09/07/2011 06:08 GMT+7

Hướng đến một kỳ thi quốc gia

HOANG LONG
HOANG LONG

TT - Câu chuyện đổi mới kỳ thi đại học do tác giả Đoàn Lê Giang đặt ra trên số báo ngày 6-7 tiếp tục nhận được sự quan tâm, thảo luận của bạn đọc. Ngoài việc đồng ý chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia, nhiều bạn đọc cho rằng kỳ thi hiện tại vẫn hiệu quả.

Tuyển sinh: quá sức chịu đựng của xã hộiCó cần phải như thế không?

14STeZXH.jpgPhóng to

Thí sinh dự thi vào Trường đại học Tài chính - marketing xem sơ đồ phòng thi tại hội đồng thi Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh, TP.HCM (ảnh chụp sáng 8-7) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Đánh giá đúng kỹ năng học tập

Tôi đồng ý hai kỳ thi là quá thừa thãi. Cần một kỳ thi chung, chuẩn hóa để đánh giá công bằng năng lực học tập của học sinh. Thi đại học hiện nay thật là phí phạm khi không kiểm tra được năng lực học tập của học sinh mà kiểm tra mức độ siêu máy móc và trình độ học thuộc lòng của các em. Hãy xem kỳ thi SAT của Mỹ, đó là một kỳ thi đại học nhưng không hề kiểm tra các môn học chuyên sâu như ta mà dùng các môn toán, đọc và viết để tạo cơ hội cho học sinh thể hiện kỹ năng suy luận và tiếp cận thông tin.

Thử hỏi liệu có học sinh nào có kỹ năng đọc nhanh, viết một bài luận hợp lý và chặt chẽ không? Theo tôi thì không. Tôi chưa từng được ai dạy cách đọc nhanh, đọc một cách chủ động. Viết luận ngắn thì có được dạy đấy nhưng chỉ qua loa. Có thể cho rằng như vậy sẽ không thể hiện được niềm đam mê của học sinh với từng môn học. Không, ở Mỹ có kỳ thi SAT II để kiểm tra từng môn nhưng “không bắt buộc”.

Tôi không đề cao nước Mỹ mà hạ thấp nước mình, tôi chỉ lấy làm ví dụ vì sao họ không kiểm tra các kỹ năng làm bài như ta. Tóm lại, tôi nghĩ cần cắt bớt một kỳ thi và chỉnh lại nội dung thi sao cho kiểm tra đúng kỹ năng học tập đại học của thí sinh. Như vậy sẽ giảm nhẹ hơn, bớt căng thẳng hơn và đánh giá đúng thí sinh đó có thể học tốt ở đại học hay không.

Sàng lọc kỹ hơn ở đại học

Tôi cho rằng kỳ thi đại học vẫn phải giữ mới đánh giá được chất lượng của học sinh vào trường đại học. Thứ hai, sinh viên vào trường cần phải đào tạo sâu về tiếng Anh ngay năm đầu tiên, sau đó có một kỳ thi sàng lọc sinh viên ở giai đoạn này. Năm thứ 2 ngoài học các môn học đại cương cũng vẫn đẩy mạnh tiếng Anh và có một kỳ thi tiếng Anh nữa để sàng lọc. Sinh viên đạt yêu cầu, nhất là tiếng Anh, được học tiếp năm 3. Từ đó dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh.

Khi đó tôi đảm bảo sinh viên ra trường là những người có trình độ, đủ khả năng bắt kịp và hội nhập với trình độ của các nước phát triển.

Thi cử ở châu Âu khá nhẹ nhàng

Tôi hiện sống ở CHLB Đức, là giáo viên dạy tiếng Việt cho học sinh tại trường phổ thông. Tôi nhận thấy việc giáo dục và học tập ở đây rất đáng để ngành giáo dục tại Việt Nam tham khảo.

Những ngày thi tốt nghiệp được tổ chức ngay tại các trường phổ thông mà học sinh học tập rất nhẹ nhàng. Các phòng thi đơn giản được ngăn lại bằng một dải giấy mỏng manh “Tại đây đang thi tốt nghiệp, đề nghị giữ trật tự”. Tất cả hoạt động của trường vẫn diễn ra bình thường, các lớp dưới vẫn học đều đặn và vui chơi tại phòng bên cạnh... Với kết quả thi tốt nghiệp, học sinh sẽ đi học đại học ngành phù hợp hoặc học nghề theo ước vọng...

Hoàn tất năm học là cấp bằng

Tôi cho rằng có thể áp dụng như học sinh lớp 9, khi học sinh hoàn tất năm học, nhà trường cần cấp cho các em bằng tốt nghiệp hay giấy chứng nhận hoàn thành xong chương trình phổ thông. Tiếp đó sẽ tổ chức 1-2 kỳ thi, nội dung mỗi đợt gồm sáu môn như thi tốt nghiệp. Công tác tổ chức giống thi đại học, phải nghiêm túc và đảm bảo tính công bằng. Căn cứ vào điểm đạt được, học sinh nộp đơn vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề.

Thật xót xa cho con

Con tôi năm nay thi vào Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM. Trong quá trình ôn thi tốt nghiệp, cháu đã cố gắng đều sáu môn thi và đạt kết quả tổng điểm 48, trong đó môn toán đạt điểm 10. Thật lòng tôi rất hi vọng cháu sẽ đậu kỳ thi đại học này. Nhưng sau năm giờ ngồi ngoài nắng trước cổng trường thi chờ con, trong lòng ngổn ngang trăm mối, khi bước ra khỏi phòng thi gương mặt cháu gần như vô hồn. Nhìn con, tôi vô cùng đau xót khi cháu báo kết quả làm bài không như mong muốn.

Suốt buổi trưa đó, tôi bần thần nhưng vẫn phải cố gắng làm ra vẻ bình tĩnh để động viên con cho buổi chiều thi môn lý. Thương và xót xa cho con, bản thân tôi cũng mất ăn mất ngủ suốt thời gian qua và có thể sẽ tiếp diễn từ nay cho đến ngày có kết quả trong tháng 8. Có những lúc trong khi làm việc tôi cũng mất tập trung vì mãi suy nghĩ cho kết quả thi và tương lai của con.

Đau xót nhất khi nghe con hỏi: “Nếu con không đạt, ba đừng buồn nha vì con đã cố gắng hết khả năng của con rồi. Ba có cách gì cứu con để được tiếp tục đi học không ba?...”.

HOANG LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên