Khi hướng dẫn viên nói xấu đồng bàoHướng dẫn du lịch: mướt mồ hôi theo những chuyến đi
Theo bạn, hướng dẫn viên du lịch có nên so sánh "nước người", "nước ta", có nên chỉ ra những "thói quen xấu" của người Việt ngay trước mặt du khách Việt, việc chỉ ra những điều ấy có mang lại giá trị tốt đẹp nào? Có hợp lý không khi "quy nạp" việc so sánh "người - ta" là không yêu nước, không biết tự hào dân tộc?
Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc trao đổi về những vấn đề trên và theo dõi các ý kiến bên dưới:
Phóng to |
Giờ làm việc của một hướng dẫn viên du lịch - Ảnh: Hà Bình |
Tự hào dân tộc ai chẳng có nhưng tự hào về cái gì? Tự hào về những cái hay, cái đẹp, cái hào hùng của dân tộc chứ có phải là tự hào về những thói hư tật xấu?
Hướng dẫn viên nói như thế để mỗi người khách ý thức được sự văn minh lịch sự tối thiểu cần phải có. Ở nước ta, tình trạng "biết rồi, khổ lắm nói mãi" rất phổ biến, nhưng có nói mãi cũng chẳng thấy tiến bộ lên tí nào.
Hướng dẫn viên là người làm trong ngành văn hóa nên họ luôn có nhiệm vụ đánh thức, cảnh tỉnh những người thiếu văn hóa, hoặc văn hóa kém để những người này có ý thức hơn, bảo vệ hình ảnh tốt đẹp của người Việt Nam trong mắt các bạn nước ngoài. Chứ họ không hề nhục mạ người Việt Nam, không hề "nói xấu đồng bào".
Khác chăng là cách nói và ngữ âm dùng trong câu nói đó. Tôi là một hướng dẫn viên, tôi thấy quá bức xúc khi đọc bài báo Khi hướng dẫn viên nói xấu đồng bào. Tác giả nên xem lại cách hành văn để tránh gây ra những hiểu nhầm cơ bản như thế.
Tôi từng đi du lịch và từng nghe những hướng dẫn viên du lịch có những phát ngôn tương tự. Cảm giác của tôi là khó chịu và không đồng tình cho lắm. Đành rằng Việt Nam mình còn nhiều vấn đề bất cập, do phong tục, thói quen, đời sống khó khăn..., nhưng không phải là cái để đưa ra so sánh, mỉa mai, châm biếm.
Hướng dẫn viên chỉ có trách nhiệm giới thiệu cho du khách những điều cần thiết cho một chuyến tham quan, không yêu cầu họ phải so sánh này so sánh nọ nếu có sự đụng chạm. Nói xấu quê hương mình, gia đình mình, thậm chí ba mẹ mình, thật chẳng hay ho gì.
Yêu quê hương đất nước không có nghĩa là lúc nào cũng phải nói đất nước ta cái gì cũng đẹp, cái gì cũng tốt nhất. Tôi thấy hướng dẫn viên này nói không có gì sai, thậm chí rất chính xác nữa.
Mặt khác, nếu anh ta nói mà không có sự so sánh để người nghe thấy cái hay, cái đẹp của nơi họ đang tham quan, thưởng ngoạn đó đến mức độ nào thì có khác nào anh ta nói một cách rất mơ hồ, cụt lủn và nhạt nhẽo?
Còn nói theo kiểu "phải có tính xây dựng", tích cực, là nên thế này, nên thế kia... như bạn nào đấy góp ý, tôi nghĩ chỉ phù hợp trong điều kiện ta nói với bạn bè, người thân, đồng nghiệp... trong một số điều kiện nhất định.
Trong trường hợp này e là không phù hợp tí nào, nếu không muốn nói là ngây thơ, lố bịch. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, dám đối diện với thói hư tật xấu của chính bản thân thì mới mong có ngày cải thiện, xã hội theo đó mà dần văn minh hơn, hiện đại hơn!
Thuốc đắng dã tật Tôi có thể hiểu được tâm trạng của những hướng dẫn viên như vậy. Chúng ta nên nhớ rằng "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng". Hãy can đảm nhìn vào sự thật thì mới có cơ hội để thay đổi. Quan trọng là nói thế nào để có sự thay đổi mà thôi. |
Tôi thấy hướng dẫn viên so sánh như thế là chính xác, đâu phải bóp méo sự thật. Tuy nhiên với vai trò hướng dẫn viên du lịch thì cũng nên hạn chế nói nhiều về vấn đề này, vì phần lớn khách du lịch cần không khí tích cực và vui vẻ hơn là các thông tin tiêu cực như thế.
Tôi cũng chán ngán với ý kiến của ông Bình, tại sao ông ấy không ý thức theo hướng tích cực hơn là cần phải đào tạo, hỗ trợ hướng dẫn các hướng dẫn viên nâng cao nghiệp vụ thuyết minh du lịch, hơn là hành động "tước thẻ hành nghề" vì thật ra đây chỉ là thói quen được nhận thức hay bất mãn với sự thật diễn ra trước mắt hằng ngày.
Việt Nam đúng là có những cái chưa hay, còn đó những điều đáng trăn trở nhất là vấn đề môi trường. Vấn đề này xuất phát phần lớn từ ý thức của người dân. Nhưng không vì thế mà hướng dẫn viên lại cứ nói hết những điều trăn trở ấy với du khách. Nên nói những điều mình suy nghĩ chứ đừng nói hết những gì mình đã nghĩ.
Để đem hình ảnh một nước Việt Nam thân thiện đến bạn bè năm châu thì cần lắm bàn tay, khối óc của nhiều người trong đó có cả những hướng dẫn viên du lịch. Tôi nghĩ không khó lắm để nói cái hay ở Việt Nam, điều này tùy thuộc vào khả năng của hướng dẫn viên.
Vì vậy, ngoài việc đào tạo hướng dẫn viên du lịch, nhà quản lý cần thường xuyên kiểm tra và có biện pháp với hướng dẫn viên vi phạm.
Phóng toHướng dẫn viên hướng dẫn du khách tàu Princess Cruises của Công ty Viet Excursions tham quan TP.HCM - Ảnh: Lê Nam (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Hướng dẫn viên nói thế là không nên, cho dù điều họ nói là sự thật. Nếu họ có trình độ thì sẽ lèo lái câu chuyện sao cho tích cực và dễ chịu. Tuy nhiên, không nên lên án họ quá nặng vì người Việt Nam có quá nhiều điều dở, tôi luôn cảm thấy khó chịu về những thói hư tật xấu và tầm nhận thức của một bộ phận người dân ở Việt Nam.
Tôi đã thay đổi nhà ở ba lần, cả ba khu phố đều gặp phải những hàng xóm vô ý thức: đẩy rác qua nhà người khác, thả chó phóng uế nhà người khác, nói tục chửi thề, đậu xe tùy tiện... đã vậy mà còn hung hăng lớn lối. Những người hàng xóm lịch sự thì im hơi lặng tiếng, họ không dám đấu tranh, tôi thì đấu tranh và thấy mình lạc lõng, vì cơ quan chức năng còn không thèm màng tới thì ai mà để tâm giải quyết chứ. Bạn bè tôi cũng kể khu phố họ ở cũng y như thế. Nếu có những hướng dẫn viên kể xấu như thế thì cũng là điều dễ hiểu, vì đâu phải ai cũng có cái tâm thông cảm cho cái xấu.
Yêu nước không có nghĩa là yêu luôn cái xấu
Tôi thấy tác giả bài này nhìn sự việc một chiều và thiếu khách quan. Phải nói rằng người Việt ngày càng chứng tỏ mình rất "lạc hậu" với thế giới. Theo bạn thì do đâu? Tôi nghĩ đó là do giáo dục! Cứ nhìn xã hội mình một cách khách quan thì sẽ thấy.
Điều đó là sự thật, không phải là "nói xấu"
Tôi đã đọc bài viết của Thảo Phương và không đồng ý với cách đặt vấn đề "Hướng dẫn viên nói xấu đồng bào". "Nói xấu" tức là từ một chuyện tốt nhưng do động cơ nào đó, người nói cố tình biến chuyện ấy thành chuyện xấu để rồi đi bêu rếu, lăng mạ. Nhưng rõ ràng ở đây, ba câu chuyện mà hướng dẫn viên du lịch lấy làm ví dụ để so sánh là những câu chuyện không sai sự thật.
Chuyện cầu đường kém chất lượng, đi bị dằn xóc mạnh là chuyện ai cũng biết rồi, nhưng khổ lắm nói mãi. Chuyện người Việt Nam đi xem hàng hóa trong siêu thị nhưng không mấy ai mua là chuyện phổ biến, vì làm sao mua được khi mà túi tiền không đủ để xa xỉ. Mà ngay chính tác giả bài viết cũng đã tự kết luận rồi đấy thôi: "Đất nước vẫn còn muôn vàn khó khăn, người dân phần lớn vẫn còn nghèo" thì chuyện đi xem mà không mua là chuyện bình thường, không có gì phải xấu hổ cả! Còn câu chuyện thứ 3, ý thức người dân về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng kém là chuyện xảy ra hằng ngày. "Nhìn quanh quất không thấy ai là alê vứt" hoàn toàn là sự thật, không thể chối cãi được. Cả ba câu chuyện trên đều có thật, hướng dẫn viên không thêm không bớt tí nào cả, vậy thì tại sao tác giả lại gán cho người ta cái tội "nói xấu"?
Vấn đề thứ hai tôi không đồng tình với tác giả, là một người Việt Nam tôi biết rõ đất nước ta còn nghèo, người dân cũng còn khốn khó. Tôi cũng nhìn thấy những thay đổi tích cực trong quá trình xây dựng đất nước hiện nay. Tuy nhiên, không phải vì nghèo mà người ta chấp nhận những con đường dằn xóc đầy ổ gà, ổ voi từ kiểu làm ăn bê bối, ăn bớt ăn xén bêtông từ những công trình kém chất lượng. Không phải vì nghèo mà ta tự ái khi bị người khác nói là không có tiền để mua những thứ xa xỉ, hoặc đắt hơn mua ở quê nhà chỉ vì tiết kiệm đúng chỗ, đúng lúc.
Và điều đáng nói nhất là không thể vì nghèo mà ta dễ dàng cho mình cái quyền không cần ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, muốn vứt rác ở đâu thì vứt. Tất cả những việc này không liên quan gì đến chuyện giàu nghèo, mà liên quan đến ý thức của mỗi người trong xã hội. Vì vậy, ngoài cái nghèo ra thì ta không có gì thua kém các nước khác, từ trí tuệ, tài nguyên, lòng yêu nước, tinh thần vượt khó... Thế thì tại sao tác giả lại bảo là so sánh "khập khiễng" được?
Đọc những câu chuyện dẫn chứng về sự so sánh của hướng dẫn viên trong bài viết, tôi thấy họ đâu có ý so sánh nền kinh tế nước ta với các nước có nền kinh tế mạnh hơn? Ở đây chỉ là sự so sánh về ý thức, và hướng dẫn viên là người Việt, nói bằng tiếng Việt với người Việt cùng đi trong đoàn về những điều còn chưa tốt, chưa làm được, có nghĩa là "người nhà nói với người nhà" thì làm sao lại có thể hiểu theo cách "nói xấu đồng bào"? So sánh với chính mình để rồi bắt chước những cái hay, cái tốt của người ta là chuyện nên làm.
Ông bà ta nói "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Đi du lịch để nhìn, để thấy và để tự so sánh với bản thân mình, từ đó nỗ lực hơn, cố gắng hơn trong cuộc sống, trong công việc, đó là việc làm đúng. Hướng dẫn viên ăn nói ngây ngô về lịch sử đất nước, hoặc phát ngôn linh tinh với người nước ngoài khiến họ có suy nghĩ méo mó, lệch lạc về Việt Nam thì mới là đáng trách. Chứ còn người Việt Nam quá hiểu về những hạn chế và tồn tại ở đất nước mình thì hướng dẫn viên cũng có thể chia sẻ cảm xúc của một "đồng bào" về những điều băn khoăn, trăn trở khi thường xuyên dẫn khách đi du lịch các nước trên thế giới. Điều đó chắc chắn không thể gọi là "hướng dẫn viên nói xấu đồng bào" rồi. Và tôi tin rằng số người trong đoàn du lịch "có cùng tư tưởng với họ, hưởng ứng theo lời họ" là số đông chứ không phải số ít, vì ai lại không trăn trở trước những thực trạng đáng buồn như vậy.
* Còn bạn có ý kiến như thế nào về vấn đề này? Nếu bạn là hướng dẫn viên, bạn sẽ nói như thế nào trong trường hợp như thế? Hãy gửi ý kiến của bạn về cho chúng tôi trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc qua email tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận