15/03/2018 21:23 GMT+7

Indonesia ra luật cấm đả kích đại biểu quốc hội

TUẤN SƠN
TUẤN SƠN

TTO - Một đạo luật mới vừa có hiệu lực tại Indonesia cho phép truy tố và bỏ tù những người "không tôn trọng" quốc hội và các thành viên của cơ quan này.

Indonesia ra luật cấm đả kích đại biểu quốc hội - Ảnh 1.

Một phiên họp của Quốc hội Indonesia. - Ảnh: Reuters

Luật mang tên gọi MD3 được Hạ viện Indonesia thông qua từ tháng trước nhưng phải đến hôm nay (15-3) mới chính thức có hiệu lực do vấp phải phản đối từ chính quyền Tổng thống Joko Widodo, theo hãng thông tấn AFP (Pháp).

Theo luật này, bất cứ ai bị cáo buộc có hành vi "không tôn trọng" quốc hội hoặc các đại biểu quốc hội nước này đều có thể bị truy tố và phạt tù.

Luật không định nghĩa cụ thể thế nào là hành vi không tôn trọng, cũng như không đưa ra khung hình phạt cụ thể cho tội danh này, theo AFP.

Tổng thống Widodo không có quyền phủ quyết đối với luật do quốc hội ban hành, nhưng ông đã từ chối ký thông qua luật này như một hành động phản đối nội dung của nó.

Quốc hội Indonesia, tên chính thức là Hội nghị Hiệp thương Nhân dân, gồm có 2 viện với 692 thành viên và là cơ quan lập pháp cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á.

Với việc luật MD3 chính thức có hiệu lực, giới quan sát cho rằng những người biểu tình phản đối luật này cũng có thể bị truy cứu do câu chữ mơ hồ của nó.

"Thế nào là không tôn trọng chứ? Khái niệm này không được giải thích rõ ràng và có thể được diễn giải theo bất kỳ cách nào mà những người làm luật thấy có lợi cho mình nhằm bịt miệng những người chỉ trích", AFP dẫn lời ông Sebastian Salang thuộc tổ chức Giám sát Quốc hội Indonesia.

Chuyện chống tham nhũng ở Indonesia Chuyện chống tham nhũng ở Indonesia

TT - Đất nước Indonesia nổi tiếng tham nhũng lâu nay, từ vặt vãnh đến chuyện lớn. Nhưng mọi chuyện đang dần thay đổi với quyết tâm chính trị của ban lãnh đạo đất nước.

Hàng trăm người biểu tình ngày 15-3 tập trung bên ngoài Tòa Hiến pháp Indonesia ở thủ đô Jakarta để kêu gọi rút lại đạo luật gây tranh cãi.

Người phát ngôn Tòa Hiến pháp cho biết đã nhận được ba đơn kiến nghị chống lại luật này, nhưng quá trình xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng có thể mất nhiều tháng.

Cũng theo luật mới này, tất cả các cuộc điều tra nhằm vào một thành viên quốc hội phải được sự đồng ý của Hội đồng đạo đức Hạ viện, kể cả điều tra do ủy ban phòng chống tham nhũng nước này cầm trịch.

Năm ngoái, có 8 thành viên quốc hội Indonesia đã bị bắt giữ với tội danh tham nhũng, trong đó có cựu Chủ tịch Hạ viện Setya Novanto, người đang bị xét xử trong vụ đại án tham nhũng lớn nhất lịch sử nước này.

TUẤN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên