17/02/2025 19:51 GMT+7

Hơn 200 người bị lừa đảo 100 tỉ đồng bằng tài khoản 'doanh nghiệp ma'

Đường dây làm giả con dấu, tài liệu để lừa đảo với quy mô lớn, số tiền chiếm đoạt trên 100 tỉ đồng vừa bị Công an tỉnh Bình Dương triệt phá.

Hơn 200 người bị lừa đảo 100 tỉ đồng bằng tài khoản “doanh nghiệp ma” - Ảnh 1.

Các nghi phạm trong đường dây lập tài khoản “doanh nghiệp ma” để lừa đảo bị tạm giữ hình sự - Ảnh: C.A.

Ngày 17-2, Công an tỉnh Bình Dương cho biết vừa triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu để lừa đảo với quy mô lớn. 

Đường dây do Huỳnh Thị Kim Oanh (40 tuổi, ngụ TP Thuận An, Bình Dương) cầm đầu. Các đồng phạm là Lê Lý Thành (37 tuổi, quê Đồng Tháp), Lê Văn Mười (42 tuổi, quê Kiên Giang).

Ngoài ra còn có Đào Trọng Quân (33 tuổi, quê Thái Bình) giữ vai trò móc nối, cấu kết để mở tài khoản ngân hàng công ty với giá 5 - 6 triệu đồng/tài khoản. 

Hiện Oanh, Thành và Quân đã bị tạm giữ hình sự. Mười đang bị công an củng cố hồ sơ, tiếp tục làm rõ. 

Bước đầu, ban chuyên án xác định nhóm của Oanh đã thành lập và sử dụng 25 pháp nhân công ty, mở trên 100 tài khoản ngân hàng để sử dụng vào hoạt động lừa đảo. Có hơn 200 bị hại trên cả nước bị "sập bẫy".

Nhằm tránh bị phát hiện, nhóm sử dụng căn cước chứa thông tin của người khác và thuê người giả mạo đứng tên trên giấy phép công ty và mở tài khoản ngân hàng. 

Oanh còn trực tiếp làm giả và sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức, đóng giả nhân viên ngân hàng để dụ dỗ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, tổ chức.

Sau khi có các tài khoản ngân hàng ở Việt Nam, nhóm đem bán lại cho các đối tượng ở Campuchia sử dụng cho hoạt động lừa đảo và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Ngay những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, ban chuyên án đã đồng loạt bắt giữ Oanh, Thành và Mười, thu giữ nhiều tang vật gồm 25 dấu tròn doanh nghiệp, 10 giấy chứng nhận mẫu dấu, 15 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan.

Công an tỉnh Bình Dương thông báo những ai bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đường dây trên có thể trình báo để phối hợp mở rộng điều tra vụ án.

Giả danh công an, điện lực… yêu cầu cài "app lừa đảo"

Công an cũng xác định nhiều thủ đoạn nhóm này sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như giả danh nhân viên điện lực yêu cầu truy cập đường link cài đặt ứng dụng "CSKH EVN SPC" (giả mạo Tổng công ty Điện lực Miền Nam).

Giả danh công an đề nghị cài đặt app "dịch vụ công" giả để chiếm quyền điều khiển điện thoại, qua đó chiếm quyền quản lý và tiền trong tài khoản của bị hại.

Hay các hình thức dụ dỗ tham gia đầu tư mua bán hàng trên mạng xã hội, đầu tư ngoại hối, đầu tư chứng khoán trên sàn; mạo danh nhân viên của các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng...

Hơn 200 người bị lừa đảo 100 tỉ đồng bằng tài khoản “doanh nghiệp ma” - Ảnh 3.Những chiêu thức lừa đảo nhắm vào người nộp thuế

Nhiều đối tượng gọi điện cho người nộp thuế tự xưng là công chức thuế mời lên làm việc, hướng dẫn kê khai miễn, giảm thuế, mời tập huấn… nhưng thực chất đây chỉ là chiêu lừa đảo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên