06/09/2017 19:33 GMT+7

Kê khai mà không xác minh sao phát hiện được tài sản bất thường?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng đã phát biểu như vậy tại phiên thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) chiều 6-9 tại tòa nhà Quốc hội ở Hà Nội.

Kê khai mà không xác minh sao phát hiện được tài sản bất thường? - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Hùng (trái) và ông Nguyễn Đình Quyền - Ảnh: LÊ KIÊN

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cũng cho rằng nếu không kiểm soát được tài sản thì đừng nói đến chống tham nhũng.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết một trong các hạn chế của luật hiện hành là "các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu".

Ông Thanh cũng thừa nhận hiện "chưa quy định rõ việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; thiếu quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý và thời hạn người kê khai tài sản, thu nhập có nghĩa vụ giải trình về tài sản, thu nhập..."

Mặc dù trình bày như vậy, nhưng dự thảo luật lại bị các đại biểu "chê" nhất ở các quy định về kê khai, công khai, kiểm soát, xử lý tài sản.

"Minh bạch, kiểm soát tài sản là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta rất khó làm nếu vẫn cứ quy định kê khai mà không xác minh. Bây giờ phải có điểm chốt là kê khai thì phải xác minh" - đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng bình luận. 

Ông cho rằng dự án luật lần này vẫn quy định khi có dấu hiệu thiếu trung thực, rồi có đơn thư tố cáo thì mới xác minh thì không tạo được đột phá.

TS Nguyễn Đình Quyền phân tích: "Mấu chốt của phòng chống tham nhũng là kiểm soát tài sản. Nhiều nước không có luật phòng chống tham nhũng nhưng họ có luật kiểm soát tài sản, bất cứ tài sản nào trong xã hội mà dịch chuyển thì nhà nước đều kiểm soát được. Chúng ta xây dựng Luật phòng chống tham nhũng trong khi nhà nước chưa kiểm soát được tài sản, tức là vẫn vô phương trong phòng chống tham nhũng".

"Ở nhiều nước người ta cũng coi là tài sản tăng thêm mà không chứng minh được nguồn gốc thì đó là hành vi tội phạm. Từ trước đến nay khi xác minh tài sản, chúng ta phát hiện không trung thực thì xử lý về mặt hành chính, chính trị là chính, không thể xử lý được tài sản" - ông Quyền nêu.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp kiến nghị "luật này đặc biệt tập trung vào các biện pháp công khai, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập".

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên