Thủ tướng Iraq bác lời kêu gọi đoàn kếtMỹ muốn loại bỏ thủ tướng IraqPhiến quân Hồi giáo chiếm nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq
Bé gái Iraq ở trại tị nạn tại Arbil sau khi chạy trốn bạo lực từ thành phố Mosul bị lực lượng ISIL chiếm đóng - Ảnh: Reuters |
Chỉ hơn hai năm sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq, nước này nay đang gần kề sự sụp đổ và có thể sắp biến dạng thành một nhà nước tôn giáo siêu độc đoán tương lai vô định... Ai chịu trách nhiệm cho sự tan rã này?
Trách nhiệm đưa Iraq rơi vào cảnh tan rã tất nhiên thuộc về Thủ tướng Nouri al-Maliki nắm quyền từ tháng 5-2006 và đang ở giai đoạn cuối của nhiệm kỳ hai. Người Iraq cáo buộc ông al-Maliki hành xử gia đình trị với con trai đứng đầu bộ máy an ninh và hai con rể trấn giữ văn phòng thủ tướng để xà xẻo tài nguyên đất nước.
Chưa hết, do hiến pháp Iraq không giới hạn số nhiệm kỳ có thể phục vụ, nên sau này khi quốc hội đề ra một dự thảo luật giới hạn ba nhiệm kỳ, Tòa án tối cao đã bác bỏ ngay giùm ông Maliki. Trong khi đó phái Sunni, vốn đã bùng nổ từ sau vụ hàng trăm ngôi đền thờ của mình bị đốt năm 2006, càng lồng lộn sau vụ chính khách cao cấp nhất của họ là ông Tariq al-Hashemi, dù gì cũng là phó tổng thống Iraq, bị kết án tử hình vắng mặt năm 2012, phải chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ tá túc. Những “sơ sẩy” đó cùng với việc quân đội Mỹ rút hết vào tháng 12-2011 đã nhanh chóng làm lung lay Chính phủ Iraq.
Tuần báo Time số đề ngày 18-6 từng đóng đinh không chừa ai: “Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki phải chịu trách nhiệm lớn nhất về việc đất nước ông cứ sụp đổ quanh ông. Nhưng hai tổng thống Mỹ cũng có phần lỗi của họ: đầu tiên là ông George W. Bush vì đã tiến chiếm Iraq, và ông Barack Obama vì đã không tranh đấu đủ mạnh mẽ nhằm duy trì sự hiện diện của binh sĩ Mỹ trong giai đoạn sau năm 2011”.
Sau những lần tấn công của nghị sĩ John McCain đổ lỗi cho Tổng thống Obama, hôm 19-6 tờ US News & World Report đã đánh trả: “Cánh phải bảo thủ có vẻ quan tâm nhiều về cuộc chiến đổ lỗi hơn là phải làm gì bây giờ”. Đến đây, tờ báo này “định hướng” độc giả: “Ở Iraq, cuộc chiến giữa các phái Hồi giáo Shiite và Sunni đã diễn ra trong nhiều thế kỷ... Tiếp tục chiến đấu trong một khu vực mà chúng ta chẳng hề thật sự hiểu văn hóa, tôn giáo hay con người ở đó như thế nào, sẽ là ngu xuẩn nếu tin rằng gửi quân đội chúng ta vào trong cuộc chiến đó thì sẽ kết liễu bọn khủng bố và chủ nghĩa khủng bố”.
Quả là sáu năm qua, ông Obama vẫn không xong được công việc “đổ vỏ ốc Iraq” mà ông đã kịch liệt phản đối khi còn là nghị sĩ bang Illinois trong bài diễn văn (ngày 10-2-2002) đọc tại Chicago: “Khi chiến tranh Iraq thắng lợi, Mỹ sẽ phải chiếm đóng trong một thời gian vô hạn, tốn kém vô cùng và chịu những hậu quả vô biên... Sẽ chỉ thổi bùng lên lò lửa Trung Đông và cổ vũ những bức xúc tồi tệ nhất, chứ không phải là tốt đẹp nhất của thế giới Ả Rập, đồng thời làm tăng số tay chân của al-Qaeda”.
Ai đúng, ai sai? Ông Bush hay ông Obama? Cũng chỉ dân Iraq lãnh đủ! Còn thân phận ông al-Maliki, qua những tin như của Wall Street Journal (ngày 19-6-2014) viết là “Chính quyền Obama đang ra tín hiệu rằng họ muốn một chính phủ mới ở Iraq không có Thủ tướng Nouri al-Maliki”, chẳng là gì so với số phận đất nước và dân chúng Iraq.
Phiến quân chiếm thêm các mỏ dầu, khí Hôm qua, Reuters đưa tin phiến quân Hồi giáo Sunni ở Iraq chiếm thêm thị trấn Mansouriyat al-Jabal gần sát thủ đô Baghdad. Có khoảng bốn mỏ khí đốt đặt tại khu vực này. Trong khi đó ở thành phố Tikrit phía bắc, các tay súng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) đã tràn vào khu vực khai thác dầu khí Ajeel cách thành phố khoảng 30km. Nơi đây tập trung ít nhất ba mỏ dầu với lượng khai thác tổng cộng 28.000 thùng/ngày. Cùng ngày, Thủ tướng Nouri al-Maliki đã xác nhận máy bay Syria ném bom các phiến quân trên lãnh thổ Iraq. Ông cho biết dù không yêu cầu nhưng Baghdad “hoan nghênh” sự giúp đỡ của nước láng giềng. CNN đưa tin hàng chục thường dân thiệt mạng trong vụ tấn công của máy bay Syria ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, việc Syria tham gia tiêu diệt phiến quân và các cuộc tấn công ở biên giới với Jordan đang gây lo ngại cuộc khủng hoảng của Iraq có thể lan sang các nước trong khu vực. Nói về thông tin rằng Iran và Syria đang hỗ trợ quân sự cho Iraq, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 25-6 cho biết điều đó có thể làm gia tăng căng thẳng của cuộc xung đột. Ông cho rằng các diễn biến trên nhắc lại sự cấp thiết phải thành lập một chính phủ mới ở Iraq. Reuters dẫn nguồn từ văn phòng tổng thống Iraq thông báo phiên họp quốc hội nước này sẽ bắt đầu từ ngày 1-7. Đây là bước đầu tiên để thành lập một chính phủ mới, được chờ đợi có thể giải quyết sự chia rẽ ở Iraq. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận