24/06/2014 08:59 GMT+7

Hơn 14.000 điện thoại ở VN bị nghe lén ra sao?

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Sự việc chấn động này vừa được liên ngành phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội và thanh tra Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội phát hiện tại Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng (Q.Thanh Xuân, Hà Nội).

Phát hiện chấn động: Hơn 14.000 điện thoại bị nghe lén ở VN Smartphone Star N9500 Trung Quốc có phần mềm gián điệp

g1mmpoid.jpgPhóng to

Đáng chú ý, đây chỉ là một công ty kinh doanh về phần mềm, trong bối cảnh có rất nhiều loại công ty dịch vụ phần mềm đang hoạt động hiện nay.

Theo dõi từ A- Z

Theo PC50, Công ty Việt Hồng hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh được Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hà Nội cấp từ năm 2010 về lĩnh vực xây dựng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin.

Tuy nhiên từ tháng 8-2013, công ty bắt đầu phát triển và cung cấp dịch vụ phần mềm có chức năng giám sát điện thoại di động.

Phần mềm này được cung cấp dưới hai gói: dành cho cá nhân (Ptracker) và cho doanh nghiệp (PtrackerERP). Sản phẩm PtrackerERP theo công ty là hoàn toàn hợp pháp, thậm chí vào danh sách 100 sản phẩm vàng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đáng chú ý ở gói dành cho cá nhân đã khiến hàng chục nghìn điện thoại bị kiểm soát và nghe lén. Đây là sản phẩm phần mềm có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó được chính nhân viên của Việt Hồng phát triển.

Theo một trinh sát thuộc Đội 5 PC50, khi cần theo dõi một điện thoại, người dùng sẽ cầm máy đó và truy cập trang web “o.hv...” hoặc soạn tin nhắn cú pháp D... gửi đến đầu số 8189 để lấy đường link tải phần mềm về. Sau đó chỉ mất 3-5 phút thao tác là có thể cài đặt xong phần mềm này.

Phần mềm được cài trên các máy điện thoại sử dụng hệ điều hành Android. Sau khi được cài vào điện thoại cần theo dõi, tất cả dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi, gọi đến, âm thanh ghi xung quanh, hình ảnh, video, thống kê lịch sử trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy bị giám sát... sẽ được phần mềm lưu lại và đẩy lên máy chủ sau 5-10 phút khi máy có kết nối Internet.

Nguy hiểm hơn, người theo dõi có thể chủ động kích hoạt 3G/GPRS cho máy bị theo dõi từ xa để đẩy dữ liệu lên hệ thống. Thậm chí có khả năng ra lệnh điều khiển từ xa như: ghi âm xung quanh, nghe âm thanh xung quanh, quay video, chụp ảnh...

Phần mềm này còn nguy hiểm khi không quản lý theo SIM điện thoại mà theo EMEI (mã số nhận dạng quốc tế cho thiết bị di động), do đó kể cả thay bằng SIM khác máy điện thoại vẫn bị theo dõi tất cả thông số nói trên.

Đáng chú ý, theo PC50, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một số công ty thám tử tư đã đăng ký sử dụng dịch vụ của Công ty Việt Hồng.

Ngoài ra, đã có tới 14 đại lý kinh doanh sản phẩm Ptracker trên nhiều địa phương cả nước, trong đó ngoài Hà Nội còn có cả TP.HCM, Đà Nẵng, thậm chí tận Lào Cai... Người sử dụng hiện đã trải rộng trên khắp nhiều tỉnh thành.

Qaq8SLXB.jpgPhóng to
Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng ở tầng 4 của một tòa nhà trên đường Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Bán thông tin cá nhân

Theo một cán bộ của PC50, Công ty Việt Hồng đã “treo đầu dê, bán thịt chó” khi rao gói phần mềm PtrackerERP để chấm công, quản lý lộ trình đi lại của phương tiện, còn gói Ptracker để giám sát con cái.

Tuy nhiên thực tế bất cứ khách hàng nào, sử dụng vào mục đích gì Việt Hồng đều bán phần mềm này mà không cần quan tâm tới đối tượng hay mục đích sử dụng.

Cụ thể, vi phạm nghiêm trọng nhất của công ty này chính là dùng phần mềm đó để lưu trữ thông tin cá nhân, sau đó dùng thông tin cá nhân này bán lại cho khách hàng - người có nhu cầu theo dõi cá nhân kia.

Theo đó, người có nhu cầu theo dõi chỉ cần đăng nhập trang web “giamsat.vh...” của Công ty Việt Hồng là có thể xem lại tất cả thông tin của máy bị giám sát.

Theo thanh tra Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội, có rất nhiều thông tin lưu trữ tại máy chủ của Công ty Việt Hồng mang tính chất riêng tư, nhạy cảm: như thông tin giao dịch giữa người sử dụng dịch vụ điện thoại với ngân hàng, xác nhận tài khoản Facebook, Viber, các thông tin nhạy cảm về quan hệ nam nữ, giao dịch kinh doanh, thậm chí có nội dung tin nhắn tiếng nước ngoài...

Để phục vụ kiếm tiền bất chính từ sản phẩm của mình, Công ty Việt Hồng đã cho đăng tải thông tin trên các trang mạng xã hội, lập hàng loạt website như: vhc..., olivi..., viethongg..., vietthonggp... để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm phần mềm nghe lén này.

Khách hàng chỉ cần chuyển khoản qua các ngân hàng hoặc cổng thanh toán điện tử là có thể tải ngay phần mềm về dùng rất nhanh gọn.

Thống kê của PC50 cho thấy từ khi đưa vào sử dụng đến thời điểm bị thanh tra (tháng 6-2014) đã có tới 14.140 tài khoản từng sử dụng phần mềm Ptracker, trong đó số lượng tài khoản vẫn còn lưu trong máy chủ của Công ty Việt Hồng là 7.447 tài khoản và hiện còn tới 600 tài khoản đang sử dụng phần mềm này.

Với mức phí đưa ra cho người dùng khá hấp dẫn 400.000 đồng/tháng, 900.000 đồng/3 tháng và 1,2 triệu đồng/6 tháng..., chỉ trong khoảng chín tháng (từ tháng 9-2013 đến nay) Công ty Việt Hồng đã thu lợi bất chính tới trên 900 triệu đồng.

PC50 cho biết hiện cơ quan chức năng đã phong tỏa server của Công ty Việt Hồng, đồng thời tiếp tục làm rõ thêm bị hại, khi đủ yếu tố cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án.

Tùy hành vi cụ thể để xem xét mức độ vi phạm

Trước tiên, về việc cài phần mềm nghe lén điện thoại tin nhắn cũng như bật định vị điện thoại là hành vi vi phạm vào các điều khoản của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, mức độ vi phạm thế nào còn tùy thuộc vào các tình tiết và hành vi vi phạm.

Hành vi nghe lén, nếu chỉ là nghe lén của công dân bình thường cũng đã vi phạm đời tư công dân. Ngoài ra, hành vi nghe lén này cũng phải được xem xét có vi phạm về an ninh quốc gia không. Nếu vi phạm vào an ninh quốc gia, tiết lộ bí mật an ninh quốc gia thì thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật khác nữa.

Ngoài điều khoản 125 Bộ luật hình sự quy định về tội xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại điện tín của người khác, hành vi trên còn chịu sự điều chỉnh của điều 226a quy định về “tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác”. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn phải xác định hậu quả của việc nghe lén là gì, thu thập tài liệu làm gì, đã gây ra hậu quả cụ thể như thế nào, ảnh hưởng đến uy tín danh dự của những ai, có gây tổn thất gì về tiền bạc hay không, mức độ ra sao. Phải xem xét tất cả điều đó mới có thể nói tiếp được sau vụ việc này là gì.

Luật sư NGUYỄN DUY DỤ HÀ CHÂU ghi

Bảo vệ smartphone như PC

Theo ông Võ Đỗ Thắng - giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, hệ điều hành Android có chức năng ngăn chặn người dùng cài đặt ứng dụng từ các nguồn khác ngoài kênh chính thống là chợ ứng dụng Google Play. Người dùng không nên chọn phần “Unknown sources” trong phần thiết lập “Settings - Security” trên điện thoại. Tuyệt đối không nên tự ý cài các ứng dụng chia sẻ trên diễn đàn, những trang web không đáng tin cậy.

“Bên cạnh đó, mỗi khi cài đặt, ứng dụng đều yêu cầu người dùng cấp phép các quyền mà ứng dụng được chạm tay đến. Ví dụ, một ứng dụng game lại đòi can thiệp vào tin nhắn SMS, kích hoạt máy ảnh hay xem danh bạ thì tuyệt đối không nên cài”.

“Không đưa điện thoại cho những nơi sửa chữa không tin tưởng và cần cài đặt một ứng dụng bảo mật trên smartphone. Hãy bảo vệ smartphone như máy tính xách tay của mình” - ông Thắng khuyến cáo.

THANH TRỰC

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên