ty Vịnh Thiên Đường đã trình bày việc gọi dự án tại bán đảo Cam Ranh là "Alma Nha Trang" chỉ là một cách đặt tên thương mại. Còn tỉ phú người Israel mà công ty đã từng giới thiệu với khách hàng là nhà đầu tư dự án "Alma Nha Trang" thì thực tế là "có đầu tư gián tiếp", thông qua các công ty và quỹ đầu tư của tỉ phú đã nêu.
Đại diện bị đơn cũng cho rằng Công ty Vịnh Thiên Đường không lừa dối khách hàng, vì trong hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" có nêu rõ địa chỉ dự án "Alma Nha Trang" tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Còn trong quá trình giao dịch đều có giải thích cho khách hàng và có mời khách hàng đến tham quan khu vực dự án.
Việc Công ty Vịnh Thiên Đường có sắp xếp cho khách hàng mua kỳ nghỉ tại dự án "Alma Nha Trang" đi nghỉ dưỡng ở nước ngoài, theo đại diện của bị đơn, đó chỉ là "hỗ trợ" cho khách hàng chứ công ty không tổ chức.
Sau khi bị khởi kiện, bị đơn có đề nghị "hỗ trợ" cho khách hàng bằng 50% số tiền mà họ đã nộp cho công ty theo hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" nhưng nguyên đơn không chấp nhận đề nghị hòa giải đó.
Theo Hội đồng xét xử, các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án được nêu không đúng các quy định pháp luật. Vì vậy tòa sơ thẩm đã không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Theo đại diện của bị đơn, dự kiến đến cuối năm 2019 dự án "Alma Nha Trang" mới hoàn thành. Thế nhưng thông tin với Tuổi Trẻ Online, người này cho hay đến nay công ty đã bán kỳ nghỉ tại "Alma Nha Trang" cho khoảng 11.000-12.000 khách hàng. Còn trong 39 vụ kiện về hợp đồng bán kỳ nghỉ tại dự án "Alma Nha Trang", có 12 vụ công ty đã thỏa thuận giải quyết được với khách hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận