Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo tại hội nghị sáng 11-12 - Ảnh: Đ.BÌNH
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, sáng 11-12.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã có nhiều đề án, nghị quyết về giảm nghèo trong những năm qua, và xác định giảm nghèo bền vững, hạn chế đói nghèo, tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ cơ bản…
Qua 10 năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm liên tục, nhiều xã nghèo, huyện nghèo được đầu tư, hàng triệu hộ nghèo đã được tiếp cận các dịch vụ xã hội, y tế. Nhiều điển hình cá nhân xin được thoát nghèo, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao trong công tác giảm nghèo.
Theo ông Đào Ngọc Dung, năm 2010 tỉ lệ hộ nghèo cả nước lên tới 14,2%, nhưng đến năm 2015 tỉ lệ hộ nghèo còn 4,25%, tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn 28%, và đã về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ "giảm một nửa số người đói nghèo cùng cực trên toàn thế giới vào năm 2015".
"Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Năm 1993, tỉ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 58,1%; năm 2015: 9,8%; năm 2019: 3,7%; năm 2020, dự kiến còn: 2.7%.
Chỉ tính riêng 2016 - 2019 đã giảm trên 58% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo.
Vẫn theo ông Dung, đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn 3,75%, tính bình quân giai đoạn 2015 - 2019 mỗi năm giảm 1,53%, và ước đến cuối năm 2020 cả nước chỉ còn 2,75% hộ nghèo.
Tuy nhiên, theo ông Dung, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỉ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016 - 2019) bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỉ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm).
Chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhiều nơi tỉ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỉ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2019).
"Chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu theo nghị quyết của Quốc hội đặt ra, nên việc thoát nghèo không bền vững, người dân dễ tái nghèo", ông Dung nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận