02/12/2015 17:09 GMT+7

Hợp tác khoa học và công nghệ Mỹ - Việt, mở đường TPP

HIẾU TRUNG - HỒNG NHUNG
HIẾU TRUNG - HỒNG NHUNG

TTO - Đó là khẳng định của đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và ông Jonathan Margolis, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về khoa học, vũ trụ và y tế, trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

Đại sứ Mỹ Ted Osius

Ông nói với Tuổi Trẻ bên lề lễ khai mạc khóa họp lần thứ 9 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Mỹ (JCM9), ngày 2-12.

Hai nước thống nhất tập trung thảo luận các đề tài khoa học y tế và sức khỏe, nông nghiệp, trao đổi giáo dục và nghiên cứu, khoa học bảo tồn và môi trường, khí tượng thủy văn và cảnh báo bão…

Đại sứ Ted Osius khẳng định hợp tác về khoa học và công nghệ Việt Nam - Mỹ chính thức bắt đầu từ năm 2000, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Việt Nam và đến nay đã đạt nhiều thành tựu.

Phó trợ lý ngoại trưởng Jonathan Margolis cho biết cả Mỹ và Việt Nam đều quan tâm đến thương mại hóa các ý tưởng đột phá. Theo ông Margolis, Mỹ nổi tiếng về hệ sinh thái sáng tạo nhưng hơn phân nửa các công ty khởi nghiệp ở Mỹ không phải là của công dân Mỹ. Do đó, Mỹ rất mong muốn hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực công nghệ.

Trong khóa họp lần này có 40 thành viên là các chuyên gia và có 10 đại diện đến từ các trường ĐH Mỹ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để tìm kiếm và thương mại hóa các ý tưởng từ các phòng thí nghiệm.

“Xây dựng mối quan hệ giữa các trường đại học sẽ giúp xây dựng hệ sinh thái sáng tạo” - phó trợ lý ngoại trưởng Margolis khẳng định.

Ngày 3-12 sẽ diễn ra hội thảo “Hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam - Mỹ: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua nghiên cứu và đổi mới sáng tạo”. Sau đó, đoàn công tác Mỹ sẽ làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM và Khu công nghệ cao TP.HCM.

* Xin các ngài đánh giá các kết quả trong hợp tác khoa học công nghệ Việt - Mỹ?

Đại sứ Ted Osius: Tôi đã tham gia hoạt động hợp tác khoa học - công nghệ giữa Mỹ và Việt Nam suốt 15 năm qua. Hai nước chúng ta đã đạt được tiến bộ lớn trong rất nhiều lĩnh vực. Năm ngoái chúng ta ký hiệp định hạt nhân dân sự, một cột mốc lớn.

Nhưng chúng ta còn hợp tác trong lĩnh vực phát triển nền kinh tế ít khí thải, thích nghi với biến đổi khí hậu, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo thông qua nỗ lực thúc đẩy khoa học kỹ thuật để hỗ trợ giáo dục và đào tạo, kinh doanh…

Chúng ta hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các trường đại học, trao đổi học giả, y tế, nông nghiệp và mới đây là không gian, đa dạng hóa sinh học, chống buôn lậu động thực vật hoang dã.

Phó trợ lý ngoại trưởng Jonathan Margolis: Sự hợp tác được thúc đẩy bởi chính các nhà khoa học ở Mỹ và Việt Nam. Họ đang phối hợp chặt chẽ trong các nghiên cứu hiện đại, đặc biệt là nghiên cứu hệ sinh thái độc đáo của Việt Nam.

Hai nước cũng hợp tác rất chặt chẽ trên lĩnh vực nghiên cứu bệnh không truyền nhiễm như ung thư và cúm gia cầm. Đây là những căn bệnh không chỉ đe dọa Mỹ và Việt Nam mà toàn cầu, do đó sự hợp tác không chỉ có lợi cho hai nước mà còn cả thế giới.

Phó trợ lý ngoại trưởng Jonathan Margolis

* Tác động của hợp tác khoa học công nghệ Việt - Mỹ với nền kinh tế Việt Nam?

Đại sứ Ted Osius: Hợp tác khoa học công nghệ Việt Nam và Mỹ chính thức bắt đầu từ 15 năm trước, nhưng các hoạt động hợp tác đã diễn ra từ 20 năm trước, thậm chí trước thời điểm bình thường hóa quan hệ.

Nếu không có hợp tác về khoa học công nghệ trong những năm qua thì chắc chắn chúng ta sẽ không thể trở thành đối tác trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhờ xây dựng được lòng tin trong hợp tác khoa học công nghệ, môi trường và y tế, hai nước đã vượt qua được các rào cản để thành lập TPP. Theo ước tính, TTP sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam 7%, thương mại 33%.

Phó trợ lý ngoại trưởng Jonathan Margolis: JCM không chỉ tạo điều kiện cho chính phủ hai nước đối thoại, tăng cường quan hệ mà còn giúp thành lập mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và Mỹ.

Ở Mỹ, các sáng tạo khoa học công nghệ được thực hiện trong phòng thí nghiệm, trường đại học trước khi được thương mại hóa. Điều đó diễn ra nhờ mạng lưới hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khối doanh nghiệp tư nhân, xuất phát từ mối quan hệ của các nhà sáng chế.

Nếu có thêm nhiều nhà nghiên cứu Mỹ quen biết với các nhà nghiên cứu Việt Nam, sự hợp tác giữa hai nước càng phát triển. Hai nước đối thoại là điều cần thiết, nhưng quan trọng hơn là sau các cuộc họp các nhà nghiên cứu tiếp tục làm việc với nhau, xây dựng hệ sinh thái hợp tác khoa học kỹ thuật, để cộng đồng khoa học Việt Nam không chỉ đạt tiến bộ về nghiên cứu mà còn thương mại hóa các sáng chế.

* Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu. Mỹ đã có sự hỗ trợ gì cho Việt Nam để chống biến đổi khí hậu?

Đại sứ Ted Osius: Chúng tôi có các cơ chế hợp tác trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là chương trình rừng và đồng bằng tại Việt Nam giúp người dân ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu. USAID có chương trình lớn ở nhiều tỉnh thành cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam.

Chúng tôi còn có chiến lược đối tác phát triển khí thải thấp, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển xanh hơn. JCM đã đưa các nhà khoa học hai nước đến với nhau để nghiên cứu cách thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu.

Chúng tôi còn có dự án lập Bảo tàng khoa học tự nhiên đồng bằng sông Cửu Long. Đây sẽ là nơi để các nhà khoa học Việt Nam và Mỹ phối hợp, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu và môi trường tại đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa Việt Nam. Biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long không chỉ tác động tới Việt Nam mà cả thế giới, bởi nhiều quốc gia trên thế giới nhập khẩu gạo Việt Nam.

Phó trợ lý ngoại trưởng Jonathan Margolis: Một vấn đề hợp tác khác trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu giữa hai nước là quan sát hệ thống thời tiết trái đất. Chúng tôi đang thảo luận hợp tác không gian vũ trụ, bao gồm việc khai thác dữ liệu vệ tinh về thời tiết, đại dương, đất liền… về hiện tượng biến đổi khí hậu.

HIẾU TRUNG - HỒNG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên