Gian nan xóa nhà trẻ không phép
Xem xét mở rộng các trường mầm non công lập
Đề nghị ngành giáo dục xem xét mở rộng các trường mầm non công lập cho các bé trong độ tuổi được vào học bất kể có hộ khẩu hay không. Các trường tư thục không đảm bảo tiêu chuẩn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành đối với trẻ. Các bậc phụ huynh ai cũng muốn con em mình được học trong các trường công lập, tuy nhiên vì ngành giáo dục chưa đáp ứng được hết nhu cầu nên mới tồn tại các nhóm trẻ tư thục như Phương Anh. Thiết nghĩ xã hội hóa giáo dục là việc nên làm nhưng việc quản lý không tốt đã dẫn đến những hậu quả đau lòng cho các gia đình và xã hội. Mong các nhà quản lý hãy suy nghĩ về tương lai con em VN.
Không ít giáo viên xin nghỉ việc để thành lập trường
Không riêng gì trường hợp này đâu. Cần có sự kiểm tra nghiêm ngặt việc cho phép mở các nhóm lớp mầm non, các trường mầm non tư thục, dân lập toàn thành phố. Nhất là các huyện ngoại thành; phải kiểm tra trách nhiệm của các phòng GD-ĐT khi thẩm định chất lượng từng cơ sở: chất lượng về cơ sở vật chất, chất lượng về nuôi và dạy; phải kiểm tra trách nhiệm của địa phương nơi có trường, có nhóm được phép hoạt động. Vấn đề là giáo dục phải lành mạnh, phải có chất lượng thật. Tại sao hiện nay không ít giáo viên mầm non tự ý xin nghỉ việc để về địa phương xin thành lập trường, nhóm lớp ngoài công lập. Phải chăng đó là lương tâm trách nhiệm của cô nuôi dạy trẻ hay vì lợi ích nào khác!
Đã xử lý mà vẫn dạy chui?
Có nhiều việc liên quan đến trách nhiệm quản lý xã phường, nhiều sự việc mà dân ai cũng biết nhưng vẫn không bị xử lý, đơn giản như việc này. Một nhà nuôi dạy trẻ có cửa hiệu đàng hoàng mà không phép, tôi đọc thấy có đoạn nói là đã xử lý mà vẫn dạy chui, từ chui ở đây là thế nào? Trong khi mỗi sáng người dân tất bật với công việc và phải gửi con cái đâu phải một hai đứa, tại sao dân phố và công an phường (ít ra là như thế) lại không biết được?
Phải có một công cụ để quản lý các nhà trẻ tự phát
Chúng ta hãy hình dung mỗi buổi sáng khi đến “điểm đọa đày” đó con trẻ sẽ nghĩ gì, và chúng ta có trách nhiệm gì với những suy nghĩ đó. Phải có một công cụ để giám sát, quản lý các nhà trẻ tự phát này, không chờ đoàn kiểm tra đến thì mọi việc đâu vào đó. Đó là mong muốn của tất cả mọi người, vì hiện nay chúng ta không kịp đáp ứng nổi nhu cầu về điểm trông giữ trẻ cho các công nhân có con nhỏ đang làm việc tại TP.
Nghỉ hộ sản xong, không biết gửi con ở đâu
Tôi mong rằng pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội đối với người vi phạm. Tôi cũng xin nêu ý kiến của cá nhân mình đối với Bộ GD-ĐT, Luật lao động quy định cho nữ nghỉ hộ sản sáu tháng để nuôi con. Hết sáu tháng họ phải đi làm trở lại.
Nhưng điều nghịch lý là trường mầm non công lập lại không giữ trẻ ở độ tuổi này, nên những người không có cha mẹ chăm nom cháu thì ai trông cháu để họ đi làm. Như vậy điều kiện bắt buộc họ phải gửi con vào những điểm giữ trẻ tư thục. Tôi thiết nghĩ nên chăng Bộ GD-ĐT nên kiến nghị chính phủ mở rộng thêm đối tượng giữ trẻ tại các trường mầm non công lập, tạm thời chưa làm được thì nên tăng cường hơn công tác quản lý nhà nước đối với các nhóm trẻ tư thục để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra như những trường hợp bạo hành trẻ thời gian qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận