Truy lùng thuốc “trị ung thư” - Chính trị - Xã hội - Tuổi Trẻ OnlineTranh cãi việc bệnh nhân ung thư dùng thuốc đang thử nghiệm ...Bệnh viện thiếu thuốc hóa trị ung thư - Chính trị - Xã hội - Sống khỏe ...
Phóng to |
Người Trung Quốc đến mua thuốc đặc trị tại các nhà thuốc ở Hong Kong không cần trình đơn thuốc - Ảnh: AFP |
Theo báo Hoa Nam Buổi Sáng, giới chuyên gia y tế Hong Kong cảnh báo nếu cứ để nguồn thuốc chảy về đại lục một cách vô tội vạ, có thể sẽ xảy ra một cuộc “khủng hoảng thuốc đặc trị ung thư” tương tự như cuộc khủng hoảng sữa hồi tháng 3-2013.
Sợ thuốc nội
"Chúng tôi không còn tin vào các nhãn thuốc nội địa (Trung Quốc) sau vụ bê bối sữa melamine hồi năm 2008. Chúng tôi muốn người thân của mình được an toàn" |
Tại một nhà thuốc ở khu thương mại Ming Kok (Hong Kong), ông Lý Kiến Minh đến từ Quảng Châu đang tìm mua thuốc trị ung thư vú Herceptin cho vợ của mình. Ông cho biết phải lặn lội sang Hong Kong vì ở Trung Quốc giá thuốc quá mắc so với túi tiền của gia đình. “Vợ tôi cần sống sót, tôi sang đây mua sẽ tiết kiệm được hơn 8.000 nhân dân tệ (1.280 USD) mỗi chai Herceptin. Nếu mua ở Trung Quốc phải mất hết 24.000 nhân dân tệ (3.939 USD)” - ông Lý cho biết.
Thực tế giá thuốc trị ung thư ở Trung Quốc đang quá cao do giới bác sĩ câu kết với ngành dược gây lũng đoạn giá thuốc trên thị trường. Hiệp hội Y khoa Trung Quốc cho biết 54% bác sĩ ở Trung Quốc thừa nhận đã nhận hoa hồng chiết khấu từ các công ty dược phẩm trong nước để kê đơn với giá cắt cổ. Báo mạng Sina dẫn lời một nhân viên kỹ thuật X-quang giấu tên tại Bệnh viện Bắc Kinh cho biết dù bệnh viện đã cảnh báo giới bác sĩ không nhận hoa hồng nhưng chẳng ai làm theo, bởi đó là nguồn thu lớn ngoài đồng lương còm cõi.
Giới quản lý Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline cũng thừa nhận giá thuốc của tập đoàn này bán ra tại Trung Quốc thường bị nâng thêm 20-30% so với các nước khác, do phải tính cả tiền hối lộ giới bác sĩ cũng như quan chức y tế các bệnh viện ở đây. Theo Thời Báo Hoàn Cầu, chỉ riêng ở thành phố Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến đã có nhân viên ở 72 bệnh viện nhận tiền “lại quả” của các tập đoàn dược phẩm. Và mọi gánh nặng chi phí điều trị, thuốc men đều trút lên người bệnh.
Không chỉ thế, người Trung Quốc giờ đây cũng ít tin tưởng các nhãn hàng trong nước sau hàng loạt bê bối liên quan đến ngành dược phẩm nội địa. Họ vẫn chưa quên được vụ thuốc chống đông máu heparin chứa hoạt chất làm chết và nhiễm bệnh nhiều người hồi năm 2008. Mới đây lại là vụ thuốc nhiễm crom do các công ty dược phẩm vì hám lợi đã dùng gelatin công nghiệp từ phế phẩm da để sản xuất vỏ thuốc.
Theo ông Tạ Hồng Hưng - chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hong Kong, người Trung Quốc còn lo sợ thuốc nội địa không an toàn và có thể bị đóng nhãn sai, kém chất lượng hoặc bị làm giả.
Lén lút mua bán
Cơ quan y tế Hong Kong cho biết chính quyền nơi đây đã tăng cường giám sát nhằm ngăn chặn dòng người Trung Quốc đang muốn lợi dụng hệ thống an sinh y tế của Hong Kong để mua thuốc về bán lại. Mua hoặc bán thuốc đặc trị ung thư mà không xuất trình được đơn thuốc có thể bị phạt 13.000 USD và hai năm tù giam. Năm 2012, đã có 24 trường hợp bị phát hiện và cáo buộc tội mua bán trái phép các loại thuốc này.
Song, hoạt động mua bán bất hợp pháp thuốc đặc trị ung thư, nhất là loại Herceptin 404, vẫn như mạch nước ngầm đang diễn ra khắp Hong Kong. Báo The Standard nhận định rằng có khả năng những đường dây mua bán trái phép đang hình thành giữa Hong Kong và Trung Quốc vì đây là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, trong khi mỗi năm Trung Quốc có 3,12 triệu ca ung thư mới, theo số liệu của Cơ quan Thống kê bệnh ung thư quốc gia.
Chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ bệnh viện của Hong Kong Thôi Tuấn Minh cho biết khách du lịch Trung Quốc đến Hong Kong mua thuốc trị ung thư rất dễ dàng. Các nhà thuốc cũng không đòi người mua phải có đơn thuốc. Ngoài ra, khoảng 90% thuốc đặc trị ở Hong Kong đến tay người tiêu dùng Trung Quốc là do các cư dân Hong Kong nhận trực tiếp từ các bệnh viện hoặc bác sĩ riêng của họ. Đây là đường dây nhập thuốc an toàn hơn, bởi nếu đặt hàng trực tiếp từ các công ty thì họ phải chịu sự giám sát của cơ quan chức năng. “Các nhà thuốc đã thu lợi nhuận rất lớn từ việc bán thuốc điều trị ung thư trái phép này” - báo Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời ông Thôi.
Bắt giữ hơn 1.300 nghi can sản xuất thuốc giả Hãng tin Tân Hoa xã ngày 15-12 cho biết cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ hơn 1.300 nghi can chuyên sản xuất và bán thuốc giả. Bộ Công an Trung Quốc khẳng định đã đóng cửa 140 nhà thuốc và trang web bán dược phẩm trái phép ở 29 tỉnh thành, đồng thời tịch thu khoảng 9 tấn nguyên liệu thô và dược phẩm giả trị giá 2,2 tỉ nhân dân tệ (362,4 triệu USD). Những trang web này chuyên quảng cáo và bán các loại thuốc giả điều trị từ bệnh cảm cúm trẻ em cho tới bệnh tim. Hồi tháng 7-2013, Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm quốc gia Trung Quốc phát động chiến dịch một tháng truy quét nạn buôn bán thuốc trái phép trên toàn quốc. Bắc Kinh từng cam kết quét sạch vấn nạn dược phẩm giả sau khi xảy ra bê bối thuốc chống đông máu bị nhiễm chất heparin làm 149 người Mỹ tử vong năm 2008. Song, Trung Quốc vẫn chưa dẹp được vấn nạn này do các băng nhóm ngày càng hoạt động tinh vi hơn. Số vụ án liên quan sản xuất và bán thuốc giả, thực phẩm độc hại ở Trung Quốc tăng lên từng năm: năm 2012 tăng hơn 8.000 vụ, tăng gấp năm lần so với năm 2011. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận