Ngày nay làng nghề bột gạo ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp tập trung ở xã Tân Phú Đông và phường 2 dọc theo sông Ngã Bát.
Người dân làng nghề cho biết nước từ sông này làm ra bột gạo có độ trắng mịn vào loại tốt nhất, từ bột người dân làm ra những sợi hủ tiếu thủ công uốn vào khuôn rồi đem phơi nắng dọc bờ sông.
Với công thức gia truyền kế thừa qua nhiều thế hệ cùng loại bột gạo đặc biệt được sản xuất từ làng bột mà sợi bánh hủ tiếu Sa Đéc có độ mềm và dai vừa phải, không có mùi chua và trụng vào nước sôi không bị bở.
Để tạo được độ dai và mềm đặc trưng thì khâu pha bột, tráng bánh và phơi nắng cũng có tay nghề riêng.
Món hủ tiếu Sa Đéc ngoài chế biến theo thông thường với nước xúp xương heo hầm nhiều giờ kèm topping như sườn heo, lòng heo, hải sản còn có hủ tiếu khô ăn với nước xốt và nước xúp.
Món hủ tiếu khô bắt nguồn từ Campuchia, người dân trong quá trình di cư về sống ở Sa Đéc dần biến tấu theo khẩu vị quê mình.
Cho nên ngoài món hủ tiếu nước thông thường thì hủ tiếu khô lại có hương vị độc đáo riêng với nước xốt sền sệt, vị mặn ngọt vừa phải ăn kèm với nước tương khiến thực khách đến Sa Đéc muốn ăn thử dù chỉ một lần.
Sa Đéc có nhiều quán hủ tiếu nổi tiếng như Bà Sẩm, tiệm Gù Điện Lực, Chị Dậu... Riêng món hủ tiếu khô, khách có thể ăn tại quán hủ tiếu Phú Thành (đường Trần Hưng Đạo, phường 2) hay quán hủ tiếu Cô Liên (đường Trần Phú, phường 1).
Với mức giá trung bình 25.000 - 35.000 đồng/tô tùy quán ăn và tùy topping mà thực khách lựa chọn.
Hủ tiếu Sa Đéc đã được bình chọn top 100 món đặc sản và top 100 quà tặng Việt Nam là điều tự hào của người dân Sa Đéc nói riêng và người Đồng Tháp nói chung, đến nay hương vị và thương hiệu vươn xa ra nhiều tỉnh thành cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận