Tham nhũng thách thức nhân dân
Phóng to |
Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh (bên trái) trong một phiên trả lời chất vấn Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đề cập công tác phòng chống tham nhũng, ông Huỳnh Phong Tranh nói pháp luật hiện hành quy định 9 giải pháp phòng ngừa, trong đó 4 giải pháp được đánh giá có hiệu quả tích cực là cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch của các cơ quan tổ chức, đơn vị, xây dựng chế độ định mức tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, 2 giải pháp được đánh giá kết quả trung bình là chuyển đổi vị trí công tác và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, 3 giải pháp được đánh giá hiệu quả thấp và còn hình thức là kê khai tài sản thu nhập, trả lương qua tài khoản và nộp lại quà tặng.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, thời gian vừa qua việc thực hiện công khai minh bạch cũng có làm một bước nhưng chưa đầy đủ. Chính vì vậy, dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tới đây có nêu nhiều nội dung giải pháp phòng ngừa, nếu được Quốc hội thông qua thì sẽ tăng cường mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn các giải pháp liên quan.
“Nộp lại quà tặng thì có nhưng con số rất thấp”. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh |
"Có mấy nguyên nhân thế này: Thứ nhất, ngành thanh tra hằng năm có trên 10.000 cuộc thanh tra ở các cấp, các ngành, kể cả thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh nhiều cuộc thanh tra chất lượng tốt cũng có một số cuộc thanh tra chất lượng không cao, tính khả thi không cao. Cho nên khi kết luận thanh tra thực hiện không được, có vướng mắc. Thứ hai, quy định chế tài trong xử lý kết luận thanh tra vừa qua chưa mạnh, chưa đủ nên cũng chưa thực hiện có hiệu quả. Thứ ba, chưa có cơ quan chuyên trách theo dõi thực hiện kết luận thanh tra” - ông Tranh nói thêm.
Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi cơ quan, đơn vị xảy ra vụ việc tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ nói lâu nay quy định có những điểm không rõ ràng nên khó xử lý. Hơn nữa còn có sự tránh né, nể nang, sợ va chạm và sợ ảnh hưởng thành tích của đơn vị, “tới đây khi sửa đổi luật thì Chính phủ sẽ tiếp tục bổ sung sửa đổi quy định này để cho rõ ràng hơn”.
Xây dựng Tòa án hôn nhân, gia đình và trẻ em
Xung quanh vấn đề nên có hay không việc tăng hình phạt đối với tội phạm vị thành niên, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình nói: “Trẻ em phạm pháp là nguyên nhân tổng hòa sự giáo dục của gia đình, của nhà trường, của xã hội, việc quản lý nhà nước đối với xã hội nói chung trong đó có các thiết chế về phòng ngừa chung, và những chính sách khác đối với trẻ em. Chúng ta đã tham gia Công ước quốc tế bảo vệ quyền trẻ em thì giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với trẻ vị thành niên không phải tăng hình phạt mà chính ở sự quản lý giáo dục và các chính sách dành cho trẻ em”.
Ông Bình cho biết kinh nghiệm trước đây của nhiều nước là khi có những vụ án gây bức xúc dư luận, báo chí đăng tải nhiều, dư luận nhiều thì lại tăng hình phạt nhưng sau đó trẻ em phạm pháp vẫn không giảm bởi ở đây có nguyên nhân xã hội.
“Về mặt pháp lý quốc tế cũng như đạo lý và đánh giá về nguồn gốc phát sinh tội phạm, chúng tôi thấy phải có những giải pháp khác chứ không phải tăng hình phạt. Phải có nhiều giải pháp về quản lý xã hội, giáo dục, chính sách... trong đó có việc thành lập Tòa án trẻ vị thành niên. Đấy là kinh nghiệm của thế giới. Đối với TAND tối cao, tôi cũng đã có đề án xây dựng Tòa án hôn nhân, gia đình và trẻ em, đang trong quá trình để trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt và đưa vào mô hình tổ chức tòa án sắp tới”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận