14/09/2013 04:44 GMT+7

Ig Nobel 2013 trao giải 10.000 tỉ đôla... Zimbabwe

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Giải Nobel “ngớ ngẩn” lần thứ 23 do tạp chí khoa học hài Annals of Improbable Research (AIR) tổ chức dành cho những khám phá khoa học độc đáo và gây cười đã xướng tên 10 nhóm nhận giải thưởng trị giá tương đương 80.000 đồng Việt Nam.

Ig Nobel 2013: Vỗ tay là phạm pháp đoạt giải hòa bình

HoBxSrO7.jpgPhóng to
Các nhà khoa học hóa trang thành chuột nhận giải Ig Nobel y học 2013 hôm 12-9 - Ảnh: Reuters

Trong buổi lễ tổ chức tại Đại học Harvard (Mỹ), biên tập viên Marc Abrahams của AIR một lần nữa cho biết những nghiên cứu đoạt giải đã thỏa mãn tiêu chí “làm người ta cười trước rồi suy nghĩ sau”. Quả thật, các nghiên cứu “ngớ ngẩn nhưng không bẩn” năm nay vẫn đáng chú ý như công nghệ phóng không tặc khỏi máy bay, “chiêm tinh gia” bọ cánh cứng, nhạc opera cho chuột thí nghiệm, kỹ thuật ghép dương vật cho những ông chồng lấy phải vợ có máu “hoạn thư”...

Những người thắng giải từ khắp thế giới sẽ có bài phát biểu ngắn tại Mỹ vào ngày 14-9, theo AP. Lần đầu tiên, nhà tổ chức cho biết sẽ thưởng cho những người đoạt giải số tiền 10.000 tỉ đôla Zimbabwe, tương đương 4 USD.

Người một tay bị bắt vì tội... vỗ tay

Nhà khoa học Masanori Niimi thuộc Đại học Teikyo (Tokyo, Nhật) giành giải y học nhờ phát hiện những con chuột qua phẫu thuật ghép tim sống lâu hơn nếu được nghe nhạc. Cụ thể, những con chuột trong giai đoạn hậu phẫu được nghe bài opera La Traviata sống được 27 ngày, tức gần gấp ba lần so với mức trung bình. Những con được nghe giọng hát của ca sĩ Enya sống được 11 ngày. Nghiên cứu này đã tạo cảm hứng để các nhà tổ chức trong lễ công bố đã dựng một vở opera ngắn góp vui.

Nhóm nghiên cứu của nhà khoa học Eric Warrant đoạt cú đúp sinh học và thiên văn học khi chứng minh những con bọ cánh cứng sống trong phân nhìn lên các chòm sao để định hướng khi bị lạc. Khi đang nghiên cứu khả năng bọ cánh cứng dùng ánh sáng từ Mặt trăng để định hướng, họ tình cờ phát hiện chúng cũng có thể dùng các ngôi sao như một la bàn để đặt các cục phân theo đường thẳng và tìm đường về nhà.

Công trình về động vật khác cũng gây cười vì sự ngớ ngẩn là nghiên cứu chỉ rằng một con bò càng nằm lâu thì khả năng nó sẽ sớm đứng lên là càng cao. Trong khi đó, giải khảo cổ học trao cho nhóm nhà khoa học Mỹ - Canada có can đảm nuốt một con chuột được luộc tái để xem những phần xương nào bị tiêu biến trong bộ máy tiêu hóa người.

Sự quan tâm đến an toàn hàng không của nhà nghiên cứu (quá cố) Gustano Pizzo giúp ông giành giải kỹ thuật an toàn. Hệ thống do ông thiết kế để áp dụng trên máy bay có thể bẫy không tặc, đóng gói và phóng hắn khỏi máy bay. Cảnh sát sẽ được báo để có mặt khi gói hàng đặc biệt này hạ cánh bằng dù xuống đất. Giải vật lý trao cho khám phá con người có thể chạy qua một hồ nước... trên Mặt trăng. Còn giải hòa bình chia đều cho Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus với quy định cấm vỗ tay nơi công cộng và cảnh sát nước này vì đã bắt giữ một người đàn ông một tay vì tội... vỗ tay.

Nghiên cứu có tên khá hấp dẫn “vẻ đẹp trong mắt người cầm chai bia” được trao giải tâm lý với nhận định rằng những người nghĩ mình say thường thấy mình hấp dẫn hơn. Để đi đến kết luận này, họ đã mời 86 đàn ông Pháp tham gia một buổi thử đồ uống mới, trong đó một số được cho biết thức uống của họ không có cồn và một số khác được báo là đồ uống có nồng độ cồn cao dù ly của họ chỉ được pha ít rượu trên mặt. Sau khi uống, họ được tham gia chấm điểm sự hấp dẫn, vui tính của mình và những người tưởng rằng mình uống nhiều rượu cho mình điểm cao hơn. “Sự gia tăng này chỉ là ảo tưởng. Thực tế là họ chẳng hấp dẫn hơn chút nào” - nhà khoa học Mỹ Brad Bushman tham gia nghiên cứu cho biết.

CrNiti2q.jpgPhóng to
Khán giả trong buổi lễ cũng đầy cảm hứng vui nhộn - Ảnh: Reuters

Những nhà nghiên cứu nghiêm túc

Tuy nhiên tạp chí AIR cho biết giải thưởng cũng đặt ra câu hỏi: “Làm cách nào để xác định cái gì là quan trọng và cái gì không, cái gì thực và không thực trong khoa học lẫn trong bất cứ lĩnh vực nào khác? Tại sao lại khôi hài khi một trong các nhà nghiên cứu nói rằng tinh tinh có thể nhận ra một con tinh tinh khác trong hình?”.

Biên tập viên Marc Abrahams cho rằng trong khoa học đã có sẵn yếu tố khôi hài và những người đoạt giải Ig Nobel không cố tình tạo ra công trình để chọc cười người khác, hầu hết họ là những nhà khoa học nghiêm túc. “Đối với một vài người thắng giải, khi chúng tôi gọi điện thông báo trao giải cho họ thì khoảnh khắc đầu tiên họ thấy cũng thật buồn cười” - báo New York Times dẫn lời ông Abrahams. Còn nhà khoa học Brushman cho biết dù công trình của mình nghe có vẻ khôi hài nhưng thật sự là một tài liệu khoa học có giá trị.

Một kỹ thuật đoạt giải sức khỏe cộng đồng năm nay của Ig Nobel nghe có vẻ hài hước nhưng có tính ứng dụng cao là kỹ thuật ghép dương vật của các bác sĩ Thái Lan, nước có tình trạng cắt dương vật ngày một tăng. “Thực tế là tình trạng này đang xảy ra, nhiều nạn nhân được đưa vào cùng một bệnh viện và các bác sĩ đã giải quyết rất tốt” - ông Abrahams giải thích và cho biết thêm nạn nhân thường là nam giới chọc giận vợ khi say xỉn. Dù kỹ thuật này được các bác sĩ đánh giá cao nhưng mặt hạn chế là không thể áp dụng trong trường hợp phần cắt lìa bị vịt ăn mất, vì ở một số khu vực nông thôn tại Thái Lan nhà dân có chuồng vịt bên dưới.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên