04/03/2010 07:57 GMT+7

Indonesia: Điều tra vụ giải cứu ngân hàng

H.MINH
H.MINH

TT - Ngày 3-3, Quốc hội Indonesia đã bỏ phiếu quyết định yêu cầu cơ quan pháp luật điều tra vụ giải cứu Ngân hàng Century trị giá 720 triệu USD hồi năm 2008. Báo New York Times cho biết theo một thỏa thuận mang tính chính trị, quốc hội đã không nêu đích danh các quan chức có liên quan đến xìcăngđan này.

qJ2uzwTM.jpgPhóng to
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội Indonesia - Ảnh: Getty Images

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã theo dõi rất sát phiên họp này, lo ngại rằng Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani và Phó tổng thống Boediono, hai người ra quyết định về việc giải cứu Ngân hàng Century, sẽ buộc phải từ chức hoặc thay đổi vị trí. New York Times bình luận hai nhân vật này tạm thời vẫn “an toàn”, bởi tuy bỏ phiếu đồng ý điều tra nhưng quốc hội đã không đưa ra yêu cầu phê bình trực tiếp nào đối với họ.

Reuters mô tả bên trong tòa nhà quốc hội, cuộc tranh cãi diễn ra “ồn ào và mất trật tự”, trong khi bên ngoài cảnh sát đụng độ với những người biểu tình đòi đưa hai nhân vật này ra trước vành móng ngựa.

Trước đó một ngày, theo BBC, Quốc hội Indonesia đã “rơi vào tình trạng hỗn loạn” sau khi không thể nhất trí về việc liệu bà Mulyani và ông Boediono có lạm dụng quyền lực trong việc giải cứu Century hay không. Số tiền bỏ ra cho gói cứu trợ lớn hơn 10 lần so với mức dự kiến ban đầu và điều đó làm nhiều người dân nổi giận.

Reuters dẫn lời Kevin O’Rourke, một nhà phân tích chính trị ở Jakarta, khẳng định: dù kết quả bỏ phiếu có thế nào đi nữa, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono vẫn bảo vệ bà Mulyani và ông Boediono, những người được Reuters ca ngợi là có đầu óc cải cách và cởi mở, nhưng đang làm phật lòng giới kinh doanh lâu đời trong nước với các chính sách tăng thuế.

Theo Jakarta Post, ba nhóm trong Hạ viện Indonesia gồm Đảng Dân chủ đấu tranh (PDI-P), Đảng Golkar và Đảng Công lý thịnh vượng (PKS) đã nhất trí rằng có sai phạm trong quá trình chi tiền giải cứu cho Ngân hàng Century, sau một phiên họp sóng gió sáng 3-3. Hiện Đảng Dân chủ của Tổng thống Yudhoyono nắm giữ khoảng một phần tư số ghế trong quốc hội có 560 thành viên. Còn cả khối liên minh cầm quyền do Đảng Dân chủ đứng đầu nắm giữ 75% số ghế, nhưng các đảng Golkar và PKS đã tách ra để bỏ phiếu chống lại chính phủ trong quyết định này.

An ninh được siết chặt bên ngoài tòa nhà quốc hội với hàng rào dây điện được dựng lên xung quanh. Trong khi các chính trị gia hò hét và tranh cãi bên trong, ở bên ngoài cảnh sát dùng hơi gas và súng nước để tìm cách giải tán đám đông biểu tình có những dấu hiệu quá khích.

Cùng lúc, một cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ của ông Yudhoyono đã diễn ra phía trước nhà ông Boediono ở Yogyakarta với sự tham gia của khoảng 600 người, theo Trung tâm cảnh sát giao thông Jakarta. Jakarta Post dẫn lời cảnh sát trưởng khu trung tâm Jakarta, ông Hamidin, nói lực lượng cảnh sát đã sẵn sàng đối phó với bất cứ dấu hiệu quá khích nào. “Chúng tôi sẽ mạnh tay với những kẻ nào vi phạm luật pháp” - ông Hamidin nói.

H.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên