28/09/2020 10:03 GMT+7

Kết nối cung cầu: Nhiều doanh nghiệp 'về sớm' vì hết hàng

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Nhiều doanh nghiệp tham gia hội nghị kết nối cung cầu TP.HCM và các tỉnh, thành 2020 'khoe' đạt hiệu quả doanh thu, kết nối. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, để hợp đồng đi vào chiều sâu, thực tế... cần có sự hỗ từ đơn vị phân phối, ban ngành.

Kết nối cung cầu: Nhiều doanh nghiệp về sớm vì hết hàng - Ảnh 1.

Khách chọn mua các đặc sản tại gian hàng tỉnh Bến Tre - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Vừa tranh thủ nhập thêm chả bò từ Đà Nẵng vào để bán ngày cuối ngày, đại diện cơ sở sản xuất chả bò Cô Huệ (quận Tân Bình) cho biết khách lẻ khá nhiều, ai cũng có tâm lý mua 0,5-1kg ăn thử nên nhiều thời điểm không còn hàng bán nên phải nhập thêm.

Qua gần 4 ngày hội chợ (từ 24 đến 27-9), ông Trần Đình Dũng  - đại diện công ty Kor (Tân Phú) cho biết doanh thu đơn vị đạt khoảng 25 triệu đồng, trong đó doanh thu đến từ mặt hàng tỏi đen chiếm phần lớn, vượt chỉ tiêu đề ra. 

Cũng theo ông Dũng, qua hội nghị ông làm việc với nhiều đơn vị siêu thị, các đơn vị đã xem hàng và thương thảo các điều kiện. 

Tuy nhiên, theo ông Dũng, cái cần là hợp đồng ghi nhớ chuyển sang hợp đồng thực tế, đi vào chiều sâu. Do đó, cần có liên kết, tư vấn, hỗ trợ thêm từ nhà bán lẻ sau hội nghị đối với nhà cung cấp như chi phí, cách thức vận chuyển để hạ giá thành sản phẩm, mức giá bán ra cạnh tranh.

"Chi phí vận chuyển tỏi từ Quảng Ngãi hơi cao nên giá bán ra tại siêu thị hơn 70.000- 100.000 đồng/kg, cạnh tranh không lại tỏi nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc", ông Dũng ví dụ.

Trong khi đó, dù chưa đến 15h ngày cuối cùng hội chợ, nhưng gian hàng cá kho làng Vũ Đại (đến từ Hà Nam) đã bắt đầu dọn hàng, chuẩn bị đóng cửa vì hàng đã bán hết từ sớm. Theo bà Hậu - đại diện gian hàng này, ngày cuối khá nhiều khách hàng hỏi mua nhưng không đủ hàng bán.

"Đơn vị tiếp xúc với khoảng 5 hệ thống siêu thị lớn như BigC, MM Mega Market... và nhiều doanh nghiệp, dù chưa ký hợp đồng chính thức nhưng rất có triển vọng để hợp tác", bà Hậu nhận định.

Theo bà Hậu, cái được lớn nhất hội nghị là tiếp xúc trực tiếp với các bộ phận thu mua, đại diện của đơn vị siêu thị, nhà bán lẻ, nhờ đó các yêu cầu, điều kiện để hợp tác được trao đổi rõ ràng, giúp nhà cung ứng điều chỉnh hoạt động sản xuất cho phù hợp với thị trường.

Dù hết hội nghị nhưng bà Hậu cho biết sẽ ở lại TP.HCM nhiều ngày tới để tiếp xúc, đàm phán thêm hợp đồng với các đối tác có được trong hội nghị trước khi trở về Hà Nam. Đặc biệt, các sản phẩm mới chưa được chào vào siêu thị nhưng nhiều nhà phân phối đặt yêu cầu mua như patê cá, chả cá... nên đơn vị sẽ sản xuất để chào hàng thêm.

Hầu hết đơn vị tham gia hội nghị cho biết dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng lượng khách đến đông, nhiều phiên tiếp xúc nên đã đạt chỉ tiêu quảng bá sản phẩm, kết nối. Đại diện các gian hàng như nem, chả Bến Tre, cá tôm khô Bạc Liêu, bánh tráng Tây Ninh... đều phấn khởi cho biết khách mua nhiều hơn dự đoán, phải nhập hàng thêm.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, ban tổ chức hội nghị và UBND các tỉnh, thành cần có hỗ trợ về mặt quảng bá, kinh phí gian hàng, chi phí vận chuyển, đặc biệt đối với các đơn vị ở xa để quy mô ngày càng lan rộng.

Theo ban tổ chức, qua 4 ngày hội nghị, có hơn 595 hợp đồng được ghi nhớ giữa các doanh nghiệp, trong đó nhiều nhất là sản phẩm thực phẩm, nông sản. 4 ngày hội nghị thu hút hàng nghìn lượt khách, nhiều gian hàng bán hết hàng sớm.

Cá kho làng Vũ Đại, nem chả Bến Tre cùng hàng ngàn đặc sản vùng miền đổ về TP.HCM Cá kho làng Vũ Đại, nem chả Bến Tre cùng hàng ngàn đặc sản vùng miền đổ về TP.HCM

TTO - Cá kho làng Vũ Đại, tôm khô Bạc Liêu, nem chả Bến Tre... là những đặc sản trong số hàng nghìn đặc sản vùng miền có mặt tại Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2020.

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: nhà bán lẻ