![]() |
Để có được chỗ ngồi chưa đến 1m2 bán hàng gia vị, người phụ nữ này trả phí đến 166.000 đồng/ tháng cho ban quản lý chợ Phan Rang. Ảnh: Lê Trường |
Chưa thẩm định mức thu
Hầu hết các hộ kinh doanh ở chợ Phan Rang cho rằng mức giá mặt bằng cho thuê của Vinaconex 17 quá cao. Chị Hồng Diễm, bán rau củ tươi sống, cho biết để thuê sạp hàng 2,25m2, chị phải “nộp” một lần cho chủ đầu tư 24 triệu đồng (thời gian thuê là 23 năm - PV). “Rồi còn thuế má đủ loại nữa, nhưng hàng này thì lời lãi mấy đồng. Chắc trước sau gì rồi cũng nghỉ thôi...”, chị Diễm nói.
Cũng với tâm trạng này, anh Tâm hàng vải lắc đầu ngao ngán: “Xây chợ mới nhưng mưa thì tạt, nắng thì vừa nóng vừa hôi không chịu được. Tụi tui phải trả đến 34 triệu đồng mới có được 3m2 chỗ ngồi để “hưởng” cái hôi, cái nóng như vậy sao? Bà con kiến nghị nhiều lần rồi nhưng chẳng thấy cơ quan nào giải quyết cả!”.
Trước khi đưa vào khai thác chợ Phan Rang, ngày 28-9-2005, UBND tỉnh Ninh Thuận đã làm việc với các đơn vị hữu quan và Công ty Vinaconex 17 để thống nhất phương án cho thuê mặt bằng trong chợ. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo sau khi xây dựng đơn giá mặt bằng từng sạp hàng, Vinaconex 17 phải đưa ra hai hình thức để tiểu thương lựa chọn: trả phí thuê một lần (cho 23 năm) hoặc nhiều lần (tối đa 23 lần, tương ứng mỗi năm một lần).
Thế nhưng Vinaconex 17 buộc các tiểu thương phải trả một lần tiền thuê mặt bằng (với giá 24-34 triệu đồng/sạp hàng). Đối với số hộ kinh doanh không đủ khả năng tài chính, phía chủ đầu tư đã đưa ra ba phương án khác: trả trước 50% còn lại trả dần trong ba năm (mỗi năm một lần); trả trước 25% sau đó trả góp trong năm năm tiếp theo; chỉ cho thuê trong năm năm và phải trả một lần. Cả ba cách cho thuê này đều được chủ đầu tư tính thêm phần lãi suất.
Trước câu hỏi vì sao chủ trương về hai phương án cho thuê mặt bằng chợ của tỉnh không được thực hiện, bà Hoàng Thị Lan, phó giám đốc Vinaconex 17 kiêm trưởng ban quản lý chợ Phan Rang, không có câu trả lời xác đáng.
Sáng 28-8-2006, ông Đỗ Hữu Nghị - phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết từ đầu tháng 10-2005 tỉnh đã giao cho Sở Tài chính thẩm định lại mức thu mặt bằng cho thuê ở chợ Phan Rang nhưng đến nay chưa thấy báo cáo lại!
Phí cao hơn qui định
Khoảng 100 tiểu thương “buôn gánh, bán bưng” không có sạp cố định phải nộp phí mặt bằng mỗi ngày cho ban quản lý chợ là 3.000-5.000 đồng/dành cho những người bán chanh ớt, cau trầu... (với chỗ ngồi chưa đến 1m2) hoặc 10.000 đồng/hàng cá tươi (cũng chỉ với diện tích khoảng 1,5m2).
Trong khi đó, theo quyết định của UBND thị xã Phan Rang - Tháp Chàm (đã được UBND tỉnh thông qua) ngày 24- 2-2006, phí mặt bằng các mặt hàng nói trên tại chợ Phan Rang chỉ ở mức 50.000 đồng/m2/tháng. Như vậy mức phí do ban quản lý chợ Phan Rang thu của những người bán hàng không có sạp cố định cao hơn qui định ít nhất 3-4 lần.
Khi tiếp nhận thông tin này của Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Huệ, phó chủ tịch UBND thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, khẳng định việc đặt ra mức phí trên là không thể chấp nhận được. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra để có hướng chấn chỉnh”, bà Huệ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận