Don "Wardaddy" Collier (Brad Pitt đóng, giữa) cùng đồng đội trên chiếc xe tăng Sherman M4A3E8 tên FURY (Cuồng nộ). |
Chiến tranh chưa bao giờ là một đề tài kém sức thu hút đối với khán giả. Bối cảnh của FURY diễn ra vào tháng cuối cùng trên chiến trường châu Âu của Thế chiến thứ II, vào tháng 4-1945 khi quân đồng minh tiến quân đợt cuối để tiêu diệt Đức quốc xã.
Một sĩ quan "cứng cựa" của quân đội Hoa Kỳ tên Don "Wardaddy" Collier (Brad Pitt) chỉ huy chiếc xe tăng Sherman M4A3E8 tên FURY (Cuồng nộ) cùng bốn người lính gồm: Boyd "Bible" Swan (Shia LaBeouf), pháo thủ; Grady "Coon-Ass" Travis (Jon Bernthal), nạp đạn; và Trini "Gordo" Garcia (Michael Peña), lái chính. Người thứ tư - phụ lái - đã hy sinh từ đầu phim.
Vì thiếu người, Wardaddy được bổ sung vào đội của mình một tân binh tên Norman Ellison (Logan Lerman). Anh này vốn là nhân viên đánh máy, mới nhập ngũ 8 tuần.
Ở đâu đó ngoài kia, trong những cuộc chiến chưa bao giờ dừng ở khắp nơi trên thế giới, khung cảnh tàn khốc như trong FURY là có thật - và biết đâu còn kinh hoàng, còn đau thương hơn trên màn ảnh gấp nhiều lần. |
Wardaddy và những người lính cũ của anh từng sát cánh bên nhau từ chiến trường Bắc Phi. Những trận chiến đã kết nối họ với nhau thành một khối thống nhất, dù rằng mỗi người là một cá thể riêng biệt với xuất thân khác nhau, tính cách mâu thuẫn nhau.
Boyd là một người sùng đạo và thường xuyên trích dẫn Kinh Thánh, Grady là một anh chàng có phần bỗ bã nhưng vẫn biết phải trái đúng sai và một Trini người Mexico hơi đa cảm.
Đáng quan sát nhất vẫn là Don "Wardaddy" Collier. Ở viên hạ sĩ quan này có đủ hai mặt của một con người - cũng là hai mặt của một cuộc chiến. Don nghiêm khắc, lạnh lùng đôi khi đến mức tàn nhẫn.
Điều này thể hiện ở rất nhiều chi tiết, đặc biệt là Don buộc Norman phải cầm khẩu súng lục của anh bắn chết một tên tù binh người Đức.
Don và tân binh trẻ Norman giữa chiến trường. |
Norman chống đối, thậm chí đòi chết chứ không bắn người. Nhưng Don vẫn kiên quyết cầm tay cậu ta, buộc cậu bóp cò. Đây là một cảnh khá căng thẳng, tra tấn thần kinh người xem. Khi đó, tính chính nghĩa và phi nghĩa dường như tan lẫn vào trong nhau.
Nhưng Don có phong thái của một quý ông, điều đó phần nào thể hiện khi anh từ tốn hỏi xin một ít nước nóng để gội đầu sạch sẽ, lau rửa, cạo râu, và đưa hộp thiếc cất giữ những quả trứng gà cho cô gái Đức tên Emma (nữ diễn viên người Đức Alicia von Rittberg thủ vai) để làm món trứng ốp la cho anh, Norman và hai chị em cô.
Món trứng này có gì đâu, nhưng như Don đã nói, anh muốn "thưởng thức" bữa ăn này trong yên bình - một sự yên bình hiếm hoi trên đường tiến vào Berlin.
Sau mỗi lần tỏ ra lạnh lùng, vô cảm hay tàn nhẫn lại là một Don bị dằn xé và suy sụp bởi sự tàn khốc của cuộc chiến. Anh buộc phải tỏ ra mạnh mẽ hơn những gì anh cần để làm bệ đỡ tinh thần cho đồng đội.
Cũng như Don thừa nhận cuối phim rằng anh sợ, có ai mà không sợ chết. "Hy sinh không còn là lựa chọn" là câu slogan trên poster phim. Trận chiến cuối phim với hơn 300 lính Đức quôc xã không phải là lựa chọn của Don và đồng đội, dù chính họ tình nguyện dấn thân vào.
Bữa ăn đơn giản, yên bình tại nhà hai cô gái Đức |
Phim còn những câu thoại đắt giá, như lời của Don: "Ideals are peaceful. History is violent" (Lý tưởng thì hòa bình, nhưng lịch sử lại bạo lực). Nhưng câu thoại dễ lấy nước mắt của người ta nhất chắc là những lời mà Don và đồng đội nói với nhau trong xe tăng: "Best job I've ever had" (Việc tốt nhất mà tôi từng làm) sau khi hạ được quân thù.
Họ nói câu đó, và họ cười với nhau, rồi họ khóc - mà không có nước mắt nào. "Best job" không hề là việc xả súng giết người. "Best job" hiểu đúng hơn là đã bảo vệ cho bản thân mình và đồng đội mình không phải hy sinh.
FURY đánh dấu một bước tiến mới trong diễn xuất của nam diễn viên trẻ Logan Lerman kể từ sau vai Percy trong loạt phim này. Shia LaBeouf cũng gây một chút bất ngờ so với các vai gần đây mà anh đảm nhận.
Riêng Brad Pitt không nhiều sự đột biến trong diễn xuất, nhưng khó thể tìm được nhược điểm trong vai diễn này của anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận