Khi lực lượng Công an nhân dân được tổ chức lại còn ba cấp, công an xã từ bán chuyên trách trở thành chính quy, đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. 

Từ bản làng heo hút đến phố phường đông đúc, bóng dáng người chiến sĩ công an xã vẫn lặng thầm bám địa bàn, gần dân, hiểu dân, góp phần giữ vững an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống.

Tuổi Trẻ Online khởi đăng tuyến bài "Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở", nhằm khắc họa vai trò then chốt của lực lượng công an cơ sở. Bằng sự tận tâm, gần gũi, công an xã thật sự trở thành "điểm tựa bình yên của nhân dân".

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 1.

Giữa biên giới xa xôi, nơi "phên giậu" Tổ quốc, hình ảnh người chiến sĩ công an lặng lẽ vượt núi, băng suối, cùng dân dựng nhà, tuyên truyền pháp luật, vận động từ bỏ tà đạo đã trở nên thân thuộc. Không chỉ giữ gìn an ninh, họ còn là điểm tựa giúp dân an cư, bám bản, xây dựng niềm tin vào Đảng, chính quyền.

Chiều tháng 5, cái nắng như thiêu đốt của vùng cao phủ xuống những triền núi trùng điệp ở xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Trên con đường đất ngoằn ngoèo, lổn nhổn đá sỏi, chiếc xe máy cũ kỹ gằn từng nhịp chật vật vượt dốc, băng suối. Trên yên xe, hai người đàn ông mặc sắc phục công an vẫn cười tươi dù mồ hôi đẫm áo - một hình ảnh không hiếm gặp ở mảnh đất biên cương này.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 2.

Họ là trung tá Trần Trung Hiếu - trưởng Công an xã Trịnh Tường và thiếu tá Lê Đức Thuật - đồng đội thân thiết trong những hành trình đến với từng nóc nhà, bản nhỏ. Với các anh, việc nắm địa bàn không chỉ là nhiệm vụ, mà là thói quen, sự gắn bó.

Từ năm 2018, thực hiện chủ trương của Bộ Công an đưa công an chính quy về xã, những cán bộ vốn quen thuộc với công việc hành chính, hồ sơ, phá án… đã rời văn phòng để về với cơ sở. 

Ở nơi rẻo cao này, các anh không chỉ là người giữ gìn an ninh trật tự, mà còn là người bạn đồng hành trong cuộc sống của bà con.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 3.

Trung tá Hiếu từng là điều tra viên của Công an tỉnh Lào Cai, nay đã gần một năm gắn bó với Trịnh Tường, đây là một bước ngoặt trong hành trình công tác. 

"Khi sống cùng dân, ăn cùng dân, cùng làm với dân, mình mới thực sự thấu hiểu những thiếu thốn, khó khăn của họ để giúp đúng, giúp trúng", trung tá Hiếu chia sẻ.

Xã Trịnh Tường rộng gần 20km², có hơn 7.100 nhân khẩu thuộc năm dân tộc thiểu số khác nhau: Kinh, Giáy, Dao, Mông, Hà Nhì. Mỗi dân tộc là một phong tục, một tiếng nói riêng biệt. 

Nơi đây đường sá gập ghềnh, chia cắt bởi suối sâu, đèo dốc, sóng điện thoại chập chờn, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy, thiếu thốn đủ bề.

Ngôn ngữ bất đồng, điều kiện sống khắc nghiệt, lại thêm sự dè dặt của đồng bào khiến công tác dân vận chưa bao giờ dễ dàng. 

Nhưng rồi những chiến sĩ công an chính quy vẫn lặng lẽ ngày ngày đến từng bản, gõ cửa từng nhà, cắm chốt ở từng điểm nóng, kiên trì tuyên truyền, vận động bằng sự chân tình, lòng kiên nhẫn.

Họ tổ chức những buổi phổ biến pháp luật ngay bên bếp lửa hồng. Họ cùng gùi từng bao xi măng, vác từng viên ngói, san đất, đắp nền với người dân. 

Có những ngày công an xã trở thành "thợ xây", "thợ hồ", "anh nuôi", "người vác hàng", rồi lại quay về làm người giữ gìn an ninh trật tự.

Mỗi một công việc, dù nhỏ, đều góp phần tạo nên sợi dây gắn kết bền chặt với đồng bào. 

Có lẽ vì thế, trong tâm thức của nhiều người dân Trịnh Tường hôm nay hình ảnh cán bộ công an đã vượt khỏi khuôn khổ chức danh, họ như là "người nhà", là "con cháu trong bản".

Tình cảm ấy không thể có được nếu thiếu sự sẻ chia thật lòng, thiếu những lần cùng nhau vượt qua dông bão.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 5.

Thiếu tá Lê Đức Thuật nhớ hồi tháng 9-2024, sau cơn bão Yagi, lũ quét tràn qua Trịnh Tường, cuốn trôi 17 ngôi nhà, làm hàng chục căn khác dột nát, nhiều tuyến đường bị chia cắt hoàn toàn.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 6.

Thiếu tá Lê Đức Thuật thực hiện nhiệm vụ - Ảnh: DANH TRỌNG

Khi lũ lên, không ngại hiểm nguy, anh cùng các chiến sĩ công an xã Trịnh Tường khoác áo mưa đi từng nhà, sơ tán dân đến nơi an toàn. 

Khi nước rút, họ lại đi bộ hàng chục cây số qua bùn đất, núi lở để kiểm tra thiệt hại, lập danh sách hỗ trợ.

Từ tờ mờ sáng đến đêm muộn, không ai nghỉ ngơi. Người lính áo xanh khi ấy là người vận động, người ghi chép, người khảo sát hiện trạng, người vác từng bao gạo, thùng mì tôm đến từng bản.

Ngay sau lũ, thực hiện phong trào "xóa nhà tạm, nhà dột nát" do Bộ Công an phát động, Công an xã Trịnh Tường đã nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, lập danh sách các hộ bị ảnh hưởng nặng nề. 

Họ không chỉ hỗ trợ bà con chuyển đến khu tái định cư, mà còn trực tiếp tham gia tháo dỡ, vận chuyển, cùng dân lao động dựng nhà mới.

Chỉ trong vòng ba tháng, với toàn bộ kinh phí do Bộ Công an vận động tài trợ và hàng ngàn ngày công do lực lượng công an xã và các tổ chức đoàn thể đóng góp, 37 căn nhà kiên cố tại khu tái định cư thôn Bản Lầu đã hoàn thành.

Khu tái định cư hôm nay khoác lên mình một diện mạo mới. Hai dãy nhà song song, mỗi dãy 10 căn hộ quay mặt vào nhau, cùng một dãy nhà 17 căn liền kề dựng sát bên, ngay trên vùng đất trước kia còn hoang vu.

Mỗi căn nhà rộng gần 60m², có bếp, nhà vệ sinh khép kín, chi phí xây dựng khoảng 127 triệu đồng. Ngoài ra, huyện Bát Xát cũng đầu tư hơn 2 tỉ đồng làm hạ tầng: đường, sân bê tông, hệ thống điện, nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 7.

Chiều dần buông, khói lam bảng lảng trên những mái nhà mới khu tái định cư Trịnh Tường, tiếng trẻ con ríu rít nô đùa, tiếng người lớn trò chuyện bên luống rau mới trồng. Một nhịp sống mới đang hồi sinh.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (43 tuổi) - một trong những hộ dân được hỗ trợ nhà mới, chia sẻ trong niềm xúc động: "Trước sống ở Tùng Chỉn, nhà dột nát, đi lại khó khăn, mưa xuống là lo sợ. Giờ ở nhà mới, các chú công an hay ghé thăm hỏi han, an ninh yên tâm lắm. Tôi chỉ mong Nhà nước hỗ trợ thêm mương thoát nước là ổn cả".

Còn chị Tẩn Thu Phương (32 tuổi), mẹ đơn thân có ba con nhỏ, từng phải ở nhờ trường học sau lũ, rưng rưng cho hay nhờ Bộ Công an và các nhà hảo tâm, giờ mẹ con chị có chỗ ở an toàn. 

"Các anh công an xã thường xuyên lui tới hỗ trợ, hỏi thăm, tôi cảm thấy yên tâm hơn để lao động, sản xuất", chị Phương nói.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 8.

Không chỉ dựng nhà, các chiến sĩ công an xã Trịnh Tường còn là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền pháp luật, từ phòng chống tội phạm, chống tàng trữ vũ khí, vận động không sử dụng ma túy, không uống rượu khi lái xe... 

Những buổi họp thôn có mặt công an giờ đây là hình ảnh thân thuộc. Những tờ cam kết giữ gìn an ninh trật tự được người dân tự nguyện ký tên bằng tất cả sự đồng lòng.

Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là một hoạt động an sinh, mà còn là hành trình lan tỏa tình người và trách nhiệm. 

Những mái nhà mới nơi vùng cao không chỉ được xây bằng gạch đá, xi măng, mà được dựng lên từ lòng tận tụy, sự sẻ chia của những người chiến sĩ mang sắc phục màu xanh cỏ úa, bền bỉ cùng dân giữa đại ngàn.

Từ miền núi cao như Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên… đến các vùng đồng bằng trên mọi miền Tổ quốc, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát do Bộ Công an phát động đang lan tỏa mạnh mẽ. 

Từng ngôi nhà mới đã, đang và sẽ được xây dựng như những dấu mốc của sự hồi sinh, tương lai mới cho những gia đình khó khăn. 

Đó không chỉ là chốn che nắng mưa, mà là nền tảng để người dân yên tâm ổn định cuộc sống, vững vàng bám đất, giữ bản.

Giữa nơi biên cương, "phên giậu" Tổ quốc, những căn nhà vững chãi là điểm tựa cho cuộc sống bình yên, là biểu tượng cho tình quân dân gắn bó, "đâu cần công an có, đâu khó có công an".

Bộ Công an cho biết tính từ năm 2021 đến năm 2025, Bộ Công an đã huy động, quyên góp, ủng hộ hơn 870 tỉ đồng và nhiều ngày công giúp nhân dân xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương trên cả nước.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 9.

Xóa nhà tạm là bước đầu để dựng xây một cuộc sống ổn định, nhưng để cuộc sống ấy thực sự bền vững, người chiến sĩ công an còn kiên trì, bền bỉ "xóa" đi những tà thuyết mê tín, từng len lỏi trong bản làng heo hút.

Trên những con đường đất gập ghềnh, giữa những khúc cua cheo leo của núi rừng Tây Bắc, đại úy Phạm Tiến Dũng - phó trưởng Công an xã Xuân Thượng (Bảo Yên, Lào Cai), trung úy Lý Phương Nam - cán bộ công an xã, cùng đồng đội và lực lượng Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Lào Cai ngày ngày xuống cơ sở, bám bản, nắm bắt tình hình, gần dân, hiểu dân.

Ở nơi vùng cao đầy khó khăn này, mỗi chuyến đến với đồng bào như thế là một hành trình "gieo sáng", nhịp cầu kết nối giữa chính quyền với lòng dân. Không kể nắng gió hay địa hình hiểm trở, cán bộ, chiến sĩ vẫn đều đặn có mặt ở từng nếp nhà, từng con suối, bãi nương.

Họ kiên trì gõ cửa từng hộ dân, ngồi bên bếp lửa, cùng chia sẻ, trò chuyện, vận động bà con tránh xa các tệ nạn xã hội, làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt nêu cao cảnh giác trước các tổ chức tôn giáo lạ, các tà đạo chưa được Nhà nước công nhận như Giê Sùa, Bà Cô Dợ…

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 10.

Bước chân quen thuộc của những cán bộ công an dừng lại trước ngôi nhà mới xây nép mình bên triền đồi đất đỏ ở bản 4 Vành, xã Xuân Thượng. Bên trong, Lý Seo Say (29 tuổi) và vợ Giàng Thị Dế (32 tuổi) đang tất bật trộn vữa, láng lại sân nhà trước ngày hoàn thiện.

Vừa thấy bóng dáng các cán bộ công an, anh Say lau vội giọt mồ hôi lăn dài trên trán, niềm nở bắt tay, "cán bộ lại đến thăm nhà đấy à".

Không một lời khách sáo, đại úy Dũng cùng đồng đội liền xắn tay áo, người cầm xẻng, người đẩy xe rùa, cùng gia chủ tiếp tục công việc dang dở. 

Giữa cái oi nồng của nắng rừng tháng 4, mồ hôi thấm đẫm vai áo lính, nhưng tiếng cười, tiếng trò chuyện vẫn rộn rã. Vừa phụ giúp, cán bộ công an vừa tranh thủ động viên, tuyên truyền bà con nâng cao cảnh giác trước các tổ chức tà đạo, củng cố niềm tin vào chính quyền.

Nhớ lại biến cố vào tháng 9-2024, anh Say vẫn không giấu được sự xúc động. Cơn bão Yagi đổ bộ gây sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi toàn bộ căn nhà sàn cũ của vợ chồng. 

Khi đó, giữa mênh mông đổ nát, tưởng như không còn gì để bấu víu, vợ chồng rơi vào cảnh trắng tay. Chính trong lúc gian khó ấy, sự sẻ chia, giúp đỡ kịp thời của chính quyền địa phương và lực lượng công an đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc.

Chính quyền nhanh chóng bố trí cho gia đình anh một mảnh đất mới, an toàn hơn. Cùng với đó, những chiến sĩ công an không chỉ đến để vận động, tuyên truyền mà còn hỗ trợ vật chất, công sức xây dựng ngôi nhà mới an toàn.

"Mỗi viên gạch, mỗi tấm tôn ở đây đều có dấu tay của các anh công an" - anh Say chia sẻ, đôi mắt ánh lên niềm vui khi đứng giữa căn nhà khang trang đang dần hoàn thiện. 

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 11.

Không ngần ngại chia sẻ, anh Say cho biết trước đây cha mẹ và vợ anh từng theo đạo Bà Cô Dợ. Bản thân anh cũng từng tìm hiểu, nhưng cảm thấy những điều rao giảng "khác với kinh thánh, nghe không hiểu, nên tôi không theo, chỉ theo đạo Tin Lành thôi".

Anh Say từng nhiều lần khuyên nhủ người thân: "Mình là người dân Việt Nam thì phải theo đạo chính thống, sống và hành đạo theo pháp luật, không thể làm trái". Dù vậy, những lời khuyên ấy ban đầu không có tác dụng, người thân anh vẫn duy trì niềm tin sai lệch.

Mọi chuyện chỉ thực sự thay đổi khi cán bộ Công an xã Xuân Thượng cùng lực lượng Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Lào Cai trực tiếp đến gặp gỡ, tuyên truyền và phân tích rõ: "Đạo Bà Cô Dợ chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh trật tự".

Những lời lẽ mộc mạc nhưng đầy thuyết phục, cùng thái độ chân thành, gần gũi của người lính công an đã dần làm thay đổi nhận thức của gia đình. Cha mẹ và vợ anh sau đó đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo, trở lại sinh hoạt tín ngưỡng đúng pháp luật.

Chị Giàng Thị Dế - người từng theo đạo Bà Cô Dợ - chia sẻ trước đây cũng tin theo, nhưng sau khi được các anh công an đến tận nơi tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, chị đã từ bỏ.

Giờ đây, khi được sống trong ngôi nhà mới kiên cố, an toàn, được chính quyền, công an hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, vợ chồng chị Dế càng thêm yên tâm bám đất, bám bản lao động sản xuất. 

"Được mọi người quan tâm, giúp đỡ như vậy, vợ chồng tôi rất biết ơn. Giờ chỉ mong làm ăn tốt để có tiền mua sơn, hoàn thiện ngôi nhà mới", chị Dế nói.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 12.

Trên mảnh đất xã Xuân Thượng, những nỗ lực không ngừng của lực lượng công an xã và Phòng An ninh nội địa đã giúp người dân từ bỏ tà đạo, trở lại với tín ngưỡng chính thống, yên tâm lao động, xây dựng cuộc sống ổn định.

Thiếu tá Hoàng Quảng Nam - trưởng Công an xã Xuân Thượng - cho biết qua công tác nắm tình hình tại cơ sở, lực lượng công an phát hiện một số hộ dân trong xã theo đạo Bà Cô Dợ. 

Trước tình hình này, công an xã đã báo cáo, tham mưu công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động đồng bộ. 

Cùng với đó, công an xã luôn duy trì các hoạt động thăm hỏi, tiếp xúc để kịp thời định hướng tư tưởng và hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 13.

Theo thiếu tá Nam, phần lớn những hộ dân này đều có hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhiều người thậm chí không biết chữ. 

Chính sự thiếu hụt về kiến thức và điều kiện kinh tế đã khiến họ dễ dàng bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hoạt động tà đạo. Công an xã đã xác định rõ ràng công tác tuyên truyền không thể tách rời với việc hỗ trợ sinh kế, giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài.

Mặc dù công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn, nhất là khi đạo Bà Cô Dợ chủ yếu phát triển qua mạng xã hội và các nhóm kín, nhưng lực lượng công an vẫn kiên trì tiếp cận từng hộ gia đình, phân tích cho họ thấy sự nguy hiểm tiềm ẩn của tà đạo. 

Chính sự gần gũi, chân thành và thấu hiểu của các chiến sĩ công an đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Thiếu tá Nam nhấn mạnh: "Chúng tôi tiếp cận bà con bằng sự chân thành để họ nhận thấy chính quyền mới là chỗ dựa vững chắc nhất".

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 14.

Thượng tá Giàng Seo Quáng - phó trưởng Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Lào Cai - chia sẻ không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, dân vận, lực lượng công an tỉnh và công an xã còn hỗ trợ bà con thực hiện các mô hình phát triển kinh tế như mô hình chăn nuôi gia cầm sạch, tổ tự quản, tổ camera an ninh, qua đó góp phần nâng cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế tại địa phương.

Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, lực lượng công an đã huy động hàng tỉ đồng để hỗ trợ bà con từ việc xây dựng nhà ở kiên cố đến cung cấp gà giống, thực phẩm trong mùa bão lũ. 

Những nỗ lực này không chỉ giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn thuyết phục họ từ bỏ tà đạo, quay lại với tín ngưỡng chính thống.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 15.

Cuộc chiến chống tà đạo không ồn ào, không súng đạn, nhưng đầy quyết liệt. Mỗi bước chân của cán bộ công an là một nhịp cầu nối lại niềm tin, giúp người dân thoát khỏi mê tín và tin tưởng vào Đảng, Nhà nước - nơi duy nhất bảo đảm cho họ một cuộc sống bình yên và bền vững.

Nội dung: DANH TRỌNG - Trình bày: VÕ TÂN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên