Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm, với phương châm “ba không" - không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu thể chế - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến toàn quốc được tổ chức vào sáng 29-5 về tình hình, giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Theo Thủ tướng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn nên đòi hỏi phải có giải pháp tích cực, phù hợp và hiệu quả hơn, đặc biệt là tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Trong đó, cần huy động nguồn lực các đơn vị, cá nhân trong việc tìm nguồn, đàm phán mua vắc xin...
Không được thiếu cảnh giác
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dù tình hình vẫn được kiểm soát nhưng cục bộ có một số địa phương có diễn biến phức tạp. Vẫn có tình trạng lơ là, chủ quan, không đánh giá đúng tình hình, không có giải pháp phù hợp.
Do đó, cùng với việc khen thưởng, theo Thủ tướng, cần kỷ luật nghiêm minh, tập trung tháo gỡ vướng mắc nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, kiềm chế, đẩy lùi, dập tắt dịch ở địa bàn trọng điểm, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn xã hội, thực hiện tốt kỳ thi THPT quốc gia, kết thúc tốt đẹp năm học 2020 - 2021.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "chống dịch như chống giặc", khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình nhanh hơn nữa. Linh hoạt, chủ động sáng tạo trong chỉ đạo, thực hiện, huy động nguồn lực, con người làm chủ thể.
Dự báo tốt tình hình, kết hợp hài hòa phòng ngự và tấn công; người đứng đầu phát huy chủ động, siết kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát đi đôi với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm.
"Tổng kết cách làm hay, hiệu quả, tăng cường đoàn kết, tự lực tự cường, ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch bệnh để chống phá, gây rối, làm hoang mang, mất lòng dân..." - Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đợt dịch lần này phức tạp nên cần phải nỗ lực gấp 10 lần so với trước để đuổi kịp tốc độ lây lan. Do đó, một số nơi dứt khoát phải chấn chỉnh biểu hiện chưa cảnh giác lắm, như tình trạng cập nhật an toàn phòng dịch ở cơ sở sản xuất, lưu trú, trường học nhưng tỉ lệ cập nhật còn thấp.
Nhiều địa phương chậm trong việc khai báo y tế bắt buộc với công nhân, chuẩn bị thông tin để tiêm vắc xin, tin học hóa xét nghiệm.
Theo ông Vũ Đức Đam, việc giãn cách cần thực hiện linh hoạt đảm bảo mục tiêu kép, báo cáo Thủ tướng khi áp dụng giãn cách trên toàn tỉnh để có chỉ đạo cho bộ ngành, địa phương lân cận phối hợp, hỗ trợ để không ảnh hưởng sản xuất.
Cùng với việc Bắc Ninh và Bắc Giang thực hiện cách ly F1 tại nơi cư trú, giám sát chặt chẽ, công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh..., ông Đam đề nghị áp dụng cơ chế mua sắm tập trung đối với một số loại vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là sinh phẩm xét nghiệm để đảm bảo.
Vắc xin AstraZeneca mà Việt Nam mới nhập về được tiêm cho phóng viên y tế tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Kêu gọi chung tay lo vắc xin
Thủ tướng cũng phân công, đề nghị Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp theo dõi, cùng chỉ đạo lãnh đạo TP.HCM; Phó thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công việc phòng chống dịch, khôi phục sản xuất tại Bắc Ninh, Bắc Giang.
Với các địa phương khác, Thủ tướng yêu cầu phải phân công, phân cấp, phân quyền rõ ràng, đi đôi với kiểm tra giám sát, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện thể chế, lý luận trong công tác phòng chống dịch.
Các bộ ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn với phương châm "ba không" - không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu thể chế, phương tiện vật chất, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc men...
Với vắc xin, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp cận mọi khả năng; trong bối cảnh nguồn lực còn thiếu, các nước đều đi mua mà sản xuất có hạn, nên phải quyết tâm, không vì khó khăn khách quan mà chậm trễ.
Do đó, Thủ tướng cho rằng cần phải dùng mọi biện pháp: biện pháp ngoại giao, doanh nghiệp, Chính phủ, người dân, các biện pháp khác... để tiếp cận mua vắc xin, huy động nguồn lực hợp pháp mua vắc xin.
Thủ tướng cũng kêu gọi toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, mọi cơ quan, tổ chức, địa phương trong điều kiện có thể đóng góp trí tuệ, ý kiến, phương pháp, tiền của, phát huy các mối quan hệ để mua vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất.
Mọi nguồn lực hợp pháp từ nhân dân, cộng đồng, từ các cơ quan, đơn vị, địa phương để chúng ta tiếp tục xây dựng Quỹ phòng, chống COVID-19, trong đó có Quỹ vắc xin. Đặc biệt, phải đẩy nhanh việc nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước.
Cũng theo Thủ tướng, phải phòng chống từ sớm, từ xa, từ trước khi có dịch với phương châm "5K + vắc xin" và các biện pháp công nghệ. Trong đó, cần tăng cường áp dụng công nghệ cao vào công tác truy vết, kiểm soát an toàn COVID-19, cách ly. Phòng bệnh phải thường xuyên, phát hiện phải sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực...
Bệnh viện quận Bình Thạnh (TP.HCM) tạm ngưng nhận bệnh sáng 29-5, sau khi 3 ca COVID-19 liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng từng đến đây khám - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngăn dịch lây lan trên diện rộng
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trên địa bàn là rất cao, thậm chí lây lan ra các tỉnh lân cận do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt.
Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ lây nhiễm ra nơi làm việc văn phòng, môi trường kín và các khu công nghiệp cũng rất cao. Trong thực tế, thành phố vừa qua ghi nhận 2 ca làm việc ở Khu công nghiệp Tân Bình và Tây Bắc Củ Chi, nên nguy cơ lây lan rất cao.
Do đó, ngoài việc tăng cường quản lý các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, tăng cường nhận thức người dân, khai báo y tế chặt chẽ đặc biệt là khu công nghiệp, ông Phong cho biết TP.HCM cũng yêu cầu doanh nghiệp chủ động điều chỉnh việc vận hành sản xuất, có phương án phòng dịch cụ thể. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh.
"Phát huy mạnh mẽ vai trò tổ COVID-19 cộng đồng, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, rút giấy phép những cơ sở lưu trú cho đối tượng nhập cảnh trái phép lưu trú..." - ông Phong nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Chu Ngọc Anh - chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết hơn 10 chùm ca bệnh xuất hiện từ đầu tháng 5 cơ bản đã được kiểm soát và làm sạch.
Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp, kiểm soát chặt chẽ người ra vào các công sở, tăng cường hội nghị trực tuyến, kiểm soát công nhân từ nơi sản xuất tới nơi lưu trú, phát huy vai trò các tổ COVID-19 cộng đồng, xử phạt hơn 4.000 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền 7,2 tỉ đồng...
Theo ông Chu Ngọc Anh, bài học kinh nghiệm cho thấy là phải huy động tổng lực cả hệ thống chính trị vào cuộc, giao trách nhiệm tới tận bí thư chi bộ, tổ dân phố. Khi có ca mắc sẽ kích hoạt toàn bộ lực lượng chống dịch theo công thức "48 giờ vàng" để truy vết F0.
"Phải thực hiện triệt để nguyên tắc khoanh vùng hẹp, quản lý chặt, xét nghiệm rộng và phải phát huy vai trò của cơ sở, của tổ COVID-19 cộng đồng; thực hiện "3 trước" - đánh giá tình hình trước, chuẩn bị phương án, kịch bản trước, phát hiện và hành động trước…" - ông Anh cho biết.
Đã ký và được cam kết hơn 100 triệu liều vắc xin
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Long - bộ trưởng Bộ Y tế - cho hay đợt dịch lần này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái, đa chủng lây nhiễm, virus lây lan nhanh theo cấp số nhân, triệu chứng có dấu hiệu tăng nặng.
Khẳng định Bắc Giang có thể kiểm soát tình hình song ông Long cho rằng không thể trong thời gian ngắn, trong khi ở Bắc Ninh tình hình lây nhiễm có xu hướng phức tạp.
Đặc biệt, Hà Nội và TP.HCM ghi nhận các chùm ca bệnh cộng đồng nhưng các địa phương đang triển khai giải pháp bài bản để kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, ông Long cũng nhấn mạnh là đã xây dựng kịch bản ứng phó việc lây nhiễm trong khu công nghiệp, giãn cách sản xuất và quản lý công nhân, xét nghiệm sàng lọc thường xuyên.
Do đó, ông Long đề nghị Chính phủ có chỉ đạo biện pháp giám sát người đến từ những địa phương đang có nhiều ca bệnh trong cộng đồng để kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây lan nguồn bệnh.
Cũng theo ông Long, tình trạng khan hiếm vắc xin trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bộ Y tế đang tìm kiếm tất cả các nguồn, cùng với nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước. Đến nay Việt Nam đã có ký kết, cam kết hơn 100 triệu liều để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và nỗ lực mua thêm 40 triệu liều, trước hết ưu tiên cho Bắc Ninh và Bắc Giang.
Đã bố trí 13.400 tỉ đồng mua vắc xin
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết ngân sách nhà nước đã bố trí 13.400 tỉ đồng cho việc mua vắc xin, trước mắt sẽ huy động ngay 3.000 tỉ đồng từ các nguồn đóng góp.
Để phòng ngừa dịch bệnh từ xa và từ sớm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị bổ sung cho công nhân trong khu công nghiệp vào nhóm ưu tiên tiêm vắc xin, hiện đã xây dựng dự thảo và xin ý kiến các bộ ngành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh cao đẳng và đại học năm 2021 - 2022, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho hay ban hành hướng dẫn cụ thể đối với các học sinh là F0, F1 và F2, đồng thời kiên quyết giữ nguyên ngày thi tốt nghiệp diễn ra trong hai ngày 7 và 8-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận