27/02/2019 16:01 GMT+7

Hơn 2.000 MW điện mặt trời, điện gió bổ sung nguồn điện

N.AN
N.AN

TTO - Thông tin được Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đưa ra tại Hội thảo đối tác công tư Việt - Nhật về công nghệ năng lượng sạch do Bộ Công thương tổ chức sáng 27-2.

Hơn 2.000 MW điện mặt trời, điện gió bổ sung nguồn điện - Ảnh 1.

Sẽ có khoảng 1.000 MW điện mặt trời được đi vào vận hành năm 2019 - Ảnh: TTO

Theo Bộ Công thương, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, đến nay, năng lượng tái tạo (gồm cả nhà máy thủy điện) chiếm công suất khoảng trên 40% trong tổng công suất. Hiện nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời.

"Đến thời điểm hiện nay, trong hệ thống điện với tổng công suất gần 50.000 MW đã có 4.000 MW dự án thủy điện nhỏ. Dự kiến cuối năm nay có khoảng 1.000 MW công suất các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành và có khoảng hơn 1.000 MW điện gió" - ông Vượng cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Vượng, đến nay việc khai thác các dạng năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, sinh khối, mặt trời, rác thải... mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ khá khiêm tốn, với công suất lắp đặt khoảng 52 MW điện gió và 150 MW điện sinh khối.

Chính phủ đặt ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, đó là ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ nguồn này, từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng suất xuất vào năm 2020 và 6% vào năm 2030.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo cần phân tích, tính toán để đưa ra lộ trình nhằm khai thác một cách hiệu quả các dự án theo từng giai đoạn của đất nước.

Đồng thời, xem xét tới khả năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo để tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm giá thành.

Phát triển năng lượng tái tạo theo cơ chế thị trường công khai, minh bạch, hiệu quả trên cơ sở nghiên cứu, chuyển đổi từ cơ chế khuyến khích theo giá FIT sang cơ chế đấu giá các dự án.

Mặc dù có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, song ông Vượng cho biết do nhu cầu sử dụng năng lượng (điện) tăng cao, mỗi năm khoảng 10%. Việc cần phải có cơ cấu các nguồn điện hợp lý vì thế cần thiết, gồm các nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu.

Thời gian tới, chủ trương Chính phủ là khai thác nguồn năng lượng sơ cấp, năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió và điện mặt trời. Song vẫn phải phát triển ở mức độ hợp lý các loại năng lượng truyền thống, đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước.

Trả lời Tuổi Trẻ Online về lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện, ông Vượng cho biết hiện Bộ Công thương đang kiến nghị Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá điện để có điều chỉnh phù hợp, phản ánh đúng chi phí sản xuất ra điện.

"Trong năm 2017 giá bán lẻ điện được đã điều chỉnh, cho đến nay đã hai năm chi phí đầu vào thay đổi nhiều, như giá than, giá khí và nhiều chi phí khác. Đã đến lúc xem xét sự cần thiết về điều chỉnh giá điện trong thời gian tới" - ông Vượng nói.




N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên