16/05/2015 08:09 GMT+7

Khắc phục tình trạng sách nhiễu, tham nhũng vặt

TTXVN
TTXVN

TT - Công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn một số hạn chế: một số khâu trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giám định tư pháp còn chậm và chưa đạt yêu cầu.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại một buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: Lê Kiên

Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có văn bản số 116-TB/BCĐTW ngày 14-5 thông báo kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng) tại phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo:

Đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng quý 1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Trong thời gian vừa qua, trong đó có quý 1-2015, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được triển khai tích cực, nhất là tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng; thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là cải cách hành chính; phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng chống tham nhũng; phát hiện, xử lý tham nhũng.

Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo triển khai khá toàn diện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, rất ráo riết, quyết liệt cả phòng và chống tham nhũng, có hiệu quả cụ thể.

Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn một số hạn chế: một số khâu trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giám định tư pháp còn chậm và chưa đạt yêu cầu.

Công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua chưa đầy đủ, nên xã hội chưa thấy hết được ý nghĩa kết quả tích cực của công tác phòng chống tham nhũng. Nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Công tác phòng chống tham nhũng ở nhiều địa phương chưa chuyển mạnh, còn hạn chế...

Trong quý 2-2015 và thời gian tới cần thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ được nêu trong báo cáo số 115-BC/BCĐTW ngày 11-5-2015 của Ban Chỉ đạo, trong đó cần chú trọng tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng và các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Triển khai kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng để kiến nghị sửa đổi toàn diện Luật phòng chống tham nhũng và các luật liên quan khác cho phù hợp tình hình hiện nay.

Giao Ban Tuyên giáo trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cơ chế bảo đảm cung cấp kịp thời, đúng pháp luật những thông tin về phòng chống tham nhũng cho các cơ quan báo chí; lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng.

Chỉ đạo triển khai việc rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương để xem xét, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, yêu cầu các cơ quan chức năng cần chú trọng áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo quy định của pháp luật.

Giao Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo tổ chức biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng chống tham nhũng; chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu cơ chế trích thưởng cho những tổ chức thu hồi được nhiều tài sản tham nhũng; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng sách nhiễu, “tham nhũng vặt” trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên