Những hồi ức chân thực, sống động, đặc biệt là hồi ức về thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, của hai người lính có cùng năm sinh nhưng ở hai đầu chiến tuyến được đặt trong cuốn sách giúp người đọc nhìn ra nhiều điều sâu xa về cuộc chiến, về lịch sử đất nước, về lòng thương yêu, đức bao dung của người Việt, từ đó giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa giải dân tộc.
Cuộc chiến nhìn từ hai phía
Sách Hồi ức Quảng Trị (NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật) do nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sưu tầm và biên soạn, khắc họa 81 ngày đêm trận chiến thành cổ Quảng Trị qua những trang nhật ký, hồi ký chiến trường của anh lính giải phóng Quân đội nhân dân Việt Nam Đào Chí Thành và người lính thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Thanh Quang.
Hai dòng nghĩ suy chân thực về cuộc chiến của hai người lính ở hai chiến tuyến đặt cạnh nhau giúp bạn đọc đối chiếu, cảm nhận về hoài bão, lý tưởng sống của mỗi người lính của hai phía.
Bạn đọc dễ dàng nhận thấy sự đối lập sâu sắc của mục đích, trách nhiệm và hành động cầm súng chiến đấu, nhận ra chính nghĩa và phi nghĩa; tự nguyện, cống hiến và bắt buộc, cam chịu; lý tưởng, yêu thương và vô cảm; khát vọng và vô vọng.
Nếu như phần nhật ký, hồi ký chiến trường của anh lính giải phóng Đào Chí Thành ghi chép đầy lý tưởng cách mạng của anh bộ đội Cụ Hồ đã được biết đến nhiều, thì những dòng hồi ký chiến trận của người lính Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Thanh Quang khi đã thấu hiểu cuộc chiến là một câu chuyện hiếm.
Phần hồi ký của Nguyễn Thanh Quang cho thấy tác giả đã tự nguyện vén bức màn để bạn đọc bước vào nội tâm phức tạp cũng như số phận chìm nổi mấy chục năm của người lính thất trận, để thấy cái đích của hòa giải không dễ dàng nhưng viên mãn.
Hành trình cảm động của Hồi ức Quảng Trị
Ông Nguyễn Thanh Quang có tên khai sinh là Phan Văn Lân, sinh năm 1953 (cùng năm sinh với Đào Chí Thành) tại Bình Thuận.
Ông gia nhập quân lực Việt Nam Cộng hòa năm 1970. Tại thành cổ Quảng Trị năm 1972, ông là toán trưởng khinh binh (trinh sát).
Ông Đào Chí Thành cũng tham gia trận giao tranh ác liệt này nhưng ở phía những người lính giải phóng bảo vệ thành cổ.
Ông Thành nhập ngũ năm 1971, khi đang là sinh viên khoa toán Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Cuối năm 1974, ông Thành được cử đi học Trường đại học Kỹ thuật quân sự.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Quang sau ngày thống nhất đất nước về lại Bình Thuận, ra trình diện, đi học tập cải tạo hai đợt (mỗi đợt vài ngày).
Đất nước sau chiến tranh vô cùng khó khăn, ông Quang càng vất vả, nhiều khi oan ức, cay đắng vì những định kiến thời gian đầu còn nặng nề.
Có những lúc hoàn cảnh sống khó khăn, bế tắc khiến ông tiêu cực, ông tìm cách liên lạc với Hội Cựu chiến binh quân lực Việt Nam ở Mỹ để tìm bạn cũ chia sẻ nỗi niềm.
Trong những lá thư này, người đọc thấy ông Quang rất tự hào về những tháng năm tuổi trẻ trận mạc, coi nó là "ngoạn mục", "hào hùng".
Ông còn nhiều lần gửi đơn lên Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM để xin được hưởng chương trình tái định cư nhân đạo HR của Chính phủ Mỹ nhưng đều không nhận được hồi âm.
Nhưng ông Quang đã khác sau những năm tháng tiếp tục sống trên đất nước mình, bên đồng bào mình, có thời gian suy nghĩ thêm về cuộc chiến.
Rồi các cuộc gặp gỡ với những người lính mà mình từng chĩa mũi súng, một ngày ông Quang hồi tâm. Đặc biệt là cuộc gặp gỡ của ông Quang với ông Đào Chí Thành, lúc đó đã là tiến sĩ khoa học - viện trưởng Viện Công nghệ điện tử.
Ông Quang cho biết ông với ông Thành trò chuyện rất hợp nhau. "Chúng tôi đã tự thực hiện hòa hợp dân tộc bằng chính tình bạn của mình, quên đi quá khứ, hướng tới tương lai", ông Quang viết.
Nhờ tình bạn với ông Thành, ông Quang viết hồi ký về những tháng ngày ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 mà hai ông cùng tham gia, "viết chân thật chỉ mong để thế hệ sau đọc và ngẫm nghĩ đúng đắn về thời chúng tôi".
Viết xong, ông Quang giao cả cho ông Thành "tùy bạn sử dụng". Kết quả là cuốn Hồi ức Quảng Trị vừa ra mắt bạn đọc.
Cuốn sách xứng đáng là nhân chứng, là biểu tượng cảm động về tinh thần yêu thương, bao dung bước qua hận thù để làm một cuộc hòa giải dân tộc rất cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận