Bạn đọc không những đưa ra giải pháp mà còn bày tỏ sự tin tưởng vào lãnh đạo ngành công an.
Phóng to |
Xử lý toàn diện và mạnh tay
Xin hoan nghênh lãnh đạo Bộ Công an và Công an tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng vào cuộc, điều này thể hiện rõ tinh thần vì dân. Tuy nhiên, những nhân vật, những địa phương mà báo Tuổi Trẻ nêu ra chỉ là bề nổi vì một phóng viên không thể đi mọi nơi của đất nước và cũng không thể liệt kê danh sách của tất cả CSGT mãi lộ. Vì vậy, lãnh đạo bộ và Công an Thanh Hóa xử lý thế này chỉ là bước đầu. Dân rất mong các vị có những biện pháp xử lý thật sự toàn diện và mạnh tay trong thời gian tới.
Cần cứng rắn
Bộ Công an cần có những quy định thật cứng rắn, cụ thể để phòng chống nạn mãi lộ, cửa quyền chứ không thể để lâu lâu báo chí lại đưa tin rồi kiểm tra xử lý, rồi người dân tố cáo, rồi báo chí đưa tin..., cuối cùng vai trò các đơn vị thanh tra, kiểm tra thật mờ nhạt. Việc xử lý những cán bộ tha hóa hoặc có dấu hiệu tha hóa cần nghiêm khắc và có tính đột phá trong tác dụng răn đe.
Nên lập trang web cho người dân gửi clip
Hoan hô trung tướng Phạm Quý Ngọ - thứ trưởng Bộ Công an - đã có chỉ đạo rất sát sao. Tôi đề nghị các vị lãnh đạo ngành công an nên thử cùng cánh tài xế “vi hành” một chuyến xem CSGT “đứng đường” thế nào. Thứ hai, khi có sai phạm thì xử lý công khai. Thứ ba, ngành công an nên lập trang web riêng dành cho người dân có thể gửi clip, ảnh về vấn nạn này.
Họ đã làm hoen ố màu áo CSGT
Có biết bao chiến sĩ trong lực lượng công an nhân dân ngày đêm quên mình để giữ gìn an ninh trật tự cho xã hội, đất nước. Thậm chí còn phải hi sinh tính mạng để trấn áp kẻ thù, trấn áp tội phạm, giữ bình an cho mọi người. Thế mà trong lực lượng CSGT có những “con sâu” làm chuyện xấu xa để ảnh hưởng chung đến lực lượng công an. Họ đã làm hoen ố màu áo vàng của CSGT.
Ngành công an cần chủ động tìm kiếm bằng chứng Đọc thông tin lãnh đạo ngành công an đề nghị báo Tuổi Trẻ hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin, bằng chứng để kiểm điểm, xử lý cán bộ, chiến sĩ có sai phạm, tôi chưa hài lòng. Tôi cho rằng các anh nhà báo nghiệp vụ điều tra có hạn, chỉ nêu lên hiện tượng và một số thông tin, chứng cứ ban đầu. Vấn đề quan trọng là ngành công an phải thật sự vào cuộc, bằng nghiệp vụ chuyên môn của mình để thu thập thông tin, bằng chứng, không phải của một vài tờ báo nêu ra mà phải lâu dài cho đến khi nào nạn mãi lộ chấm dứt. Đó mới là trách nhiệm chính của lãnh đạo ngành công an. Chứ nếu chỉ giải quyết những người sai phạm do báo chí nêu thì bao giờ mới chấm dứt được nạn mãi lộ? Mãi lộ và chứng cứ Chuyện mãi lộ, nói theo kiểu các bà má miền Tây, là “chuyện hà rầm, nói chỉ có nước mỏi miệng, tốn nước miếng”, nghĩa là chuyện nói hoài, chán ngán quá rồi nên không thèm nói nữa. Mỗi khi có tờ báo nào đó nêu lên câu chuyện về mãi lộ, các cơ quan công an hữu quan thường đi truy tìm chứng cứ để xử lý. Nhà báo phải thủ trong tay băng ghi âm hay phim ảnh làm bằng chứng. Gần đây, công dân góp thêm chất liệu từ điện thoại di động, từ máy quay kỹ thuật số. Nhưng xử lý từ chứng cứ không giải quyết được nạn mãi lộ dù rằng việc xử lý phải bắt đầu bằng chứng cứ. Có rất nhiều chuyện dĩ nhiên không có chứng cứ, được truyền miệng đồn đại từ bàn nhậu đến quán cà phê. Nào là chuyện chạy tiền để kiếm một suất và thời hạn “thu hồi vốn” của một cảnh sát giao thông. Nào là chuyện phân công “ra mặt đường” cũng như chia chác “quỹ” sao cho được... công bằng và đoàn kết nội bộ. Nào là chuyện bữa nhậu của một số anh không thua gì đại gia nhưng cuối buổi thường có một nhà xe nào đó phải chạy đến chi trả. Những chuyện ấy không biết thực hư thế nào nhưng vấn đề là người đời ai ai cũng tin, không một chút nghi ngờ. Có vô số chuyện không còn chứng cứ, nhưng nói như người xưa, “trời vẫn biết, đất vẫn biết, anh vẫn biết, tôi vẫn biết”. Sáng tối mỗi ngày, khắp nơi trên cả nước từ quốc lộ đến nội ô, từ đường lớn, đường nhỏ đến giữa lùm bụi, giữa phố xá, hàng vạn người, từ tài xế xe tải, xe ben đến xe khách, xe nhà, từ ông bố chở con đến trường đến bạn thanh niên phóng xe máy đi làm..., tất cả đều biết. Tệ nạn mãi lộ đến hôm nay đã gây ra sự đổ vỡ sâu sắc, ảnh hưởng đến niềm tin trong lòng người dân đối với hình ảnh của người cảnh sát giao thông mà những gian khó phải chịu đựng, những nỗ lực không mệt mỏi, kể cả sự hi sinh tính mạng của các anh để giữ gìn an toàn trật tự giao thông cho toàn xã hội vẫn không thể bù đắp được. Hậu quả liền kề theo đó là thái độ và hành vi khinh nhờn pháp luật ngày càng tăng của một bộ phận dân chúng... Truy tìm và xử lý chứng cứ cụ thể là việc cần làm, nhưng điều cần làm hơn chính là chấm dứt tình trạng dung dưỡng, thực hiện quyết liệt hệ thống giải pháp thật sự làm trong sạch đội ngũ, xây dựng cho được hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát giao thông được nhân dân tin cậy và yêu quý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận