28/03/2016 18:11 GMT+7

Kê khống hồ sơ chiếm đoạt tiền để... cứu bệnh viện

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Các bị cáo vụ án nâng khống hơn 13.000 hồ sơ khám chữa bệnh để chiếm đoạt hơn 27 tỷ đồng tại Bệnh viện Bưu điện TP.HCM cho rằng kinh tế của bệnh viện quá khó khăn nên phải nghĩ ra cách để cải thiện đời sống,

Những người liên quan trong vụ án trả lời HĐXX về trách nhiệm của mình - Ảnh: Hoàng Điệp

Trong phần thẩm vấn và xét hỏi chiều nay 28-3 của HĐXX đối với các bị cáo, những người liên quan trong vụ án nâng khống hơn 13.000 hồ sơ khám chữa bệnh để chiếm đoạt hơn 27 tỷ đồng trong vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Bệnh viện Bưu điện TP.HCM (trực thuộc tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam- VNPT), các bị cáo đều cho rằng, thời điểm đó, kinh tế của bệnh viện quá khó khăn nên phải nghĩ ra cách để cải thiện đời sống, kẻo bệnh viện có nguy cơ đóng cửa.

Tất cả những người tham gia đều có lỗi

Trả lời HĐXX về những sai phạm của mình, bị cáo Trương Anh Kiệt (nguyên giám đốc BV Bưu điện TP.HCM) cho rằng vào thời điểm năm 2008, tất cả giá cả đều tăng lên, thậm chí, giá thuốc tăng vùn vụt. Do đó, là người đứng đầu bệnh viện, bị cáo phải lo cho đời sống của hàng trăm cán bộ công nhân viên.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng cho rằng, trong những cuộc làm việc của Tập đoàn VNPT tại bệnh viện Bưu điện, đã có ý kiến kết luận rằng bệnh viện liên tục làm ăn thua lỗ, cần phải có giải pháp.

Tuy nhiên sau đó phía Tập đoàn không có giải pháp gì khắc phục, dẫn đến việc các bị cáo tự nghĩ ra cách nâng khống hồ sơ và số ngày nằm bệnh viện để lấy tiền đó lo cho việc chung của bệnh viện cũng như đời sống của cán bộ công nhân viên.

Trả lời phần xét hỏi của đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa, hai bị cáo Trương Bích Nguyệt và Phạm Văn Sửu đều cho rằng, hai người là những người tập hợp hồ sơ, số liệu liên quan đến việc gian dối, nếu không thông qua các khâu kế toán thì bị cáo Kiệt không thể nào thực hiện được việc chiếm đoạt 27 tỷ đồng của VNPT.

Bị cáo Nguyệt cho rằng, việc tập hợp này dựa trên số liệu được cung cấp từ các phòng, khoa đã nhận chỉ tiêu từ việc họp. Do đó, nếu không có số liệu từ các phòng khoa, cũng như chủ trương của ban giám đốc thì bị cáo không thể nào tổng hợp được.

Tại tòa, bà Nguyệt cũng cho rằng, trong các cuộc họp, bà có ý kiến về việc thực hiện chỉ đạo của giám đốc là có sai nhưng ý kiến của bà không được tiếp thu.

Thậm chí, bà Nguyệt từng viết đơn xin từ chức bởi lo sợ vi phạm. Tuy nhiên, giám đốc Kiệt khẳng định rằng không sai.

Trong buổi chiều, HĐXX cũng hỏi một số người nguyên là trưởng phòng, khoa là những người có chức vụ ở BV đồng lòng thống nhất thực hiện việc kê khống, nâng khống hồ sơ lên để chiếm hưởng tiền của nhà nước.

Một số cá nhân này cho rằng việc họ làm là... không sai, và họ cũng không ăn bớt tiền của các bệnh nhân, không ai làm vì lợi ích cá nhân mà đều vì lợi ích tập thể bệnh viện.

Chủ tọa phiên tòa phải giải thích rằng: “Cách làm của bệnh viện Bưu điện có thể dưới danh nghĩa vì tập thể. Đó là việc cần làm và phải làm, nhưng việc khai khống hồ sơ để lấy tiền quyết toán của VNPT để chi cho việc đó là không đúng”.

Chủ tọa phiên tòa cũng khẳng định: “Tất cả những người tham gia vào việc này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc làm của các vị đều là có lỗi”. 

Sao không lấy tiền các cá nhân đã chiếm hưởng để khắc phục hậu quả?

Đó là câu hỏi của chủ tọa phiên tòa trước đại diện của VNPT và bệnh viện Bưu điện TP.HCM khi nói về trách nhiệm của VNPT trong vụ việc sai trái của các bị cáo. Theo đó, đại diện VNPT cho rằng, hiện nay VNPT đã thu hồi gần hết số tiền thất thoát, hiện chỉ còn 400 triệu, việc khắc phục này dựa vào nguồn tiền đáng lẽ sẽ cấp cho bệnh viện để xây dựng cơ bản và một số nội dung khác.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về số tiền còn lại sẽ được khắc phục ra sao, đại diện BV Bưu điện cho biết sẽ lấy ở quỹ phúc lợi xã hội để chi trả.

Chủ tọa phiên tòa nhắc nhở “đừng lấy tiền từ nguồn sai này để trả cho nguồn sai khác. 

Nếu bệnh viện yêu cầu những người trực tiếp hưởng lợi từ việc chi cho lương để bù đắp vào khoản tiền đã thất thoát của VNPT thì hợp lý hơn, và Bệnh viện cũng nên tìm kiếm các nguồn hợp pháp để hoàn trả cho VNPT”.Chủ tọa nói.

Theo đó, số tiền 27 tỉ chiếm đoạt trái phép từ VNPT được trả một phần cho lương của toàn bộ cán bộ, bác sỹ và nhân viên bệnh viện và đến nay số tiền này vẫn chưa được hoàn trả.

Ngày mai, 29-3, phiên tòa sẽ tiếp tục.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên