31/08/2011 08:01 GMT+7

Honda Việt Nam có bị truy thu 3.340 tỉ đồng?

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Trước công văn của Honda VN “kêu cứu” việc có thể bị truy thu trên 3.340 tỉ đồng và cảnh báo sẽ xem xét lại việc đầu tư vào VN nếu bị truy thu, ông Nguyễn Văn Trường - cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội - khẳng định chưa có kế hoạch truy thu Honda VN và giải thích:

E0ZjLBOK.jpgPhóng to
Kiểm tra kỹ thuật trước khi xuất xưởng tại nhà máy ôtô Honda VN - Ảnh: Tri Anh
RaY9UKL3.jpgPhóng to

Dây chuyền lắp ráp xe Honda VN - Ảnh: Tri Anh

- Tháng 7, theo quy trình, chúng tôi có tổ chức kiểm tra sau thông quan Công ty Honda VN. Chính sách thuế hiện nay quy định bộ linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ôtô nếu có đủ độ rời rạc thì áp thuế cho linh kiện (thuế thấp hơn). Nếu độ rời rạc không đáp ứng, tức tính hoàn thiện cao thì áp thuế suất của sản phẩm ôtô nguyên chiếc (cao hơn). Việc này đã áp dụng từ năm 2006 đến nay theo quyết định số 05/2005 của Bộ Khoa học - công nghệ và kết quả kiểm tra tại Honda VN cho thấy nhiều bộ linh kiện đã có độ rời rạc không đúng quy định, phải áp thuế nhập khẩu nguyên chiếc. Chúng tôi chỉ làm đúng quy định.

C4UDOjSh.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Trường - Ảnh: C.V.K.
* Honda VN cho rằng đã có cách hiểu không đúng quy định từ phía Hải quan Hà Nội dẫn đến mức thuế có thể phải truy thu quá lớn, tới hơn 3.340 tỉ đồng? Ông có thể giải thích nguyên nhân cụ thể?

- Nguyên nhân của khoản truy thu là trong các bộ linh kiện nhập khẩu của Honda VN có gắn cả ghế, lốp và vành xe. Nếu theo quyết định 05/2005 của Bộ Khoa học - công nghệ, độ hoàn thiện đó khá cao, không đáp ứng độ rời rạc và phải thu thuế xe nguyên chiếc chứ không phải thuế linh kiện.

Nếu hiểu biết pháp luật VN hơn chỉ cần tháo rời ghế, tựa lưng và vành xe ra trong linh kiện nhập khẩu sẽ không có chuyện truy thu thuế. Chúng tôi sau khi kiểm tra sau thông quan có làm văn bản nêu rõ theo quy định thì mức thuế phải như thế này và cho Honda VN tự tính. Trong văn bản gửi Honda VN, Hải quan Hà Nội nêu rõ Honda VN có thể gửi văn bản đến các cấp có thẩm quyền để đề nghị xem lại quy định tính thuế theo độ rời rạc của linh kiện.

Honda VN đã tự tính và ra mức thuế có khả năng bị truy thu lên tới 3.340 tỉ đồng, tương đương 160 triệu USD và đã gửi văn bản đến Thủ tướng theo đúng khuyến nghị của chúng tôi. Văn bản kiểm tra sau thông quan Honda VN cũng chưa ký. Chúng tôi đã giải thích với Honda VN là chưa có chuyện truy thu ngay tiền thuế mà chỉ yêu cầu cam kết ghi nhận vấn đề để thời gian tới, cơ quan nhà nước quyết định thế nào thì thực hiện như thế.

Chiều 30-8, ông Hideaki Ueno, phó tổng giám đốc Honda VN, cho biết: “Hiện vấn đề này (vụ truy thu thuế 3.340 tỉ đồng - PV) vẫn đang được các cơ quan liên quan kiểm tra và cân nhắc. Vì vậy chúng tôi chưa thể đưa ra ý kiến nào tại thời điểm này. Chúng tôi hi vọng các cơ quan Chính phủ VN sẽ xem xét kỹ lưỡng và đưa ra phương án giải quyết thỏa đáng, giúp không chỉ có Honda VN mà còn nhiều doanh nghiệp ôtô khác yên tâm tiếp tục đầu tư phát triển tại VN”.

T.PHÙNG

* Vậy hướng giải quyết khoản 3.340 tỉ đồng sẽ như thế nào?

- Thật ra vấn đề tính thuế theo độ rời rạc của linh kiện nhập khẩu không chỉ Honda VN vấp phải, mà có tới năm doanh nghiệp lớn cũng “mắc”. Honda VN gặp vấn đề với ghế, lốp, vành xe, còn Ford VN thì độ rời rạc có vấn đề với ghế và ống xả, Toyota VN là vành và lốp cùng một số chủng loại xe, Công ty GM Daewoo là ghế và Hino Motors VN là cabin...

Tôi cho rằng quy định của chúng ta có bất cập và cần có chỉnh sửa. Vấn đề này Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo hải quan các địa phương vẫn tính toán đầy đủ các khoản thuế doanh nghiệp phải nộp theo quy định hiện hành, vẫn cho thông quan và vẫn tính mức thuế theo linh kiện chứ không phải mức cao của nhập khẩu nguyên chiếc.

Mức chênh lệch theo quy định phải truy thu cũng không tiến hành truy thu, không cưỡng chế mà đợi các cơ quan chức năng nghiên cứu lại các quy định để chỉnh sửa. Yêu cầu duy nhất là đề nghị doanh nghiệp cam kết sau này cơ quan chức năng quyết định thế nào thì sẽ tuân thủ như thế.

Hiện Bộ Tài chính đã có văn bản đề xuất Chính phủ sửa đổi lại quy định về thuế nhập khẩu theo mức độ rời rạc của linh kiện cho phù hợp tình hình mới. Vấn đề Honda VN đề nghị thật ra đang được các cơ quan tìm cách giải quyết.

Tất cả phải đợi quyết định của cấp trên, nhưng tôi nghĩ trong bối cảnh hội nhập này khó có thể tiến hành truy thu 3.340 tỉ đồng với Honda VN được. Trong năm năm người ta đã nộp thuế 20.000 tỉ đồng, giờ thu thêm 3.340 tỉ đồng chỉ vì người ta trót lắp luôn ghế, lốp xe vào linh kiện khi nhập khẩu thật ra cũng vô lý.

* Như thế có nghĩa Honda VN đã lo hơi thái quá? Và cũng có yếu tố chưa hiểu nhiều pháp luật VN?

- Quy định của pháp luật là sau khi tiến hành kiểm tra sau thông quan thì sau năm ngày phải có kết luận. Cơ quan được kiểm tra có quyền đồng ý, không đồng ý kết quả kiểm tra, ghi rõ vào và ký. Chúng tôi đã ra kết luận và đề nghị Honda VN ký nhưng họ vẫn chưa ký. Văn bản của Honda VN gửi Thủ tướng cũng nêu “đáng tiếc” với việc truy thu ngược lại cả linh kiện từ năm năm trước. Đó đúng là không hiểu pháp luật VN.

Luật hải quan quy định rõ kiểm tra sau thông quan mà phát hiện vấn đề thì có quyền hồi tố ngược lại năm năm. Tôi nghĩ Honda VN khi tính ra mức thuế 3.340 tỉ đồng là đã quá mất bình tĩnh, trong khi mọi việc mới dừng ở dự thảo văn bản kết luận sau thông quan. Chưa ai nói sẽ truy thu, cưỡng chế thuế với Honda VN cả.

Những vấn đề bất cập chúng tôi cũng nhận thấy nhưng theo quy định của Bộ Tài chính thì vẫn phải ghi lại để đợi cơ quan có thẩm quyền quyết định rồi mới yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.

* Có nghĩa sẽ ít có khả năng truy thu 3.340 tỉ đồng của Honda VN?

- Các cơ quan chức năng VN đã nhận ra vấn đề bất cập của chính sách và chắc sẽ sửa trong nay mai. Với các văn bản của các bộ, ngành tính đến nay, tôi có thể nói ngay rằng sẽ khó có thể xảy ra việc truy thu của Honda VN 3.340 tỉ đồng.

Bộ Tài chính:

Đề nghị sửa quy định, không làm phiền doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về thuế nhập khẩu linh kiện ôtô. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt nguyên tắc xử lý vấn đề các doanh nghiệp như Honda VN nêu là không gây phiền hà cho doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện để sản xuất, lắp ráp ôtô. Linh kiện không đảm bảo độ rời rạc sẽ vẫn nên được tính thuế theo thuế của từng linh kiện nếu tổng giá trị các linh kiện (chưa đảm bảo độ rời rạc) không vượt quá 10% tổng giá trị các linh kiện để sản xuất thành phẩm một ôtô hoàn chỉnh, đồng thời linh kiện đó phải không bao gồm các bộ phận lớn như khung gầm, thân xe, cabin...

Về lâu dài, Bộ Tài chính đề nghị sửa quyết định số 05/2005 của Bộ Khoa học - công nghệ quy định về mức độ rời rạc của linh kiện nhập khẩu theo hướng tham khảo các hiệp hội để điều chỉnh mức rời rạc định kỳ hằng năm cho phù hợp thực tiễn...

Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản truyền đạt kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: đồng ý kiến nghị của Bộ Tài chính.

C.V.K.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên