14/05/2018 15:58 GMT+7

'Ít nhưng tinh'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Dẫn mức lương bộ trưởng theo đề án trình Hội nghị trung ương 7 (khoảng 33 triệu đồng/tháng, dự kiến áp dụng từ năm 2021), một tờ báo bình luận đó là mức "tăng bứt phá".

Ít nhưng tinh - Ảnh 1.

Quả là so với mức lương hiện tại thì con số này "bứt phá" tới trên 200%, nhưng liệu nó có giải quyết được những vấn đề đang đặt ra với chính sách tiền lương?

Bài viết này chỉ xin đề cập đến cơ chế lương cho công chức trong bộ máy nhà nước. Trước thềm Hội nghị trung ương 7, có ba phát ngôn rất "trúng" và ấn tượng.

Thứ nhất là phân tích của Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức "đông mà không mạnh". 

Thứ hai là bình luận của cựu phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương Lê Quang Thưởng: "Thử nhìn xem, chủ tịch tỉnh hay bộ trưởng có ai nghèo không? Tôi khẳng định là chẳng ai nghèo cả". 

Thứ ba là "tiết lộ" của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng: "Nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân".

Ba phát ngôn nêu trên cho thấy cải cách chính sách tiền lương muốn thành công phải đạt mục tiêu kép: phòng ngừa tham nhũng và thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước.

 Một chế độ tiền lương hợp lý vừa khuyến khích người lao động yên tâm sáng tạo, cống hiến vừa "giúp" họ "không cần tham nhũng". 

Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 7: "Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ". 

Vậy thì 33 triệu đồng trả cho một tháng lương của một chính khách - nhà chiến lược tầm bộ trưởng vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 - liệu đã đáp ứng được các mục tiêu nêu trên chưa?

Nhưng ngay cả ở mức lương nêu trên cũng chưa chắc đã thực hiện được. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nguồn lực tối đa dành để điều chỉnh tiền lương tăng thêm trong các năm 2021, 2022 khoảng 35.000-40.000 tỉ đồng. 

Con số này còn thấp xa so với cả 2 phương án điều chỉnh tiền lương Bộ Nội vụ trình ra (muốn tăng lương theo phương án 1 thì trong 2 năm 2021-2022 cần khoảng 140.000 tỉ đồng, còn theo phương án hai thì cần tới gần 210.000 tỉ đồng). Cái khó "bó" cái khôn. 

Ngay đến ngân sách 4 tháng đầu năm 2018 vừa được công bố, các chuyên gia cũng bình luận là "thu được 3 đồng thì đã chi 2 đồng cho bộ máy".

Như vậy, đồng thời với giải pháp cân đối lại ngân sách (vốn rất khó khăn) để thực hiện chính sách cải cách tiền lương thì giải pháp buộc phải thực hiện thành công là "đảo ngược" nội dung câu đánh giá của ông Phạm Minh Chính về đội ngũ cán bộ, công chức "đông mà không mạnh" thành "ít mà tinh".

Lại nhớ, thời còn đương chức bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, ông Bùi Quang Vinh từng kể rằng có những công việc một người giỏi bên ngoài có thể làm thay 7-8 công chức hiện có, nhưng ông không có cách nào cho thôi việc 7-8 công chức "đông mà không mạnh" để tuyển người giỏi kia và cũng không có quyền quyết định trả cho người giỏi mức lương bằng 5 công chức yếu. 

Rõ ràng, để giải được bài toán ông Vinh đặt ra, thực hiện thành công nghị quyết trung ương thì thể chế còn phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều, đồng thời với quyết tâm mạnh mẽ của những người thực hiện.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên