Theo thống kê của Tổng cục Thủy Lợi (Bộ NN&PTNT), hiện nay tại khu vực Tây Nguyên, các hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ chỉ còn 30-40% dung tích thiết kế, nhiều hồ thấp hơn cùng kỳ năm 2015.
Đắk Lắk có 115 hồ đã cạn nước, dự kiến cuối tháng 3, khoảng 250 hồ nhỏ sẽ cạn nước. Tại Gia Lai, các hồ chứa chỉ đạt 10-50%. Tại Kon Tum, dung tích các hồ chứa chỉ đạt 30-50% dung tích thiết kế, có 5 hồ đã cạn nước. Tại Đắk Nông, có 17 hồ chứa cạn nước, dự kiến sang tháng 4 khoảng 30 hồ chứa sẽ cạn nước.
Phần lớn số hồ chứa nhỏ sẽ không đủ cung cấp cho giai đoạn cuối vụ Đông Xuân (vụ Hè Thu và vụ Mùa trong thời gian mùa mưa).
Theo báo cáo của các địa phương, đến thời điểm này, toàn khu vực đã có 7.108 ha lúa phải dừng sản xuất (chuyển đổi được 4.758 ha sang trồng ngô, rau đậu…); 8.403 ha lúa bị thiếu nước (2.825 ha lúa mất trắng và thiệt hại trên 70%); 3.000 ha cà phê mất trắng và thiệt hại trên 70%, 4.038 ha cà phê thiệt hại từ 30-70%...
Dự kiến, đến cuối tháng 3, nếu không có mưa, diện tích cây trồng chính bị hạn hán, thiếu nước lên tới hơn 167.000 ha, trong đó, diện tích lúa 14.600 ha, 152.760 ha cà phê bị ảnh hưởng.
Về nước sinh hoạt, đã có gần 28.300 hộ gia đình bị thiếu nước, trong đó: Đắk Lắk 13.200 hộ, Gia Lai 7.000 hộ, Lâm Đồng 1.080 hộ… Thời gian tới, có khoảng 59.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, nặng nhất là Đắk Lắk 25.000 hộ, Đắc Nông 10.000 hộ, Lâm Đồng 7.000 hộ. Năm 2015, khu vực Tây Nguyên đã có gần 95.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và hàng chục ngàn người bị thiếu nước sinh hoạt.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến tháng 6, dòng chảy trên sông suối khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm, lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 6/2016 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-50%. Lượng nước trong hồ chứa giảm thấp, nhiều hồ chứa sẽ hết nước; lượng nước ngầm sẽ tiếp tục suy giảm, nguy cơ hạn hán sẽ diễn ra trầm trọng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận