10/03/2022 11:33 GMT+7

Indonesia tiếp tục siết chặt xuất khẩu dầu cọ

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammad Lutfi cho biết quốc gia này sẽ buộc các công ty nâng tỷ lệ tiêu thụ dầu cọ tại thị trường trong nước từ 20% lên 30% kể từ ngày 10/3.

Indonesia tiếp tục siết chặt xuất khẩu dầu cọ - Ảnh 1.

Một công nhân Indonesia xử lý hạt dầu cọ tại một đồn điền ở Pelalawan, tỉnh Riau trên đảo Sumatra. Ảnh: afp.com

Ngày 9/3, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammad Lutfi cho biết quốc gia này sẽ buộc các công ty nâng tỷ lệ tiêu thụ dầu cọ tại thị trường trong nước từ 20% lên 30% kể từ ngày 10/3 trong một nỗ lực nhằm bình ổn giá dầu ăn.

Hồi cuối tháng Một vừa qua, quốc gia sản xuất dầu cọ thô (CPO) lớn nhất thế giới này đã có động thái đầu tiên nhằm hạn chế xuất khẩu dầu thực vật sau khi giá dầu ăn trong nước tăng hơn 40% vào đầu năm theo diễn biến thị trường quốc tế.

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Lutfi cho hay việc tiếp tục siết chặt các hạn chế xuất khẩu nói trên nhằm đảm bảo giá dầu ăn trong nước vẫn ở mức hợp lý đối với người tiêu dùng và quy định này sẽ có hiệu lực cho đến khi tình hình trở lại bình thường.

Ông Lutfi nhấn mạnh rằng Indonesia ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời nói thêm rằng chính phủ sẽ xem xét lại chính sách có tên "nghĩa vụ thị trường trong nước (DMO)" này sau sáu tháng để quyết định có cần điều chỉnh hay không.

Tại Malaysia, dầu cọ đã tăng giá mạnh sau khi Indonesia hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Cùng với cuộc khủng hoảng Ukraine khiến nguồn cung dầu hướng dương khan hiếm, động thái của Jakarta sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng giá dầu thực vật trên toàn cầu.

Trước đó vào ngày 27/1, Indonesia đã áp đặt một quy định mới theo đó bắt buộc các nhà sản xuất phải bán một phần sản phẩm trên thị trường nội địa với mức giá tối đa là 9.300 rupiah (65 xu Mỹ)/kg đối với CPO và 10.300 rupiah/kg đối với dầu olein.

Trong một tuyên bố ngày 31/1, Vụ trưởng Ngoại thương Indrasari Wisnu Wardhana cho biết: 'Giấy phép xuất khẩu sẽ được cấp cho các nhà sản xuất đã đáp ứng các điều khoản của DMO và nghĩa vụ giá nội địa (DPO), được chứng minh bằng cách cung cấp các đơn đặt hàng, đơn giao hàng và hóa đơn thuế'.

Theo Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (Gapki), ước tính nhu cầu dầu ăn trong nước không dưới 5,7 triệu kilolít trong năm nay, tương đương với khoảng 8 triệu tấn CPO. Gapki dự báo tổng tiêu thụ dầu cọ trong nước sẽ tăng 12% trong năm nay lên mức 20,6 triệu tấn, trong đó có 8,8 triệu tấn dùng để sản xuất dầu diesel sinh học theo chương trình của chính phủ.

Indonesia đã sản xuất 47 triệu tấn CPO vào năm 2021, trong đó 2,7 triệu tấn được xuất khẩu. Nước này chủ yếu xuất khẩu dầu cọ đã qua chế biến. Theo Gapki, sản lượng CPO dự kiến sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên mức 49 triệu tấn.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên