20/06/2019 15:20 GMT+7

'Huyền thoại' pơmu

THÁI LỘC - CÔNG TRIỆU
THÁI LỘC - CÔNG TRIỆU

TTO - Trên những ngọn đồi xa xưa ẩn hiện cây thuốc phiện làm 'ma đen' hại người, một người đàn ông Mông suốt nhiều năm lặng lẽ gầy dựng cánh rừng pơmu quý như vàng…

Huyền thoại pơmu - Ảnh 1.

Hai bố con gìn giữ cánh rừng pơmu quý giá - Ảnh: C.TRIỆU

Câu chuyện "huyền thoại" pơmu hồi sinh đất chết đó là của ông Lù A Sáy, ở bản Tà Xùa C (Bắc Yên, Sơn La).

Cứ đi học kỹ sư, làm được tàu hỏa, máy bay các kiểu mà không còn rừng, không có nước thì không trồng được cái ăn, không sống được đâu!

LÙ A SÁY

Những cánh rừng bạc tỉ

Tôi được ông Sáy chở bằng xe máy trên con đường đất nhỏ với những con dốc dựng đứng quanh co suốt cả chục cây số từ đường tỉnh 112 vào bản Tà Xùa C.

Mặc cho xe ở số 1 liên tục gầm rú, ông cứ ngoái đầu, chỉ tay: "Vàng đấy. Pơmu của tôi đấy, vạt này gần 1 héc (ha) hơn 700 cây, hơn 10 tuổi rồi. Đồi kia thì hơn nửa héc, gần 15 tuổi, khai thác gỗ được rồi. Tôi thường lấy hạt giống bên ấy".

Đó là những cánh rừng pơmu xanh tốt, vút thẳng lên trời xanh, nổi bật giữa những nương rẫy và mấy ngọn đồi trọc đất vàng lở lói...

Chúng tôi tiếp tục băng qua thung lũng sâu và mấy đoạn ruộng bậc thang để đến cánh rừng pơmu trồng đầu tiên.

Huyền thoại pơmu - Ảnh 3.

Để vào được cánh rừng pơmu, mọi người phải vượt qua những con đường đất dốc đầy hiểm trở - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Bên hai cây pơmu to lớn nằm ngoài bìa rừng, ông cho biết chúng được trồng từ đầu những năm 1990. Mỗi cây đường kính gốc gần 1m, cao hơn 20m. Tiền gỗ quý này, theo ông, trị giá không dưới 100 triệu đồng.

Cạnh đó là cánh rừng hơn 600 cây pơmu 15 năm tuổi, cao gần 20m, đường kính gốc đều khoảng 30-40cm.

"Nhiều người hỏi mua nhưng tôi không bán đâu" - ông cười.

Sinh năm 1976, Lù A Sáy kể mình lớn lên trong rừng già vẫn còn bạt ngàn, rất nhiều pơmu, có cây to đến mấy người ôm, "hễ vào sâu tí là bắt gặp".

Thế rồi, người dân cứ phá từng ngọn đồi làm rẫy, làm được 1-2 mùa rồi lại bỏ trống để đi phá rừng khác. Rừng cứ thế mất dần. Những lần tham gia đoàn vào rừng xóa cây thuốc phiện, ông thấy cây gỗ quý này cứ ít dần, có hôm đi suốt buổi không còn bóng dáng cây nào.

"Kiểu này ít năm nữa rừng sẽ không còn pơmu. Hay là mình đem hạt về trồng?", và ông leo ngay lên cây lấy về nắm quả khô...

Huyền thoại pơmu - Ảnh 4.

Rừng pơmu quý hơn cả vàng của ông Sáy - Ảnh: THÁI LỘC

Từng bị gọi là thằng khùng!

Khi gieo hạt, các cụ trong bản, kể cả người bố Lù A Chống cứ cho Sáy còn con nít, chỉ bõ công. Sáy quyết tâm ươm, rất nhiều lần mà chẳng mầm nào lên thật.

"Các cụ bảo con chim có tổ, con chuột có hang, cây pơmu có rừng, không trồng được đâu! Có cụ chỉ mặt gọi tôi là thằng khùng. Trong rừng, cây pơmu to lớn mỗi mùa cả triệu hạt, mà dưới gốc chẳng có cây con nào. Các cụ nói quá, tôi cũng ngại thật, không biết có trồng được không cơ chứ!" - ông kể.

Tình cờ, Sáy "bắt phải vàng" khi gặp một tài liệu khuyến nông dịch lại cách người Nhật ngâm hạt trong nước 1 nóng 2 lạnh trước khi gieo.

"Thử làm theo, tôi hét lên như thằng khùng thật khi phát hiện mầm nhú lên". Không dừng lại, ông tiếp tục thử nghiệm, tăng và giảm nóng lạnh nhiều cấp độ. Sự kiên nhẫn miệt mài ấy dẫn đến ngày ông nắm chắc công thức làm cho hạt giống nảy mầm trên đất...

Huyền thoại pơmu - Ảnh 5.

Với trăn trở giữ rừng, hai cha con ông Sáy sẵn sàng chia sẻ tất tần tật về kỹ thuật nhân giống pơmu - Ảnh: THÁI LỘC

Sáy nói mình ít chữ, chỉ có quyết tâm làm gì là đeo đến cùng. Mười mấy tuổi mới theo lớp xóa mù, rồi học bổ túc thêm ba năm. Nhưng so với dân bản thời ấy, con chữ như thế cũng đã... lưng túi.

Năm 1992, Sáy được bố trí làm việc xã, đến 3 chức: công an viên, bí thư chi đoàn và trưởng dân quân tự vệ thôn Tà Xùa C.

Hồi ấy, chính quyền phát động trồng chè phủ xanh đồi trọc. Dân bản thờ ơ vì năm 1968 từng hưởng ứng trồng chè, phó mặc cho trời, chẳng thu hoạch được gì. Chính quyền lại vận động cán bộ xã làm gương, mỗi người nhận ít nhất 1ha.

Với 3 vai công an, đoàn và dân quân, Sáy nhận chỉ tiêu 3ha, về trồng với bố. Đồi chè lên xanh, sẵn thêm sức vợ vừa cưới về, Sáy tiếp tục nhận trồng. Năm 1997, số chè gia đình Sáy lên đến hơn 12ha, nhiều nhất xã, "đủ để bố chia toàn bộ anh em khi lập gia đình".

Hiện nay, Sáy có hơn 4ha chè, nhiều vườn đào, mận, táo mèo, hoa màu và lúa nước, đủ cuộc sống gia đình và con cái học hành. Nhưng tài sản chính của ông là hơn 4ha pơmu và 1ha samu, nhiều người hỏi mua giá nhiều tỉ đồng nhưng ông quyết không bán cây nào.

Sáy nói dành làm của cho con, nhưng mộng lớn hơn nhiều: "Giờ khách du lịch đến Tà Xùa ngày càng nhiều, pơmu rừng bị đốn hết rồi. Ai muốn biết loại cây quý này chỉ có thể đến tham quan rừng trồng.

Những cánh rừng này khác chi bảo tàng, cứ để vậy cho con cháu sau này biết pơmu là cây thế nào!".

Huyền thoại pơmu - Ảnh 6.

Ông Sáy và nỗi đau đáu giữ rừng - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Đau đáu giữ rừng

Từ rất lâu, ông Sáy đã coi việc chính của mình là tuyên truyền bảo vệ rừng tự nhiên và phát triển rừng trồng. Hễ có dịp trước mọi người ở bất cứ đâu, từ công trường làm đường sá, họp thôn bản..., ông đều nói chuyện đau đáu trong lòng này.

Mấy năm gần đây, người trồng rừng tìm đến ông ngày càng đông. Sáy trở thành người chuyên cung cấp hạt hoặc cây giống pơmu cho không chỉ dân Tà Xùa mà còn từ các huyện, tỉnh lân cận. Nhiều trường hợp ông cấp không hạt giống, thậm chí chạy xe tận nơi chỉ cách trồng...

Tất cả việc làm đều trong niềm trăn trở của Sáy trước tệ trạng tàn phá rừng. Ông cho rằng: "Chính sách chi trả tiền bảo vệ rừng của Nhà nước là đúng, nhưng triển khai ở nhiều địa phương không hiệu quả. Tiền vẫn tốn mà rừng vẫn bị phá".

Huyền thoại pơmu - Ảnh 7.

Lù A Cừ đã thuần thục nhân giống nhiều loại cây rừng - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Minh chứng từ những suối thác, ông kể ngày trước mùa nào nước cũng trắng xóa, nay thì mùa mưa nước dữ, trong khi đầu mùa khô khe suối đã cạn vì mất rừng giữ nước.

"Mình nghĩ kỹ rồi, sinh con đẻ cái phải có cây, có nước mới sống nổi. Cứ đi học kỹ sư, làm được tàu hỏa, máy bay các kiểu mà không còn rừng, không có nước thì không trồng được cái ăn, không sống được đâu!" - ông Sáy ưu tư giữa cánh rừng pơmu như máu thịt của mình.

Đất quý, nhưng rừng quý hơn

huyen thoai pomu 1

Lù A Sáy và con trai A Cừ bên cây pơmu trồng đầu tiên - Ảnh: T.LỘC

"Cánh tay phải" của ông Sáy là cậu con trai Lù A Cừ, 21 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành đất đai Trường cao đẳng Sơn La. Từ năm lớp 7, Cừ đã biết bức xúc cùng bố khi chứng kiến cách tuyên truyền bảo vệ rừng "nếu thấy cháy rừng, ai đi dập thì mỗi ngày được 200.000.

Tuyên truyền kiểu ấy, người dân sẽ hiểu có cháy mới có đi dập để có tiền, vì vậy càng khó bảo vệ rừng". Cừ cho biết chính bố gợi ý theo học ngành đất đai, và càng học càng thấy bố "sống chết" với rừng là có lý.

Tốt nghiệp, Cừ về nhà làm cùng bố và khẳng định: "Trong nông nghiệp, đất quý nhất. Nhưng có rừng thì đất càng quý hơn. Mình đang lập quy hoạch để khai thác số rừng hiện có, đón đầu du lịch tại Tà Xùa".

'Hai lúa' giữ rừng thiêng

TTO - Nắng đổ lửa, từ TP Cần Thơ chúng tôi vượt 70km đến khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) để tìm gặp những “Hai lúa” tình nguyện giữ rừng bất kể ngày đêm...


THÁI LỘC - CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên