19/10/2008 03:45 GMT+7

Hun Sen, người con của Campuchia - Kỳ 5: Giải phóng Campuchia

HARISH & JULIE MEHTA(LÊ MINH CẨN dịch)
HARISH & JULIE MEHTA(LÊ MINH CẨN dịch)

TT - Mục tiêu ban đầu của Hun Sen là giải phóng Campuchia trong năm năm tới. Hun Sen đã đề xuất với những người đồng hương Campuchia yêu nước thành lập tổ chức chính trị của họ là Mặt trận Giải phóng dân tộc Campuchia vào ngày 2-12-1978 do Heng Samrin làm chủ tịch.

5MuFbmQw.jpgPhóng to
Cùng với lực lượng Cách mạng Campuchia, quân tình nguyện VN tiến vào giải phóng Phnom Penh khỏi chế độ Pol Pot trưa 7-1-1979
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Trong chuyến đi bí mật vào Campuchia tháng 12-1977 và đầu năm 1978, Hun Sen đã mời các cán bộ chỉ huy cao cấp của Khơme Đỏ đào ngũ gia nhập mặt trận của mình.

Cùng đứng lên

Cuộc nổi dậy tự phát do các lực lượng giải phóng và người dân nông thôn đứng lên đã diễn ra ở các vùng miền đông Campuchia. Hun Sen, Heng Samrin và Chea Sim đã nghĩ ra các đường lối quân sự và chính trị cho mặt trận giải phóng tại cuộc họp năm bên nổi dậy. Một trong các cánh được Heng Samrin và Chea Sim lãnh đạo đã tiến hành cuộc nổi dậy bên trong Campuchia. Cánh thứ hai dưới quyền chỉ đạo của Bou Thang đã khởi nghĩa vào năm 1975 ở đông bắc Campuchia. Cánh thứ ba do Pen Sovann lãnh đạo. Cánh thứ tư là các lực lượng mới thành lập của Hun Sen và cánh thứ năm đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Khơme Đỏ ở Thái Lan dưới quyền chỉ huy của Say Phuthang và Tea Banh.

Khi Pol Pot càng đưa ra các đòi hỏi thúc bách tấn công Việt Nam với các cán bộ chỉ huy của ông ta, lần lượt từng cán bộ chỉ huy ở miền đông đã phá bỏ hàng ngũ với ông ta. Lần đầu tiên trong thời điểm đó Hun Sen thấy được khả năng lật đổ Khơme Đỏ trong vòng một năm. Hun Sen nói: “Chúng tôi nghĩ chúng tôi có thể giải phóng Campuchia vào đầu năm 1979”.

Đài phát thanh từ Hà Nội loan báo về việc thành lập của Mặt trận Giải phóng dân tộc Campuchia và cho biết mặt trận này kêu gọi nhân dân Campuchia “đứng lên lật đổ bè lũ Pol Pot - Ieng Sary”. Cuộc tấn công mà Hun Sen trông đợi đã đến. Việt Nam đã phát động một chiến dịch tình nguyện quốc tế giúp Campuchia chống lại Khơme Đỏ. Chế độ Pol Pot sụp đổ diễn ra nhanh chóng hơn mong đợi và thậm chí còn làm Hun Sen phải ngạc nhiên. Trưa 7-1-1979, Phnom Penh được bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng cách mạng Campuchia giải phóng.

Theo các bản tường trình đầu tiên của một cơ quan thông tấn của quân nổi dậy, Sarpordamean Kampuchea (SPK), Phnom Penh đã bị thất thủ mà không có giao tranh. SPK đưa tin “Bè lũ Pol Pot - Ieng Sary độc tài quân phiệt đã hoàn toàn sụp đổ”. Khi toàn bộ đất nước đã được giải phóng, hai chiếc máy bay cất cánh khỏi phi trường Tân Sơn Nhất ở TP.HCM bay thẳng sang phi trường Pochentong ở Phnom Penh. Một trong hai chiếc phi cơ này chở Hun Sen và Chea Sim, còn chiếc kia chở Heng Samrin và Pen Sovann. Tất cả họ đều được chào đón như các vị anh hùng.

Mọi đôi mắt đều đổ dồn về một người đàn ông trẻ có nét mặt tươi tắn ở tuổi ngoài 20: Hun Sen. Ngay sau khi đến Phnom Penh, Hun Sen đã được đưa thẳng từ phi trường tới hoàng cung, trước đây là nơi ở của Sihanouk và hoàng gia. Hun Sen ở lại cung điện này hai tuần trước khi được trao cho dinh thự chính thức. Hun Sen cảm thấy thật buồn khi không gặp được Bun Rany trong số những người chào đón tại phi trường.

Hun Sen kể: “Tôi nghĩ cô ấy đã chết. Bun Rany đã trải qua các giai đoạn khủng khiếp, phải trốn tránh trong các làng mạc, phải thay đổi danh tánh để sống một thân một mình mà không có chồng và không biết chồng còn sống hay chết”. Trong khi đó, Bun Rany và chị dâu của mình đi bằng môtô tới Phnom Penh. Họ phải thay phiên nhau ẵm đứa bé. Sau một ngày một đêm họ đã đến nơi. Hun Sen vô cùng mừng rỡ khi gặp được cô. Nước mắt tràn ra. Bun Rany nói: “Lần đầu tiên con trai tôi gặp cha nó. Nó gọi anh ấy là chú”. Sau gần chín năm xa cách cô không còn muốn gì hơn là được gặp Hun Sen và có được cuộc sống quy củ của một gia đình.

“Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết”

ZgTlGntY.jpgPhóng to
Hun Sen tháng 1-1989

Hun Sen cho biết quân tình nguyện Việt Nam đã đóng vai trò giải phóng Campuchia. Hun Sen nói: “Không có Pol Pot sẽ không có lực lượng vũ trang Việt Nam nào ở Campuchia”. Sau khi Campuchia giải phóng, Việt Nam đã quyết định để bộ đội tình nguyện tiếp tục ở lại Campuchia đề phòng phe Khơme Đỏ quay lại cướp chính quyền.

Hun Sen nói: “Tôi đã nói với họ (Việt Nam) là nếu họ rút quân và Pol Pot quay trở lại thì nhiều người sẽ bị giết. Vào thời điểm đó, các lực lượng của Campuchia không đủ sức chống lại Pol Pot và chúng tôi cần thời gian để củng cố lực lượng và nền kinh tế của mình”.

Hun Sen nói thêm: “Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi yêu cầu họ như thế. Sau đó chúng tôi đồng ý họ thử giảm bớt các lực lượng vào năm 1982. Chính phủ Việt Nam giảm quân số, còn chúng tôi sẽ tăng lực lượng của mình lên. Tôi vẫn còn nhớ cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao, gồm Campuchia, Lào và Việt Nam ở Hà Nội vào năm 1985, chúng tôi đã đồng ý là các lực lượng bộ đội Việt Nam sẽ rút quân từ 10-15 năm nữa. Nhưng do sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng vũ trang Campuchia và các cuộc đàm phán (hòa bình) giữa Sihanouk và tôi, chúng tôi đã rút các lực lượng bộ đội Việt Nam sớm hơn”.

Hun Sen có đầu óc thực tế về sự cần thiết có bộ đội Việt Nam đóng quân trên đất Campuchia. Họ ở đó để chiến đấu và truy quét Khơme Đỏ. Hun Sen nói: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết”.

Việc rút quân của Việt Nam vào tháng 9-1989 đã trở thành một sự kiện lớn. Nhiều phóng viên hạ trại tại các công viên ở Phnom Penh vì một số khách sạn đã hết phòng. Các tờ báo của họ phát hành có hình ảnh bộ đội Việt Nam mỉm cười ngồi trên mui xe tăng bắt đầu chuyển bánh, cho thấy bộ đội Việt Nam thật sự rất phấn khởi trở về sau một thập niên đã đến giúp Campuchia. Có một số chuyên gia Việt Nam ở lại để cố vấn cho Campuchia? Hun Sen cho biết: “Đó là một suy đoán sai lầm. Chúng tôi đã sẵn sàng tự lực. Các cố vấn quân sự, kinh tế và chính trị của Việt Nam đã rút về vào năm 1988 - một năm trước khi rút các lực lượng vũ trang Việt Nam”.

Hun Sen nói: “Vai trò của các cố vấn Việt Nam cũng giống như các cố vấn nước ngoài (trong các đại sứ quán và trong các tổ chức nước ngoài), họ làm việc ở Campuchia tới thập niên 1990. Tôi có cảm tưởng các cố vấn nước ngoài này đã can thiệp vào các công việc nội bộ của Campuchia nhiều hơn so với các cố vấn Việt Nam. Các cố vấn Việt Nam chỉ đồng ý giúp chúng tôi ý kiến và để người Campuchia tự đưa ra các quyết định”.

Giống như nhiều nhà lãnh đạo châu Á, Hun Sen không thể chịu để các chính phủ phương Tây và các chuyên gia khu vực lên lớp ông. Người ta suy đoán rằng Việt Nam đã lấy đi nguồn tài nguyên thiên nhiên của Campuchia trị giá hàng triệu đôla, đã lấy gỗ be và cao su trong thời gian lưu lại đất nước này. Hun Sen bác bỏ luận điệu đó. Hun Sen nói: “Điều đó không đúng. Mậu dịch giữa các quốc gia là chuyện bình thường. Việt Nam có thể mua gỗ be và cao su của Campuchia với giá tương đương các nước khác đã mua loại hàng hóa này của chúng tôi”.

__________________

Người du kích Hun Sen từ đó bắt đầu bước vào vai trò chính trị. Đường lên đỉnh cao quyền lực thật chông gai: thất bại trong bầu cử, một cuộc giao tranh trên đường phố.

Kỳ tới:Con đường đi lên

HARISH & JULIE MEHTA(LÊ MINH CẨN dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên